Ở thung lũng Silicon xảy ra hiện tượng các gã khổng lồ làm mọi thứ để chèn ép các startup nhỏ bằng cách sao chép công nghệ của họ hoặc thâu tóm sớm để loại bỏ các mối đe dọa.
Không thấy Aeon Mall, hãy tìm Eco Box
- Cập nhật : 10/03/2016
(Tin Kinh Te)
Chỉ sau gần 1 tháng khai trương, 60% lượng container thuộc giai đoạn 1 đã có chủ.
Một ý tưởng nhỏ cũng có thể trở thành lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn. Nếu có dịp thăm Trung tâm thương mại Aeon Mall tại quận Tân Phú nằm trong Khu Đô thị Celadon City, thì gần đó bạn sẽ dễ bắt gặp hình ảnh hàng chục container đủ sắc màu và nhộn nhịp người qua lại mỗi đêm. Đó là chợ container mang tên Eco Box của doanh nhân trẻ Hoàng Tuấn Anh.
“Chợ container này ra đời với ý tưởng nếu người mua không tìm thấy sản phẩm ưng ý ở Aeon Mall thì có thể xem nơi đây là sự bổ sung đáng giá”, Tuấn Anh nói.
Kiếm tiền từ những container cũ
Kinh nghiệm du học và làm việc nhiều năm tại Úc đã giúp Tuấn Anh phát hiện ra các cơ hội tại thị trường đang phát triển như Việt Nam. Ở đây, nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng cao, trong khi những loại hình bán lẻ vẫn còn khá hạn chế. Đã vậy, chi phí xây dựng trung tâm thương mại hay chợ lại rất lớn. Cái khó ló cái khôn, chàng trai sinh năm 1985 này đã phát hiện ra một vật liệu thay thế tiềm năng: các container cũ.
Theo Tuấn Anh, Việt Nam là quốc gia xuất nhập khẩu rất lớn, vì thế số lượng container tồn đọng không sử dụng khá nhiều. Chúng lại khá cứng, chịu được va đập và quan trọng là thời gian triển khai xây dựng rất nhanh, giúp tiết kiệm được chi phí và thời gian. Chi phí mỗi chiếc container như thế vào khoảng 40 triệu đồng.
Nhưng không phải container cũ nào Tuấn Anh cũng sử dụng mà phải là loại 40 feet để tạo cảm giác thoáng mát cho gian hàng, niên hạn sử dụng vẫn còn 20-30 năm. Các container được thiết kế với dịch vụ làm mát, cách nhiệt tốt, có đầy đủ điện, nước, hệ thống chiếu sáng và sẵn sàng trở thành nơi buôn bán tiện lợi.
Một điểm nhấn trong mô hình chợ container của Tuấn Anh chính là tận dụng quỹ đất trống của các chủ đầu tư, hay một số dự án chậm triển khai nằm rải rác khá nhiều trên địa bàn TP.HCM. Các chủ đầu tư này cũng muốn hợp tác với các đối tác khác để mang lại nguồn thu nhập cho mình, thay vì để trống và dĩ nhiên phải ở mức chiết khấu hấp dẫn.
Nhờ chi phí thuê đất và xây dựng thấp nên chi phí mà các tiểu thương thuê gian hàng tại Eco Box khá cạnh tranh, nếu so với thuê cùng diện tích tại các trung tâm thương mại hay siêu thị (chi phí thuê không gian một nửa container dao động từ 3-5 triệu đồng/ tháng). Nhìn chung, mô hình này phù hợp với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, viên chức nhà nước hay các bạn trẻ có nhu cầu kiếm thêm thu nhập phục vụ cho việc học tập và sinh hoạt.
“Tổng kinh phí đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 5 tỉ đồng với 22 container. Trong thời gian tới, Eco Box sẽ mở rộng thêm 23 container và tổng mức đầu tư được nâng lên thành 10 tỉ đồng”, Tuấn Anh chia sẻ.
Chỉ sau gần 1 tháng khai trương, 60% lượng container thuộc giai đoạn 1 đã có chủ. Theo tính toán, nếu công suất cho thuê được lấp đầy thì thời gian hoàn vốn sẽ là 2-3 năm, nhanh hơn nhiều so với khung thời gian 20-30 năm của các trung tâm thương mại.
