Theo quy định, bột xương và bột thịt xương dùng làm thức ăn chăn nuôi (TACN) không được có khuẩn E.Coli (trong 1g mẫu) và Salmonella (trong 25g mẫu). Tuy nhiên, bằng nhiều con đường khác nhau...
Khoai tây Đà Lạt 'tuyên chiến' với hàng Trung Quốc đội lốt
- Cập nhật : 10/04/2018
Lâm Đồng lên kế hoạch xây dựng thương hiệu khoai tây Đà Lạt để chống lại nạn khoai tây Trung Quốc tuồn vào và hô biến thành thương hiệu nổi tiếng này.
Đây chính là Đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt để giúp thị trường phân biệt khoai tây của địa phương với khoai tây Trung Quốc giả danh.
Dự kiến, hàng trăm ngàn bao bì sẽ được chuyển đến người dân, doanh nghiệp để giúp khoai tây Đà Lạt bảo vệ thương hiệu của mình.
Theo ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chị cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (sở NN&PTNT Lâm Đồng), dự tính năm 2018, khoai tây Đà Lạt và các vùng phụ cận như Đơn Dương, Đức Trọng... sản lượng đạt khoảng 40.000 tấn thì có đến 700 tấn bước đầu được đưa vào bao bì các loại với hai kích thước 2kg và 5kg để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Đặc điểm của bao bì này được thiết kế gắn với thương hiệu Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành (thương hiệu chung dùng để quảng bá nông sản, đặc biệt là rau, hoa, cà phê, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như tơ, lụa… được công bố vào cuối 12-2017).
Để đảm bảo không bị làm giả trên bao bì sẽ có những đặc điểm nhận dạng về màu sắc, thương hiệu được đăng ký bản quyền.
Video tạm dừng
Sở dĩ như thế vì hàng năm hàng trăm tấn khoai tây Trung Quốc được tuồn vào Lâm Đồng, rồi được "hô biến" thành khoai tây Đà Lạt.
Vì vậy, việc thực hiện đề án in ấn bao bì, nhãn hiệu để thị trường không nhầm lẫn, gây thiệt hại cho người trồng khoai tây Đà Lạt và cả người tiêu dùng.
"Thương hiệu khoai tây Đà Lạt đã có từ lâu, giờ có bao bì, nhãn mác rõ ràng người tiêu dùng có thể nhận biết ngay mà lựa chọn. Và vui mừng hơn nữa, người dân doanh nghiệp tham gia vào đề án cũng là góp phần xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho chính họ", ông Hưng nói.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH SXTM nông sản Phong Thúy, cho rằng với sản lượng hiện tại, khoai tây Đà Lạt có thể đáp ứng được đủ nhu cầu của người tiêu dùng trong năm.
Tuy nhiên, vào mùa mưa (mùa thấp điểm về sản xuất, sản lượng khoai tây) thì khoai tây Trung Quốc tràn vào bán như khoai tây Đà Lạt là "quá thiệt thòi cho người nông dân".
Anh Trần Hữu Thọ (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) nói rất mong mỏi được tham gia vào đề án này, bởi là người trồng khoai tây nhiều năm nhưng "cứ một thời gian là thấy thông tin khoai tây Trung Quốc tràn lan, người tiêu dùng e ngại mua nên vừa trồng vừa thấp thỏm sợ họ quay lưng với khoai tây Đà Lạt".
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại chợ Đà Lạt, vào mùa thấp điểm giá khoai tây Đà Lạt từ 17.000-19.000 đồng/kg, còn khoai tây Trung Quốc có giá khoảng 4.000 đồng/kg.
Mặc dù được nhập bằng đường chính ngạch có hóa đơn hẳn hoi ghi rõ khoai tây Trung Quốc nhưng chỉ cần "hô biến" thêm một lớp đất đỏ là có thể thành khoai tây Đà Lạt bán đưa ra thị trường bán lời gấp 4-5 lần.
"Một lần lên Đà Lạt vào năm ngoái tôi mua 5kg ngoài chợ vì người bán bảo đảm là khoai tây Đà Lạt. Về TP.HCM làm ra ăn tôi mới biết là mình bị lừa, từ đó đến nay tôi và người thân có nhu cầu là toàn đặt ở mối quen biết chuyển về", chị Nguyễn Thị Thúy (TP.HCM) cho biết.
Theo ông Lại Thế Hưng nếu trước đây kiểm tra thì người kinh doanh vẫn xuất trình giấy tờ là khoai tây Trung Quốc phủ đất để bảo quản.
Vì thế sắp tới, ông Hưng nói rằng nếu phát hiện người kinh doanh, buôn bán để khoai tây Trung Quốc vào bao bì sẽ bị lập biên bản xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành về hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
"Khi áp dụng vào thực tế, chúng tôi cũng sẽ kết hợp với các đơn vị khác để kiểm tra việc thực hiện của những thành phần tham gia, hạn chế tối đa những vi phạm", ông Hưng nói thêm.
Văn BÌnh
Theo tuoitre.vn