Chính sách “visa khởi nghiệp” nhằm mục đích thu hút nhân tài là các cho công dân nước ngoài đến Mỹ đầu tư bị hoãn lại thay vì sẽ được thực thi vào ngày 17-7 như dự kiến.
Văn hóa khởi nghiệp ở Israel
- Cập nhật : 28/06/2017
Tinh thần quân đội, cởi mở với thất bại, chú trọng sáng tạo… là những yếu tố làm nên “tính cách khởi nghiệp” của người dân nơi đây.
Bloomberg đầu năm nay đánh giá Israel là một trong những nền kinh tế đổi mới nhất thế giới cùng Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển, Singapore và Hàn Quốc. Đã có rất nhiều bài phân tích chi tiết, chỉ ra những bí quyết, giải thích tại sao một quốc gia với hơn 8 triệu dân lại có thể sản sinh ra gần 5.000 startup, có lượng vốn đầu tư mạo hiểm cao nhất thế giới với mức bình quân 170 USD mỗi người. Vậy điều gì đã tạo nên một nền văn hóa mà mỗi người dân đều mang trong mình tinh thần khởi nghiệp và lập nên một quốc gia khởi nghiệp.
Thất bại được chào đón
Cuối tháng 5/2017, phát biểu khi nhận bằng danh dự tại Đại học Harvardsau 12 năm bỏ học để phát triển mạng xã hội lớn nhất thế giới, CEO Facebook - Mark Zuckerberg tuyên bố ấn tượng về thất bại: “Thành công đến từ quyền được tự do thất bại”.Mark khẳng định nhiệm vụ của mỗi người, đặc biệt những tỷ phú như Mark, là tạo ra một mạng lưới tài chính an toàn để mỗi cá nhân có cơ hội trải nghiệm sự thất bại, tìm kiếm và theo đuổi những điều mình thích mà không lo “cơm áo gạo tiền ghì sát đất”. Được cởi trói bởi gánh nặng tài chính, mỗi người sẽ liều lĩnh hơn, sáng tạo hơn, theo đuổi những điều họ thích và từ đó những sản phẩm có thể làm thay đổi cả thế giới sẽ có cơ hội ra đời.
Đất nước Israel chỉ có hơn 8 triệu dân nhưng tập trung một mạng lưới các công ty khởi nghiệp dày đặc với hơn 5.000 startup.
Thử nghiệm và chào đón thất bại cũng là một phần quan trọng trong tính cách và văn hóa khởi nghiệp Israel. Tại Israel, 99% số sinh viên khởi nghiệp thất bại ngay từ trên ghế nhà trường.
Thất bại được xem như một quá trình phát triển tự nhiên, một điều tất yếu đến mức các startup còn tự dạy nhau rằng "Nếu thất bại, hãy làm điều đó thật nhanh để còn tiết kiệm thời gian, nguồn lực, công sức thử nghiệm và xây dựng cái mới", và "Thất bại lớn tốt hơn thất bại nhỏ".
Vì vậy thị trường Israel thực sự cởi mở đối với những thí nghiệm, là “sân chơi tuyệt vời cho các doanh nhân có thể trao đổi, kiểm tra và thẩm định các ý tưởng của mình bởi đây là thị trường thực sự bỏ qua cho tất cả sai sót, thử nghiệm để bạn có thể học hỏi được từ chính những điều đó”, ông Adi Shemesh – nhà sáng lập kiêm CEO của nền tảng hoán đổi thời trang Trench cho biết
Ngoài ra, theo như ông Or Offer – nhà đồng sáng lập kiêm CEO của công ty thông tin thị trường kỹ thuật số SimilarWeb: “Người Israel có xu hướng thích lao đầu vào các thách thức và không bao giờ thấy sợ những gì mình chưa biết”.
Khởi nghiệp từ “học kì quân đội”
Ở Israel, hầu hết mọi người dân đều gia nhập quân đội trước khi vào đại học. Trong quân đội, nhiều người có cơ hội học thêm về công nghệ, bởi đây là yếu tố chủ chốt trong việc giao tiếp và các hoạt động khác.
Môi trường và văn hóa trong quân đội của Israel rất khuyến khích khởi nghiệp và lãnh đạo. Việc huấn luyện quân sự cũng giúp thấm nhuần những giá trị cần có để xây dựng và phát triển các công ty khởi nghiệp.Ông Avishai Sharon – CEO hãng phân tích tiếp thị nội dung TrenDemon chia sẻ: “Việc được tiếp xúc với những công nghệ mới trong quân đội nuôi dưỡng một nền văn hóa có lợi cho việc xây dựng khởi nghiệp. Bạn hoàn toàn có cơ hội làm việc với những công nghệ, các giải pháp về kiến trúc tiên tiến nhất… Điều này mở ra tư duy cho bạn để biết được điều gì là có thể, điều gì là đủ khả năng”.