Mối duyên kinh doanh
Để tự túc phần nào chi phí ăn học trong thời gian du học tại Úc, Tuấn Anh đã sớm tích lũy được kinh nghiệm thương trường khi vừa học vừa buôn bán từ quần áo đến đồ điện tử giá rẻ. Đó chính là những bài học kinh doanh đầu đời mà sau này mỗi khi nhớ lại, chàng thanh niên này vẫn cảm thấy xúc động.
Điều ngạc nhiên kinh doanh không phải là chuyên ngành Tuấn Anh theo học mà lại là ngành xây dựng của Đại học Công nghệ Sydney. Nhưng điều này lại giúp cho chàng trai trẻ nhận được cơ hội lớn ngay sau khi tốt nghiệp. Bởi vào thời điểm đó, Chính phủ Úc của Thủ tướng John Howard bắt đầu nghiên cứu triển khai dự án cung cấp tấm cách nhiệt miễn phí cho cư dân với tổng chi phí lên tới 2 tỉ USD.
Nhờ sự hiểu biết về lĩnh vực xây dựng cộng với một chút liều lĩnh kinh doanh, Tuấn Anh đã mày mò đọc tài liệu kỹ thuật của dự án rồi tranh thủ bay sang Nga, Trung Quốc tìm nguồn nguyên liệu giá rẻ.
Khi dự án chính thức được khởi công thì Công ty T&T Furniture của Tuấn Anh là 1 trong 2 doanh nghiệp đầu tiên nhận được hợp đồng từ Chính phủ để cung cấp và thi công tấm cách nhiệt. Dự án sau đó được triển khai khá tốt và chính kinh nghiệm cách nhiệt này đã được Tuấn Anh áp dụng vào chợ container của mình sau này. Bên cạnh đó, T&T Furniture còn nhận thêm vài hợp đồng thi công khác từ các chủ đầu tư có uy tín.
Nhưng chi phí kinh doanh ngày càng đắt đỏ tại Úc buộc Tuấn Anh phải suy nghĩ lại chiến lược của mình. Sau những lần về thăm quê hương, anh nhận thấy được tiềm năng của thị trường Việt Nam. Dự án khởi đầu của Tuấn Anh tại quê nhà là cung cấp khóa cửa điện tử cho các dự án căn hộ - khách sạn và hiện nay là Eco Box.
Một chút thành công hiện tại đã tạo dựng niềm tin trong anh. Mục tiêu mà Tuấn Anh hướng đến là phát triển hệ thống Eco Box lên con số 20 trong vòng 5 năm tới. Nhưng ý thức được giới hạn về nguồn lực bản thân và gia đình, chàng trai này đang tìm kiếm các đối tác khác để hợp lực cùng nhau phát triển.
Hiện tại, Eco Box đang hợp tác với các công ty có kinh nghiệm về bán lẻ như Hello Weekend, The New District hay chuỗi thức ăn Foody để cải thiện khả năng quản trị, tổ chức không gian sống động hơn hay định kỳ thực hiện các chương trình âm nhạc thu hút khách hàng.
Không chỉ dừng lại ở ở mô hình chợ làm bằng container, doanh nhân trẻ này còn dự định triển khai chuỗi khách sạn, nhà trọ cũng làm bằng container. “Tiềm năng du lịch của Việt Nam rất lớn. Vấn đề là chỗ ở hiện nay cho du khách nước ngoài chưa tiện dụng và giá rẻ giống như Thái Lan. Điều đó mang đến cơ hội cho nhà trọ hay khách sạn làm bằng container”, Tuấn Anh chia sẻ.
Dĩ nhiên, bất kỳ một mô hình kinh doanh mới nào cũng gặp nhiều thách thức. Theo Tuấn Anh, do đây là mô hình mới tại Việt Nam nên việc cấp giấy phép triển khai còn chậm. Bên cạnh đó, các mô hình kinh doanh hiện đại như bán hàng trực tuyến cũng tác động phần nào, mặc dù các tiểu thương vẫn muốn tận dụng các gian hàng offline để giới thiệu sản phẩm của mình.
Thách thức còn ở vấn đề tổ chức mà nhất là nguồn nhân lực có tâm huyết. Sau gần 2 năm nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp và quy trình làm việc, hiện tại Tuấn Anh đã phần nào ổn định được nhân sự với tổng số nhân viên khoảng 50 người.
Nguyễn Sơn
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)