Nếu không kiểm soát được hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thủy sản, các doanh nghiệp có nguy cơ đánh mất những thị trường trọng điểm
Mục tiêu xuất khẩu 300 tỉ USD là khả thi
- Cập nhật : 02/11/2015
(Thuong mai)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định mục tiêu này khả thi nếu tận dụng tốt cơ hội và chiến lược thị trường bên cạnh việc thực hiện tốt chỉ đạo, chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ trong việc cơ cấu lại nền kinh tế.
Liên quan đến tính khả thi của mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 vừa được Chính phủ phê duyệt, PV đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về vấn đề này.
Thưa ông, 300 tỉ USD là mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 theo Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt. Trên quan điểm cá nhân, ông có bình luận gì về con số này?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trên thực tế, trong các kế hoạch tăng trưởng, chúng ta đều xây dựng những kịch bản dựa trên việc phân tích, đánh giá về năng lực cạnh tranh cũng như những khả năng của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Với mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 300 tỉ USD đến năm 2020, ta có cơ sở thực tiễn để thực hiện việc này.
Ví dụ, giai đoạn 2001-2010, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng bình quân 20-25%. Những năm 2010-2014, tăng trưởng đã chậm lại nhưng vẫn duy trì được tốc độ 17%. Con số này cao hơn nhiều so với mục tiêu được Quốc hội thông qua.
Trong năm 2015, mục tiêu Quốc hội đặt ra là tăng trưởng xuất khẩu đạt 10% và kiềm chế nhập siêu. Tính đến nay, tăng trưởng 9 tháng đầu năm ước đạt tốc độ tăng trưởng là 9,6%, như vậy mục tiêu 10% hoàn toàn có thể thực hiện được.
Với mục tiêu đến năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 300 tỉ USD và cân bằng cán cân thương mại, tôi cho rằng mục tiêu này khả thi nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội, chiến lược thị trường bên cạnh việc thực hiện tốt chỉ đạo, chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ trong việc cơ cấu lại nền kinh tế.
Đề án nêu rõ phải củng cố vững chắc và từng bước mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng. Vậy, ông hãy phân tích điểm thuận lợi và khó khăn chính của Việt Nam đối với thị trường truyền thống và thị trường mới?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi như vị trí địa lý, môi trường chính trị ổn định, sự ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tốt để thu hút đầu tư của các lực lượng sản xuất. Bên cạnh đó, nền kinh tế đang chuyển đổi thành công sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần giải phóng rất nhiều lực lượng sản xuất trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Đồng thời, cùng với việc kí kết nhiều hiệp định thương mại tự do, chúng ta đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác cơ hội trong việc mở cửa thị trường và tiếp cận những thị trường tiềm năng như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile… Đây đều là những thị trường quy mô lớn và có tiềm năng với các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, công nghiệp chế biến, thực phẩm, thủy sản, nông sản…
Mặc dù các mặt hàng phần lớn ở trình độ giá trị công nghệ thấp, chưa chế biến sâu, chưa có giá trị gia tăng cao nhưng hàng Việt Nam cũng đã thâm nhập tương đối ổn định ở các thị trường. Nhiều ngành hàng đã khẳng định được vị thế của mình.
Vì thế, trong thời gian tới, chúng ta cần hướng tới việc tiếp tục phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, chú trọng mở rộng thị phần trên cơ sở nâng cao giá trị gia tăng, tạo ra sự ổn định bền vững trong hệ thống phân phối tại các thị trường cũ và mới.
Hiện nay tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Canada đang chiếm khoảng trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên đây cũng là những thị trường có nhiều rào cản kỹ thuật. Vậy chúng ta có cơ chế, chính sách như thế nào để hỗ trợ DN xuất khẩu?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta đều biết, thị trường Mỹ và Canada là những thị trường rất lớn và đầy tiềm năng. Trên thực tế, trong thập kỷ vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác rất tốt những thị trường này, nhất là với thị trường Mỹ. Mỗi năm, tốc độ tăng trưởng bình quân của hàng hóa vào Mỹ đều đạt 17-20%, nhiều mặt hàng chủ lực đã có chỗ đứng tại thị trường này.