Sáng tạo- đổi mới là giá trị cốt lõi mà mỗi người dân, doanh nhân khởi nghiệp, startup ứng dụng triệt để trong cuộc sống sinh hoạt cũng như mô hình kinh doanh của họ. Ngay cả một quán cà phê ở Israel cũng có những chiêu thức rất hay ho thú vị để tăng lượng tiền tip
Cũng theo vị CEO này, mọi thứ trong quân đội đều hướng vào việc suy nghĩ để giải quyết các thử thách, nhận thức đúng về khả năng của mỗi người và xây dựng được sự tin cậy trong đội ngũ. “Tôi cho rằng, một trong những bài học lớn chính là ‘không có gì là cô độc’ trong quân đội. Và đó cũng là cách để mọi tổ chức hoạt động hiệu quả”.
Môi trường quân đội còn giúp mỗi người nhận ra được sự quan trọng của tinh thần tập thể, kỹ năng làm việc nhóm và sự cần thiết để tất cả cùng hướng tới một mục tiêu chung. Bởi một trong những thách thức cho các doanh nhân chính là họ phải tâm niệm rằng tự mình không thể làm hết được mọi việc, họ cần có một đội ngũ vững mạnh.
Đồng quan điểm, ông Offer cho biết: “Các giá trị và kỹ năng được yêu cầu trong quân ngũ – từ các kỹ năng công nghệ tới lòng trung thành và tình bạn thân thiết – đều giúp nuôi dưỡng nhân tài và tạo dựng nên những đội ngũ vững mạnh”.
Khởi nghiệp từ trên ghế nhà trường
Ở Israel, đổi mới được thấm nhuần vào văn hóa, mà theo lời Adi Shemesh là: “Mọi người rất cởi mở… họ yêu sự đổi mới. Hầu hết mọi người ở đây đều thực hiện đổi mới cho chính cuộc sống của mình. Toàn bộ nền văn hóa này thực sự bị cuốn hút bởi những điều mới mẻ”.
Tại quốc gia này, tinh thần doanh nhân cùng những kỹ năng liên quan được tích hợp vào các chương trình giảng dạy cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Nhiều cuộc thi được mở ra dành cho các học sinh trung học hướng tới tinh thần doanh nhân giúp các em xây dựng ý tưởng, kế hoạch kinh doanh của mình cũng như cách phát triển các ý tưởng phù hợp trong một bối cảnh thương mại.
Các sinh viên từ năm thứ hai trở đi cũng được khuyến khích/ gần như bắt buộc phải có dự án kinh doanh riêng, tự mở công ty, khởi nghiệp…Tất cả điều đó giúp học sinh, sinh viên tại Israel không còn lạ lẫm với thế giới doanh nghiệp sau này.Hiện tượng khởi nghiệp DesignBold của CEO Hùng Đinh được đánh giá đang tạo nên những điều thần kì sau Flappy Bird cũng được ra đời từ một lớp học khởi nghiệp tại Israel.
CEO Hùng Đinh của DesignBold trong lớp học khởi nghiệp tại Israel kéo dài một tháng. Từ lớp học này, ý tưởng về ứng dụng thiết kế đã được hình thành và ra được bản đầu tiên. Ảnh: CEO Hùng Đinh
Theo CEO Hùng Đinh, trong một buổi học về sáng tạo tại Israel năm 2015, giảng viên chia lớp học thành các nhóm 5 người và ra bài tập lập một dự án khởi nghiệp, ngay lập tức anh có ý tưởng dùng phần mềm với những công cụ thiết kế có sẵn để bất kỳ ai cũng vẫn có thể tạo ra những sản phẩm thiết kế đẹp từ poster, banner, tờ rơi, tạp chí, ảnh…
Một tháng sau khóa học, anh Hùng và các cộng sự đã đưa ra phiên bản dùng thử ở Israel và nhận được phản hồi tốt của khách hàng. Trong một năm sau đó, anh liên tiếp cải tiến và chính thức ra mắt phiên bản thương mại vào ngày 25/10/2016. Chỉ chưa đầy một tuần sau khi ra mắt tại Mỹ, DesignBold đã có tổng cộng 20.336 lượt đăng ký, 2.026 khách hàng trả tiền với tổng doanh thu trên 80.000 đôla.
Một startup Việt Nam khác cũng “dính líu” đến khởi nghiệp Israel là Beeketing. Năm 2015, startup Beeketing với giải pháp marketing online đã vượt qua 50 startup khác trong cuộc thi khởi nghiệp Start Tel Aviv tại Việt Nam, giành vé đến Israel vào tháng 9/2015 để tìm hiểu về hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây với các nhóm khởi nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới như Mỹ, Nauy, Hà Lan…
Phương Nguyên
Theo Vnexpress