Hiện nay, Trung Quốc là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, nhiều sản phẩm của Việt Nam có nguồn gốc từ quốc gia láng giềng này.
Đóng góp vào xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước còn dưới 30%
- Cập nhật : 24/10/2017
Từ vị trí là khu vực chủ lực về xuất khẩu, khối các doanh nghiệp trong nước hiện chỉ còn đóng góp chưa tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước so với mức 63% của 10 năm trước.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 9 tháng năm nay là 109,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 70,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Các số liệu thống kê cho thấy, khu vực các doanh nghiệp FDI giữ vai trò ngày càng quan trọng trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, trung bình là 24,4%/năm trong giai đoạn 2006-2016, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của khu vực các doanh nghiệp FDI trong tổng trị giá xuất khẩu cả nước đã tăng trưởng nhanh chóng, từ mức 37% năm 2006 lên hơn 70% trong năm 2016.
Trong khi đó, khối các doanh nghiệp trong nước thì hoàn toàn ngược lại, với tỷ trọng giảm từ 63% năm 2006 xuống còn 29,8% trong năm 2016. Tốc độ tăng xuất khẩu bình quân của khu vực các doanh nghiệp này cũng thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp FDI, trung bình là 8,6%/năm trong giai đoạn 2006-2016.
Các số liệu thống kê mới nhất của cơ quan hải quan cũng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm khu vực các doanh nghiệp FDI cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao 21,4%, cao hơn mức tăng 17% của khu vực các doanh nghiệp trong nước.
Góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI phải kể đến một số nhóm hàng chế biến, lắp ráp như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may… Đây cũng là 3 nhóm hàng đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ đô la Mỹ trong 3 quí năm 2017 của khối doanh nghiệp FDI.
Như vậy, tính riêng 3 nhóm hàng này, tổng trị giá xuất khẩu đã lên tới hơn 60 tỉ đô la Mỹ và chiếm 56% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI còn có 11 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu là các mặt hàng gia công, sản xuất xuất khẩu như phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép các loại; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện…
Theo cơ quan hải quan, để đáp ứng tốt nguồn nguyên liệu cho gia công, sản xuất hàng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của khối các doanh nghiệp FDI cũng tăng lên nhanh chóng. Năm 2006, tỷ trọng nhập khẩu của khối này chỉ là 36,7% thì năm 2016 đã là 58,6% trong tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của cả nước. Trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu của khu vực FDI cũng tăng 29%, đạt trị giá là 95,36 tỉ đô la Mỹ.
Điều này cho thấy xuất khẩu của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Theo các chuyên gia kinh tế, khu vực doanh nghiệp FDI luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm qua là nhờ Việt Nam có các chính sách thu hút và khuyến khích doanh nghiệp FDI hướng về xuất khẩu. Mặt khác, các doanh nghiệp FDI cũng rất nhanh nắm bắt cơ hội khai thác thị trường có cam kết giảm, miễn thuế đối với hàng hóa Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Rõ ràng vai trò của khối doanh nghiệp FDI đối với xuất khẩu của Việt Nam hiện rất quan trọng. Theo giới phân tích, nhờ có khu vực FDI làm động lực, Việt Nam mới giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực hơn nữa, lấy doanh nghiệp FDI làm động lực để phát triển, hạn chế đến mức thấp nhất sự phụ thuộc, đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Không ít ý kiến cho rằng, nếu tăng trưởng kinh tế trong nước quá phụ thuộc vào khối ngoại sẽ không tốt vì động lực từ xuất khẩu của doanh nghiệp FDI sẽ không bền vững, có thể thay đổi rất nhanh khi những ưu đãi của chính sách thay đổi, hoặc nhà đầu tư chuyển hướng.
Theo Hùng Lê - www.thesaigontimes.vn