tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Dùng vốn khởi nghiệp thế nào cho hợp lý

  • Cập nhật : 13/10/2015

(Khoi nghiep)

Người start-up thường kỳ vọng cao hơn thực tế, nên nếu không có kế hoạch chi tiêu hợp lý rất dễ rơi vào tình trạng "chưa đến chợ đã tiêu hiết tiền".

Chuyên gia tài chính Mai Vũ Thảo - Phòng Đầu tư (Ngân hàng TMCP Việt Á) cho rằng vốn như mạch máu của doanh nghiệp, đặc biệt với mô hình start-up, tài chính hạn hẹp là một trong những rào cản lớn, quyết định thành bại.

Thực tế, vị này cho biết đã gặp không ít trường hợp sau khi mua nguyên liệu, thuê địa điểm đã hết sạch tiền để triển khai dự án. Do đó, với bất kỳ một doanh nghiệp nào, người làm cần xác định rõ 3 giai đoạn phải trải qua, từ đó có kế hoạch sử dụng dòng vốn phù hợp nhất:

Thứ nhất, hãy căn cơ ngay cả khi mới lên ý tưởng. Rất nhiều bạn khi lập nghiệp thường mắc phải sai lầm là đặt kỳ vọng phát triển nhanh ngay lập tức. Bạn nên làm quy mô nhỏ. Ví dụ muốn mở một quán cà phê, đừng tính đến việc thiết lập được cả hệ thống như những quán khác. Trong khi khác với dự án khởi nghiệp, các chuỗi này lại đang trong giai đoạn huy động vốn.

Kỳ vọng lớn nên rất nhiều bạn chi tiền vào những hoạt động không liên quan đến lĩnh vực chính của mình. Vừa khởi động, có người đã chấp nhận trả 3-4 tháng tiền thuê mặt bằng. Điều này bất hợp lý. Tại sao các bạn không tính chuyện thương lượng để chi trả tiền thuê địa điểm hằng tháng, nếu không thỏa thuận được vẫn có thể tìm kiếm nơi khác.

khong co ke hoach chi tieu tai chinh hop ly cung la mot trong nhung nguyen nhan khien du an start-up that bai. anh: mashable

Không có kế hoạch chi tiêu tài chính hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự án start-up thất bại. Ảnh: Mashable

Một sai lầm nữa là khi lên kế hoạch, các cá nhân khởi nghiệp hoàn toàn bỏ quên khoản vốn lưu động. Để có một sản phẩm bán giá 5.000 đồng thì cần khoảng 20.000 đồng làm vốn lưu động mới có thể duy trì sản xuất. Vì gần như việc mua nguyên liệu bạn phải trả tiền trước, nhưng khi sản xuất đến vận chuyển, phân phối sản phẩm... do chưa có thương hiệu, bạn sẽ bán giá thấp hơn thị trường thậm chí biếu không. Nếu có đơn vị chấp nhận phân phối, họ cũng thường mua trước thanh toán tiền sau. Do đó, dự án rất dễ rơi vào tình trạng ngưng sản xuất sau khi sản phẩm đầu tiên ra mắt vì không có nguồn tiền dự trữ. Cần kế hoạch cụ thể để tránh tình trạng vừa đầu tư 100 triệu đồng xong, bạn phải ngồi nhìn đống tài sản bán ve chai được 10 triệu đồng.

Thứ hai, tính đúng giá thành tránh lầm tưởng lợi nhuận có được. Đây được xem là giai đoạn lấy công làm lãi. Để tiết kiệm, nhiều start-up thường tận dụng nguồn lực sẵn có như nhân công là người thân, sử dụng nhà làm văn phòng nên khi sản phẩm đưa ra thị trường, họ không tính được giá thành.

Thực tế, khi chi ra một đồng, bạn phải bán ít nhất 3 đồng thì doanh nghiệp mới tồn tại. Do tính toán sai giá thành nên một sản phẩm sản xuất hết 5.000 đồng, bán ra 7.000 đồng, nhiều bạn lầm tưởng đã lãi lớn. Tuy nhiên, một khi quy mô mở rộng, chi phí liên quan đến nhân công, vận chuyển... sẽ đội lên trong khi lợi nhuận không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận đúng theo quy mô đó.

Thứ ba, bạn cần chú ý giai đoạn huy động vốn. Rất ít trường hợp mới lên ý tưởng, kinh doanh đã có nhà đầu tư đem tiền đến. Đến khi dự án đã có lợi nhuận thì chắc chắn rất nhiều người sẵn lòng cho bạn vay tiền. Lúc này, kể cả không cần tìm đến ngân hàng, bạn vẫn có thể nhận được dòng vốn đáng kể từ các đối tác bên ngoài.

Đây cũng là giai đoạn bắt đầu mở rộng quy mô. Lúc này, nên ưu tiên vốn vay hơn vốn góp. Tuy nhiên, các cá nhân start-up hay băn khoăn việc nhà đầu tư thường yêu cầu tỷ lệ sỡ hữu vốn. Hãy sẵn sàng vì điều đó. Không nên xem doanh nghiệp là gia sản mà nên xem đó là tài sản. Gia sản chỉ dành cho mô hình kinh doanh gia đình, người ngoài không thể thâm nhập. Nhưng khi đó là tài sản thì bạn sẵn sàng chia sẻ quyền điều hành với người khác. Không ai thành công mà đơn độc.

Cùng với kế hoạch thu hút vốn thì bạn cũng tính đến các phương án để nhà đầu tư thoái vốn. Về logic có sinh có tử, chỉ tính đến việc thu hút vốn nhưng không để nhà đầu tư có đường lui thì khả năng huy động là khó ngoại trừ dùng vốn từ người nhà. Đã là đối tác thì họ rất sòng phẳng trong vấn đề tài chính.

(Theo Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục