Hàn Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với 9,9 tỷ USD.
Mãng cầu xiêm xuất ngoại
- Cập nhật : 09/08/2017
Đến thời điểm này, các sản phẩm mãng cầu xiêm của Công ty Thuận Thiên Thành đã có đơn hàng từ Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Đài Loan.
Đến thời điểm này, các sản phẩm mãng cầu xiêm của Công ty Thuận Thiên Thành đã có đơn hàng từ Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Đài Loan.Nguồn ảnh: nongnghiep.vn
Tại Hàn Quốc đã có đến 7 công trình nghiên cứu về trái này nhưng tại Việt Nam chưa có công trình nào”. Đây là lý do anh Đặng Quý Ngọc đưa ra để giải thích về thị trường mũi nhọn mà Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xuất nhập khẩu Thuận Thiên Thành của anh nhắm đến khi nhận thấy con đường xuất khẩu trái mãng cầu xiêm (Graviola) còn khá rộng mở.
Tiềm năng của mãng cầu xiêm đã được chứng minh. Năm 1976, Viện Ung thư Quốc gia Mỹ tiến hành cuộc nghiên cứu đầu tiên về loại cây này và kết quả cho thấy, lá và thân của nó tiêu diệt hữu hiệu các tế bào ác tính. Sau đó 20 nghiên cứu độc lập khác của các công ty dược hay viện nghiên cứu ung thư do chính quyền tài trợ đều cho thấy khả năng trị ung thư của mãng cầu xiêm. Tuy nhiên, vẫn không có ca thử nghiệm nào được tiến hành chính thức tại các bệnh viện. Chỉ đến khi nghiên cứu của Đại học Cơ đốc giáo Hàn Quốc đăng trên tập san Journal of Natural Products khẳng định một hóa chất trong mãng cầu xiêm đã tiêu diệt các tế bào ung thư ruột nhanh gấp 10.000 lần hóa chất Adriamycin, vốn thường dùng trong hóa trị ung thư thì tầm quan trọng của loại trái này mới được quan tâm hơn.
Một nghiên cứu khác của Đại học Purdue sau đó cũng phát hiện ra lá mãng cầu xiêm có khả năng giết các tế bào ác tính của nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư ruột, ung thư vú, tuyến tiền liệt, phổi và tuyến tụy. Hiện mãng cầu xiêm do thổ dân Brazil trồng hoặc sản phẩm bào chế từ nó đã có mặt nhiều ở Mỹ như một công cụ điều trị và ngăn ngừa ung thư. Một báo cáo đặc biệt có tên Beyond Chemotherapy: New Cancer Killers, Safe as Mother’s Milk, do Viện Khoa học Y tế Mỹ công bố về mãng cầu xiêm đã xem đây là “công cụ cách mạng hóa” chống ung thư.
Thế giới là vậy, nhưng ở thị trường nội địa, mãng cầu xiêm vẫn có chung số phận với nhiều loại nông sản khác. Nếu xuất khẩu nguyên trái chỉ có thể hái trái già không thể hái trái chín và không đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, xuất khẩu bằng đường hàng không có chi phí lớn, chỉ đảm bảo chất lượng từ 60-70%. Về tính vụ mùa cũng không đảm bảo được đơn hàng.
Khó khăn là thế, nhưng anh Đặng Quý Ngọc vẫn không nản chí mà quyết định “cải số” loại cây này. Thay vì bán trái tươi, anh đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau, để có thời gian sử dụng lâu hơn. Do đánh trúng nhu cầu thị trường, các sản phẩm làm ra đã được tiêu thụ tốt. Để đảm bảo số lượng đặt hàng, anh Ngọc đã liên kết với các hộ dân để tạo vùng trồng mãng cầu xiêm nguyên liệu trên địa bàn với khoảng 1.000 gốc theo công nghệ VietGap. Đại diện Công ty Thuận Thiên Thành chia sẻ, mỗi nhà vườn với diện tích liên kết khoảng 5.000-10.000m2 thu được từ 1-1,5 tỉ đồng/năm, mang về lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.
Chế biến mãng cầu xiêm đã giúp giá trị tăng lên rất nhiều so với trái tươi. Để làm được 1kg mãng cầu xiêm cô đặc, cần 2kg trái tươi. Nếu như trước kia, 1 trái tươi bán được khoảng 45.000 đồng/kg thì nay 1kg mãng cầu xiêm bán được 170.000 đồng/kg và đặc biệt có thể giữ được trong khoảng thời gian đến 3 tháng. Hiện nay công ty của anh Ngọc sản xuất được 5 dòng sản phẩm chính là mãng cầu nguyên muối cô đặc; nước cốt mãng cầu, trà túi lọc lá mãng cầu; nước giải khát mãng cầu; sắp tới sau khi hoàn thiện một số hạng mục mới cho nhà xưởng sẽ tiếp tục nghiên cứu một số sản phẩm về trà nguyên cơm mãng cầu và một số kẹo, mứt được sản xuất từ loại trái này.
Nghiên cứu từ năm 2015 và có sản phẩm đưa ra thị trường vào cuối năm 2016, tính đến thời điểm này, các sản phẩm của Công ty Thuận Thiên Thành đã có đơn hàng của các khách hàng Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong đó, đơn hàng lớn nhất là 10 tấn/tháng; riêng đối với Malaysia mặc dù đất nước này trồng nhiều nhưng chỉ mới có sản phẩm mứt, chưa có sản phẩm tươi.
Hiện tại, dự án của anh Ngọc nằm trong Top 100 chương trình Shark Tank Việt Nam và cũng được một công ty xem xét đầu tư hơn 10 tỉ đồng để phát triển một số hạ tầng. “Thị trường đầu tiên là Singapore, nhưng họ nhập về sau đó xuất đi Hàn Quốc nên tôi chuyển sang Hàn Quốc là thị trường mũi nhọn”, anh cho biết. Cùng với đó, thị trường mà anh và các nhà đầu tư đang hướng đến sau Hàn Quốc là Mỹ và Dubai, bởi 2 thị trường này có sức tiêu thụ khá lớn.
Là một doanh nghiệp khởi nghiệp, công ty anh Ngọc cũng gặp một số khó khăn. Nguồn nguyên liệu cung ứng khá nhiều, áp lực về đầu ra khá lớn, trong khi nhà máy, kho có những hạn chế nhất định. Đặc biệt ở một vài thị trường khó tính, mặc dù sản phẩm được đánh giá cao, nhưng tiêu chí về chất lượng và đảm bảo yêu cầu nhập khẩu của đối tác còn khá khắt khe nên Công ty vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện. Hiện Công ty cũng bắt đầu phát triển các văn phòng đại diện và các đại lý để khai thác thị trường trong nước song song với xuất khẩu.
Đối với việc phát triển vùng nguyên liệu, Thuận Thiên Thành có nông trang và ký hợp đồng với hơn 10 nhà vườn, gần 70ha để cung cấp nguyên liệu sản xuất. Công ty sẽ cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, kiểm tra định kỳ và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Với việc cung cấp giống cho nông dân, để khôi phục giống mãng cầu xiêm gốc (loại này cho trái thơm ngon nhưng khó trồng và lâu có trái), từ lâu người dân đã chuyển sang trồng giống Thái hoặc giống ghép bình bát. Hiện công suất chế biến mãng cầu xiêm cô đặc của Thuận Thiên Thành vào khoảng 20 tấn/tháng, dự kiến sẽ tăng lên 50 tấn/tháng.
Đức Tài
Theo Nhipcaudautu.vn