Triều Tiên dọa bắn không cần cảnh cáo tàu Hàn Quốc
EU có thể từng bước dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế Nga
Ông Putin: Nga luôn có thiện chí muốn nối lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ
Kim Jong-un cải cách giáo dục, biến tiếng Anh thành môn học bắt buộc
Venezuela chìm sâu trong khủng hoảng, cướp bóc hoành hành
Có thể xử lý thảm họa tràn hóa chất trong vụ nổ Thiên Tân như thế nào?
- Cập nhật : 21/08/2015
(Tin kinh te)
Dưới góc độ khoa học, nếu giới chức Trung Quốc hành động nhanh chóng, họ hoàn toàn có thể hạn chế sự phát tán, cũng như tác hại của natri xyanua (NaCN).
NaCN nguy hiểm như thế nào?
Hôm 16/8 vừa qua, Trung Quốc đã đầu tiên xác nhận có chất độc natri xyanua (NaCN) tại hiện trường vụ nổ kho hóa chất ở Thiên Tân. Lượng natri xyanua được lưu trữ tại đây là 700 tấn, gấp 70 lần so với giới hạn luật pháp cho phép. NaCN là loại hóa chất cực độc có thể gây chết người và ảnh hưởng lâu dài đến môi trường.
... Chỉ cần 0,15 đến 0,2 gram là có thể giết chết một người khỏe mạnh. Sau khi ăn, uống, hoặc hít phải chất độc này, nạn nhân thường có các triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, nôn ói, cảm giác lo lắng, sợ hãi, tay chân lạnh, co giật, hôn mê… dẫn đến tử vong.
Từ xưa, xyanua đã được sử dụng làm thuộc độc giết người. Độc chất này là một cái tên kinh hoàng được sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ II. Nó được Đức Quốc xã sử dụng làm vũ khí chiến tranh và đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp châu Âu. Ngoài ra, xyanua “càng nổi tiếng” khi được cho là độc chất bí ẩn đã cướp đi sinh mạng của Thống chế Đức Quốc xã lừng danh Erwin Rommel.
Mặc dù là một chất cực độc nhưng Xyanua đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống như chiến tranh, công nghiệp, đặc biệt là ngành khai thác vàng, ứng dụng y học, thuốc trừ sâu…
Bên cạnh đó, ngoài xyanua công nghiệp, không nhiều người biết rằng một số thực vật có chứa gốc xyanua nguy hiểm có thể gây độc cho con người. Ví dụ: hạnh nhân đắng, nhân quả mận, lá trúc đào, củ sắn (nhất là sắn mới trồng ở đất khai hoang), măng tre nứa (càng đắng càng nhiều xyanua), đậu rựa, đậu mèo, cây sakê, một số loại nấm… và trong cánh hoa hồng đỏ (đặc biệt là hồng nhung).
Xyanua natri, còn gọi là Natri xyanua, công thức hóa học: NaCN, được xếp vào dạng hợp chất xyanua đơn giản, tan và cực độc. Bất cứ ai ngửi, hít và nếm phải nó cũng dễ bị tử vong, nếu không được cấp cứu kịp thời. NaCN có mùi tương tự như mùi hạnh nhân, nhưng không phải ai cũng có thể ngửi thấy do đặc điểm di truyền.
Theo Bách khoa mở Wikipedia, NaCN được sử dụng để chiết vàng và các kim loại quý khác từ quặng, và các hoạt động khai thác kim loại quý tiêu thụ phần lớn sản lượng NaCN được sản xuất ra.
NaCN cũng được sử dụng bất hợp pháp ở một vài nơi để đánh bắt cá. Các rủi ro với các dung dịch xyanua là cực kỳ nguy hiểm cho các hệ thủy sinh thái. Nó cũng được các nhà côn trùng học dùng làm tác nhân giết côn trùng trong các bình thu thập chúng, do phần lớn côn trùng bị chết chỉ trong vài giây, làm giảm thiểu các tổn thất của thậm chí là các loại mỏng mảnh nhất.
Con người có thể bị nhiễm độc xyanua qua 3 đường: đường tiêu hóa thông qua thức ăn và nước uống, đường hô hấp vì axit xyanua có thể bay hơi và sau cùng xyanua cũng có thể xâm nhập qua da. Vào cơ thể, xyanua sẽ gắn kết chặt “không thể hồi phục” với gốc sắt 2 Fe ++ của men cytochrom oxidase trong “chuỗi hô hấp vàng” Warburg. Cytochrom oxidase là nơi chủ chốt để trao đổi oxy cho cơ thể, cho nên khi men cytochrom oxidase này bị “khóa”, cơ thể không hô hấp được và sẽ bị “ngạt” dù vẫn có đầy đủ dưỡng khí oxy.
