tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kinh hãi hóa chất độc hại bán trộn lẫn, khó kiểm soát

  • Cập nhật : 20/08/2015

(Tin kinh te)

Hóa chất công nghiệp bày bán chung với hóa chất thực phẩm, sang chiết ra bao bì nhỏ lẻ không có nhãn hàng hóa. Hóa chất ở dạng hỗn hợp thì chưa có hình thức kiểm soát ...

Ông Diệp Đăng Khoa, phó trưởng Văn phòng đại diện phía Nam Cục Hóa chất (thuộc Bộ Công Thương) cho biết, trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 948 công ty nhập khẩu trực tiếp hóa chất. Danh mục hóa chất tại TP có hơn 7.000 chất. 

Khó khăn trong công tác quản lý là có những công ty có văn phòng tại trung tâm TP.HCM nhưng kho bãi thì lại nằm ở ngoại thành, hoặc nằm tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An… hoặc thuê kho bãi của các công ty kinh doanh kho. Nên vấn đề cấp giấy phép hạn chế sản xuất kinh doanh hay giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh gặp không ít khó khăn trong quá trình thực thi.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, đại diện Phòng kỹ thuật An toàn môi trường Sở Công thương TP.HCM cho biết, hiện chưa có quy định hình thức kiểm soát quản lý hóa chất ở dạng hỗn hợp nên chưa biết phải xử lý ra sao và Sở công thương cũng đang kiến nghị.

Bởi danh mục hơn 7.000 chất nói trên là các đơn chất, nhưng thực tế hóa chất lại tồn tại nhiều dưới dạng hỗn hợp, được pha chế theo tỷ lệ nhất định. Ví dụ, có loại hóa chất quy định nếu tỉ lệ 91% thì bị coi là tiền chất thuốc nổ, nên có doanh nghiệp đã pha chế vào đó 10% chất khác để tránh bị kiểm tra.

Là người trực tiếp kiểm tra các cơ sở kinh doanh hóa chất, ông Nguyễn Trung Bính, phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường TP.HCM nêu một thực trạng nữa. Đó là tình trạng kinh doanh hóa chất công nghiệp chung với hóa chất thực phẩm, sang chiết ra bao bì nhỏ lẻ không có nhãn hàng hóa theo quy định, tháo bỏ nhãn gốc ban đầu để không lộ thông tin nhà sản xuất, nhà cung cấp.

Để tránh kiểm tra, nhiều cơ sở còn lưu trữ hóa chất chung với hàng hóa khác. Điều này hạn chế sự phát hiện của lực lượng chức năng, đồng thời cũng là nguyên nhân tiềm ẩn cho việc cháy nổ, sự cố về hóa chất, ảnh hưởng tới môi trường.

Đây là một trong những ý kiến được nêu  trong sáng 12-8, tại “Hội nghị triển khai quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trên địa bàn thành phố” do Sở Công thương TP.HCM tổ chức .

Rất nhiều ý kiến nêu tại hội nghị đều than khó trong việc quản lý hoạt động kinh doanh hóa chất. 

Nên quy về một mối?

TP.HCM có 638 cơ sở kinh doanh hóa chất, trong đó có khoảng 400 cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp và số còn lại là kinh doanh các loại hóa chất khác. Tuy nhiên, tỉ lệ cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp chưa có giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện chiếm đến 45%.

Trong năm 2014, Chi cục quản lý thị trường TP đã tịch thu hơn 56 tấn hóa chất công nghiệp nhập lậu và quá hạn sử dụng. Riêng 7 tháng đầu năm 2015, trong số 42 vụ việc kiểm tra có 41 vụ việc vi phạm, tiêu hủy hơn 22 tấn hóa chất các loại.

Hiện nay, Sở Công thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động hóa chất ngành công nghiệp, Sở Y tế quản lý đối với hóa chất ngành y tế, thực phẩm, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn quản lý đối với hoạt động hóa chất ngành thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật.

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc di dời 17 hộ kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên. Ông Nguyễn Gia Hòa, phó phòng kinh tế quận 5 (TP.HCM), cho biết chợ Kim Biên hiện có trên 200 hộ đang kinh doanh buôn bán, trong đó có 17 hộ buôn bán hóa chất phụ gia thực phẩm.

“Quận đã vận động các hộ này chuyển vào khu vực Công ty Phương Đông (thuộc Tổng Công ty Hóa chất) để tiếp tục kinh doanh nhưng họ chưa đồng ý. Lý do là họ không muốn vào khu buôn bán tập trung với giá thuê cao, sợ mất khách hàng quen.

Họ nói nếu buộc phải di dời thì họ kiếm nơi khác thuê để buôn bán tiếp chứ không vào trung tâm. Công ty Phương Đông ở ngay gần đó mà các hộ còn ngại di dời, e rằng sau này khi có Trung tâm kinh doanh hóa chất, họ cũng không chịu vào”, ông Hòa nói.

Ngoài 17 hộ kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm trong chợ, theo khảo sát của ngành chức năng, xung quanh chợ cũng có tới gần 70 hộ kinh doanh mặt hàng này.

Các hộ trong chợ thì quận cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Nếu kinh doanh nhỏ lẻ dưới 2 lao động thì chỉ cần cam kết. Trong khi cùng kinh doanh mặt hàng này nhưng những hộ ở ngoài chợ lại bắt buộc phải có chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do Sở Y tế cấp.

“17 hộ trong chợ, giấy chứng nhận đã hết hạn cả năm nay nhưng chúng tôi cũng chưa biết hướng dẫn họ xin phép cơ quan nào để đăng ký tiếp mà chỉ cam kết thôi. Như vậy là không công bằng vì kinh doanh ở trong hay ngoài chợ cũng đều một mặt hàng phụ gia thực phẩm”, ông Hòa cho biết.

Chưa chốt địa điểm xây dựng Trung tâm kinh doanh hóa chất

Ông Ngô Hồng Y,  trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có quyết định chính thức nào về việc chọn địa điểm xây dựng Trung tâm kinh doanh hóa chất.

Theo chủ trương của TP, Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao xây dựng đề án thành lập Trung tâm kinh doanh hóa chất; phối hợp với UBND các quận, huyện xây dựng phương án và kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho chứa hóa chất nguy hiểm ra khỏi khu dân cư.

Mới đây nhất, đoàn khảo sát đã “ngắm” được một khu đất ở phường Linh Chiểu (Q.Thủ Đức) là khu vực giáp ranh giữa khu dân cư và khu công nghiệp Linh Trung 2, diện tích khoảng 10ha.

Thông tin từ Sở Công thương cho biết, sắp tới các ngành chức năng sẽ làm việc với Q.Thủ Đức về quy hoạch khu vực này và các phương án tiếp theo. Địa điểm xây trung tâm phải phù hợp với quy hoạch của quận.

Bởi như ông Diệp Đăng Khoa cảnh báo: di dời các cơ sở kinh doanh hóa chất về một mối để dễ kiểm soát quản lý mọi mặt là chủ trương đúng đắn. Nhưng nếu không tính toán kỹ mọi thứ, khi Trung tâm xây lên rồi, người dân “bám” theo buôn bán, các dịch vụ xung quanh phát triển thì sau nhiều năm khu kinh doanh hóa chất lại nằm trong khu dân cư.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục