Những kết luận (câu trả lời) này được rút ra từ thực tế các doanh nghiệp mà người viết đã tư vấn, đã theo dõi quá trình hoạt động của họ, và từ chính startup của mình.
Doanh nhân Lý Quí Trung: Khởi nghiệp mà 'đi bằng ghe' thì không khác gì tự sát!
- Cập nhật : 25/06/2017
"Trước khi dấn thân vào khởi nghiệp kinh doanh thì các bạn trẻ cần cân nhắc cho thật kỹ lưỡng. Muốn đi ra biển lớn thì phải biết ngoài đó có gì và mình có sẵn sàng hay không. Rồi phải mặc áo phao đầy đủ. Rồi phải chọn tàu hay thuyền bè cho chắc chắn, chứ đi bằng ghe thì không khác gì tự sát".
LTS: Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp diễn ra rất tích cực. Rất nhiều trung tâm hỗ trợ được thành lập cũng như những chương trình huấn luyện, vườn ươm được mọc lên khắp nơi. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng, tuy nhiên, vấn đề đáng lo là làm sao cho phong trào đi đúng hướng? Nhà nước đang khuyến khích phong trào "Quốc gia khởi nghiệp” nhưng lại thiếu chính sách quốc gia thiết thực để hỗ trợ, đào tạo.
Trong khi đó, các bạn trẻ vừa ra trường, chưa tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, đã lao vào khởi nghiệp như thiêu thân, dẫn đến mất tiền, sống ảo, đổ vỡ niềm tin... Nếu cả một thế hệ cùng lao xuống sông mà không biết cách bơi sẽ ra sao? Hãy lắng nghe những chia sẻ rất thiết thực của chính những startup.
Tiếp theo loạt bài trong chuyên đề khởi nghiệp, BizLIVE xin giới thiệu đến bạn đọc những chia sẻ, trăn trở của ông Lý Quí Trung, người sáng lập thương hiệu Phở 24 về phong trào khởi nghiệp của những bạn trẻ hiện nay.
Đi bằng ghe thì không khác gì tự sát!
Một mặt tôi luôn cổ vũ cho phong trào khởi nghiệp nhưng một mặt khác tôi lại thấy lo vì có quá nhiều bạn trẻ “đi tắt đón đầu”, lao vào kinh doanh mà không có sự chuẩn bị cần thiết.
Chức danh CEO (Chief Executive Officer) trên danh thiếp ít nhiều cũng tai hại vì ngủ một giấc sáng mở mắt ra đã làm tổng giám đốc rồi!
Nhưng tổng giám đốc doanh nghiệp do chính mình lập ra có khác với tổng giám đốc của các công ty lớn hay các tập đoàn điển hình, những người ngồi trên cao làm công tác hoạch định, điều hành và có cả một dàn giáo bên dưới hỗ trợ, giúp việc.
Đằng này tổng giám đốc của công ty khởi nghiệp lại ngồi tận bên dưới, vì gần như phải làm tất tần tật từ A đến Z vì có bao nhiêu người trong công ty đâu. Nên chức danh Chief Executive Officer đúng ra phải được đổi thành Chief Everything Officer. Vì cái gì cũng mình, từ tiếp thị đến bán hàng, giao hàng đến hành chính, nhân sự, kế toán, tài chính, sổ sách. Biết bao nhiêu việc tồn đọng mà người chủ nhỏ phải làm, phải “hốt”. Cho nên cái chức CEO trong trường hợp này có thể không đẹp như mình nghĩ.
Tưởng là tự mở công ty là không phải làm việc cho ai, muốn làm thì làm, muốn nghĩ thì nghĩ, đầy tự do, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Bạn sẽ làm việc nhiều hơn nhiều vì như đã nói, tất cả gần như dồn vào Chief Everything Officer! 80 giờ một tuần là chuyện bình thường. Không còn biết Chủ Nhật là gì. Còn thứ Hai thì tối mặt.
Không phải bàn ra nhưng trước khi dấn thân vào khởi nghiệp kinh doanh thì các bạn trẻ cần cân nhắc cho thật kỹ lưỡng. Muốn đi ra biển lớn thì phải biết ngoài đó có gì và mình có sẵn sàng hay không. Rồi phải mặc áo phao đầy đủ. Rồi phải chọn tàu hay thuyền bè cho chắc chắn, chứ đi bằng ghe thì không khác gì tự sát.
Không phải cứ khởi nghiệp là phải mở công ty, phải đao to búa lớn. Chữ khởi nghiệp trong tiếng Việt mình hiện nay trở thành thời thượng quá và nhiều khi gây nhiều ngộ nhận. Đi làm cho người khác cũng là một sự bắt đầu tốt dành cho người mới bước chân vào đời. Thực tập trên vốn liếng và rủi ro của người khác không phải sướng hay sao.
Đừng bao giờ đi vào con đường kinh doanh vì những lý do không đúng.
Lý do đúng là khi bạn nghĩ là mình thật sự có thể đem đến được cho khách hàng một giải pháp hoàn toàn mới, hay ít ra là một giải pháp tốt hơn những gì mọi người đang có. Còn gia nhập đám đông khởi nghiệp kiểu startup cho vui hay cho oai thì thật sự không nên.
Vì cái giá lớn nhất phải trả không phải là chi phí đầu tư, mà là chi phí cơ hội. Chỉ một bước rẽ thôi coi vậy mà lớn lắm.
Lý Quí Trung
Theo Bizlive.vn