Đây là thị trường xuất khẩu chủ lực mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm của Việt Nam trong năm 2018, chiếm 62,7% tổng kim ngạch, tăng 34,74% so với năm 2017.
Điều mất mùa nặng, lượng điều thô nhập khẩu tăng cao
- Cập nhật : 21/05/2017
Đến thời điểm này, đã có thể khẳng định năm nay, ngành điều bị mất mùa nặng, với mức hụt sản lượng có thể tới khoảng một nửa so với năm 2016.
Giảm một nửa sản lượng?
Theo kỹ sư Doãn Văn Chiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Phước, ước tính trong vụ điều 2016 - 2017, Bình Phước bị giảm tới khoảng 40% sản lượng điều do bị mất mùa.
Nguyên nhân chính là ở thời điểm Tết Nguyên đán, khi cây điều bắt đầu ra bông đợt 1, đã gặp phải những đợt mưa lớn trái mùa ảnh hưởng tới khả năng đậu trái và khiến cho sâu bệnh bùng phát mạnh mẽ. Thời điểm ấy, nhiều hộ nông dân còn đang ăn Tết nên đã không kịp trở tay với sâu bệnh. Sau đó, trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện nhiều đợt mưa lớn gây ảnh hưởng nặng nề tới đợt trổ bông lần 2 của các vườn điều.
Số liệu thống kê của Cục Thống kê Bình Phước cũng cho thấy rõ việc mất mùa niên vụ 2016 - 2017. Trong niên vụ này, Bình Phước có 132.133ha điều thu hoạch, năng suất bình quân chỉ đạt 0,991 tấn/ha, giảm mạnh so với năng suất 1,51 tấn/ha của năm 2015. Vì thế, nếu như năm 2015, sản lượng điều Bình Phước đạt mức kỷ lục 198.851 tấn, thì niên vụ này ước chỉ đạt khoảng 130.000 tấn.
Điều đáng chú ý là nếu như cách đây 2 tháng, các chuyên gia ngành điều còn cho rằng điều chỉ mất mùa ở những nơi không phải là vùng trồng trọng điểm, nên sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sản lượng chung của cả nước. Nhưng đến thời điểm này, mất mùa điều không còn là chuyện cục bộ ở một số địa phương mà là vấn đề chung của cả ngành điều.
NK nhiều ngay từ đầu năm
Do thiếu hụt trầm trọng điều nguyên liệu trong nước, trong những tháng đầu năm nay, các DN đã buộc phải đẩy mạnh NK điều thô với lượng và giá trị cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 5/2017, lượng điều thô NK là 319.519 tấn, giá trị hơn 634 triệu USD. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2016, lượng điều thô NK chỉ là 183.986 tấn và giá trị là hơn 283 triệu USD. Tính ra, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng điều thô đã NK cao hơn tới 1,73 lần và giá trị cao hơn tới 2,23 lần.
Không những thế, do Việt Nam và Campuchia mất mùa điều nên giá điều thô trên toàn cầu đang có xu hướng tăng lên, khiến cho giá điều NK ngày càng cao. Nếu như từ đầu năm đến giữa tháng 5/2016, giá NK điều thô bình quân là 1.540 USD/tấn, thì cùng kỳ năm nay, mức giá bình quân lên tới 1.984 USD/tấn (cao hơn tới gần 30%).
Thông tin từ một số doanh nghiệp chế biến điều cho hay, giá điều thô NK về tới Việt Nam đang tiếp tục tăng lên. Vào giữa tháng 5 này, giá điều thô NK về tới nhà máy của một số công ty (cộng thêm các chi phí khác) đã ở mức khoảng 58.000 đ/kg.
Với giá điều nguyên liệu cao như trên, XK nhân điều khó đảm bảo được lợi nhuận, dù giá nhân điều XK hiện vẫn đang rất cao, có những mã hàng đạt trên 10 USD/kg. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là khi XK nhân điều vào thị trường quan trọng là Mỹ. Hiện nước này đã áp dụng Đạo luật hiện đại hóa ATTP (FSMA), có hiệu lực từ tháng 6/2016.
Theo Th.S Cao Trọng Chính, GĐ Cty TNHH Tư vấn Quản lý CTC, tinh thần của FSMA là đề cao nguyên tắc kiểm soát phòng ngừa hơn là khắc phục, và ứng dụng nguyên tắc phòng ngừa rủi ro. Những nguyên tắc trên sẽ được viết thành kế hoạch ATVSTP và các nguyên tắc thực hành sản xuất tốt, bao gồm: phân tích mối nguy, kiểm soát phòng ngừa, theo dõi, hành động khắc phục và sự khắc phục, kiểm tra xác nhận… Điều đầu tiên của mọi việc làm là phân tích mối nguy ATVSTP và thực hiện biện pháp ngăn ngừa. Theo nguyên tắc đó, doanh nghiệp buộc phải thực thi một hệ thống ATTP trên nền tảng phòng ngừa… Do đó, khi sử dụng điều thô NK để chế biến nhân điều, doanh nghiệp khó đảm bảo được những yêu cầu này.
Theo Sơn Trang
Nông nghiệp Việt Nam