Có thể tẩy rửa độc tố xyanua như thế nào?
Xyanua rất độc, nhưng may mắn nó lại dễ bị phân hủy bởi nhiều tác nhân lý hóa, trong đó việc oxy hóa với những hóa chất thông thường như nước clo, nước oxy già, phoóc môn, thuốc tím… và ngay cả với oxy trong khí trời.
Xyanua trong thực phẩm dễ dàng bị phá hủy bởi nhiệt độ, đun sôi trong 20 phút đã giảm gần 70%, dễ bốc hơi bay đi hay được rửa sạch bằng nước.
Các thực phẩm có chứa xyanua nếu được chế biến kỹ như luộc sôi nhiệt độ cao, thời gian đun sôi kéo dài, thái thực phẩm ra lát mỏng đem phơi khô, ngâm ủ kỹ… gần như có thể loại bỏ hoàn toàn chất độc chết người này.
Ngay cả khi khai thác, bóc tách vàng sa khoáng bằng xyanua xong, nếu xử lý chất thải kỹ hoặc tái sinh để quay vòng công nghệ thì việc ô nhiễm môi trường và gây ngộ độc hầu như không thể xảy ra.Trong công nghiệp, để khử độc tố xyanua, người ta thường sử dụng hai phương pháp. Thứ nhất là dùng các chất oxy hóa như nước clo (Cl2), thuốc tím (KmnO4), oxy (O2), hydrogen peroxide (H202), nước javen… để chuyển CN thành dạng ít độc hơn (CNO-, CO32-, NH3…). Thứ hai là dùng các ion sắt 2 và sắt 3 (Fe 2+ và Fe 3+) tạo phức với CN– để chuyển CN– thành các hợp chất sắt xyanua không độc.
Lực lượng chức năng phải sử dụng mặt nạ chống độc trong khu vực bị phong tỏa để dọn dẹp, làm sạch hóa chất bị phát tán trong vụ nổ ởThiên Tân
Đối với trường hợp vụ nổ ở Thiên Tân, hiện các lực lượng chức năng Trung Quốc đang tiến hành thu thập và dọn sạch hóa chất độc hại phát tán quanh khu vực xảy ra vụ nổ nhà kho ở thành phố này. Phó Thị trưởng thành phố Thiên Tân Hà Thụ Sơn cho biết các hóa chất phần lớn bị phát tán rải rác trong phạm vi khu vực hiện trường chính có diện tích 100.000 m2. Tuy nhiên, công việc này "rất phức tạp và khó khăn" do tại khu vực này có tới 16.500 container hàng hóa rỗng và các nhân viên phải dò tìm hóa chất bị phát tán trong từng chiếc container này.
Bên cạnh đó, một bức tường đã được xây dựng bao quanh khu vực hiện trường chính nhằm ngăn chặn bất kỳ trường hợp rò rỉ NaCN và các chất gây ô nhiễm khác. Ngoài ra, một giếng kín cũng sẽ được xây dựng để chứa nước ô nhiễm, không cho chảy ra bên ngoài sau khi trời mưa. Nhà chức trách Trung Quốc cho hay, chất lượng không khí tại khu vực này và nước sông gần đó vẫn trong tiêu chuẩn an toàn qua kiểm tra, đo đạc.
Theo phân tích của Reuters, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt có thể là mối lo ngại nhưng việc này có thể dễ dàng kiểm tra. Ở hiện trường vụ nổ ở Thiên Tân, các nhà chức trách Trung Quốc dường như đang xử lý thảm họa tràn hóa chất NaCN bằng hydrogen peroxide (H202) để chuyển CN thành dạng ít nguy hiểm hơn đáng kể. Nước thải và các khu vực khác có thể chỉ đơn giản xử lý bằng natri hypochlorate (chất tẩy) để loại bỏ các ion xyanua.
Thảm họa tràn hóa chất natri xyanua đương nhiên rất nguy hiểm, đặc biệt khi mà nó lan tràn với khối lượng quá lớn như ở vụ nổ Thiên Tân. Tuy nhiên, bản chất của xyanua là có thể được phát hiện dễ dàng và giám sát quá trình làm sạch. Việc làm sạch, tẩy rửa nên tiến hành càng nhanh càng tốt, bởi một khi để nó lan vào không khí và nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người là không thể tránh khỏi và sẽ càng khó đối phó hơn.