Ví dụ, trước đây khoảng 10 năm, dệt may Việt Nam chỉ nằm trong Top 15 những nước xuất khẩu sang Mỹ, nhưng hiện nay chúng ta đang là quốc gia đứng thứ 2, chỉ sau Trung Quốc. Tương tự, Việt Nam là “cường quốc” về xuất khẩu giày da và thủy sản sang Mỹ.
Thế nhưng, thị trường Mỹ hay Canada cũng như những thị trường khác đều có những quy định ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm thông qua các hàng rào kỹ thuật.
Phải nhìn nhận hàng rào kỹ thuật ở hai khía cạnh. Hàng rào kỹ thuật “cứng” là những nguyên tắc liên quan đến luật của nước bạn, liên quan đến những yêu cầu đặc thù về đời sống của người tiêu dùng cũng như nền kinh tế của quốc gia đó.
Còn hàng rào kỹ thuật “ảo” là những hàng rào liên quan đến những thế lực kinh tế nội địa được lập ra để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước. Vì vậy, trong cả hai trường hợp này, chúng ta đều phải tìm mọi cách để vượt qua những rào cản bằng chính năng lực của doanh nghiệp, bằng chất lượng sản phẩm ngày một tăng cao, thì mới phát triển bền vững và giữ được thị trường.
Tới đây, chúng ta có các giải pháp gì để giảm bớt sự phụ thuộc của xuất khẩu vào một số thị trường nhằm hạn chế rủi ro trước những biến động thị trường, cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị khu vực và thế giới?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Nếu nhìn vào con số, ta thấy rằng thời gian qua Đông Á là một trong những khu vực đối tác quan trọng nhất của Việt Nam với quy mô nhập khẩu lên tới hơn 70% và xuất khẩu hơn 50%.
Điều này cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào biến động của khu vực này, trong đó có những nước đóng vai trò là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào một số thị trường Đông Á sẽ dẫn đến việc sản phẩm Việt Nam không có “sức sống” và không có động lực để thay đổi, cải tiến mẫu mã, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ví dụ, khi xuất khẩu nông sản, các mặt hàng rau quả, trái cây, do sự “dễ tính” của thị trường và những cơ chế tương đối thuận lợi trong thương mại (truyền thống và tiểu ngạch qua biên giới), sản phẩm của Việt Nam được tiêu thụ dễ dàng, không đòi hỏi chuẩn mực cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không có động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành hàng sản xuất.
Vì vậy, giải pháp trong thời gian sắp tới là phải đồng bộ giữa các bộ, ngành, tạo ra các “cú hích” và tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận phát triển thị trường một cách bền vững.
Trong đó có thể kể ra một số giải pháp cụ thể như hỗ trợ tín dụng, nguồn nhân lực, hạ tầng giúp DN có điều kiện đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới; hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới, đặc biệt là các thị trường đã dày công đàm phán các hiệp định thương mại tự do như Nhật, Hàn, Liên minh Kinh tế Á-Âu…
Bên cạnh đó, việc thông tin cho DN để tiếp cận hệ thống phân phối của những thị trường đó cũng là yếu tố quan trọng bởi chỉ có thể phát triển được nếu tìm được các đối tác và xây dựng hệ thống phân phối ổn định.
Các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN trong việc quảng bá các thị trường sở tại đang rất cần đến vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, cần phổ biến, giới thiệu, hướng dẫn về các hiệp định thương mại tự do mới đã hoặc sắp ký kết. Điều này không chỉ giúp cho cộng đồng DN mà còn cả người dân và xã hội, để có được có sự đồng thuận cao, hỗ trợ cho nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!