Để giải quyết tình trạng một số loại rau quả, đặc biệt là rau gia vị XK sang EU thường xuyên bị cảnh báo vì chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, một số chuyên gia cho rằng, đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất bài bản, đồng bộ từ khâu đầu tới khâu cuối, đặc biệt là nhấn mạnh vào khâu xử lý sau thu hoạch được coi là giải pháp trọng tâm.
Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ năm 2009
- Cập nhật : 09/03/2016
(Tin Kinh Te)
Xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước trong tháng 2, chủ yếu do sự lệch pha về thời điểm năm mới âm lịch giữa năm nay và năm trước.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tính theo giá trị đồng USD trong tháng 2 giảm 25,4% so với cùng kỳ năm trước, còn nhập khẩu giảm 13,8%. Các nhà phân tích trước đó dự đoán xuất khẩu chỉ giảm 12,5%, còn nhập khẩu giảm 10%.
Đây là mức giảm mạnh nhất của xuất khẩu kể từ tháng 5/2009. Trong tháng 1, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 11,2%, trong khi nhập khẩu giảm 18,8%.
Trung Quốc ghi nhận mức thặng dư thương mại 32,59 tỷ USD trong tháng 2, thấp hơn so với mức dự báo của các nhà phân tích là 50,15 tỷ USD.
Tính theo giá trị đồng Nhân dân tệ, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 20,6%, còn nhập khẩu giảm 8%, nhưng thương mại vẫn đạt mức thặng dư 209,5 tỷ Nhân dân tệ (32,2 tỷ USD) trong tháng 2.
Số liệu xuất nhập khẩu giảm mạnh trong tháng 2 được cho là chủ yếu do sự thay đổi về thời điểm của tết âm lịch. Năm 2015 là năm dịp nghỉ Tết muộn bất thường, khiến các doanh nghiệp trước kỳ nghỉ tết phải gấp rút đáp ứng các đơn hàng, nên xuất khẩu tăng mạnh, khiến cơ sở so sánh của năm nay bị sai lệch.
Theo đó, số liệu tháng 3 được kỳ vọng sẽ tốt hơn do có cơ sở so sánh hợp lý hơn.
Tuy nhiên, số liệu thương mại này phần nào đã làm tăng thêm lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đã tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong vòng 25 năm qua vào năm ngoái. Nợ tăng và dòng vốn rút ra khỏi nước này càng trầm trọng hơn trong những tháng gần đây, và tuần trước hãng Moody's Investors Service đã cảnh báo có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc.
Số liệu trên cũng gây ra tâm lý hoài nghị về nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh xuất khẩu của các quốc gia Châu Á khác cũng giảm tương tự.
Trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 6,5-7% năm nay, ám chỉ họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy nền kinh tế hiện đang chuyển sang phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng thay vì sản xuất.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc tuần trước nhằm thúc đẩy cung tiền trong hệ thống ngân hàng cũng như đẩy mạnh hoạt động cho vay.
Trung Nghĩa
Theo CNBC/NDH