Trước sự “thôn tính” của doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang phải gồng mình chống đỡ. Chất lượng, giá cả, dịch vụ... của hàng Việt Nam đang thua kém rất nhiều so với hàng Thái Lan, Nhật Bản, Singapore… Người tiêu dùng Việt đang dần mất niềm tin vào hàng Việt, doanh nghiệp Việt Nam dường như đang đầu hàng quá nhanh trên sân nhà.
Doanh nghiệp Việt "chia rẽ" vì thép giá rẻ từ Trung Quốc
- Cập nhật : 18/02/2016
(Thuong mai)
Trong bất kỳ một vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào trên thế giới (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) cũng như ở Việt Nam đều sẽ dẫn đến việc xung đột lợi ích giữa các bên.
Doanh nghiệp nội "bất đồng"
Cuối năm 2015, 4 doanh nghiệp lớn của ngành thép gồm: Công ty cổ phần Thép Hoà Phát (HPG), Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần Thép Việt Ý đã đệ đơn đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên 45% với phôi thép và 33% với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Nguyên nhân khiến 4 doanh nghiệp đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ là bởi có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu phôi thép và thép dài khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh. Số liệu thống kê cho thấy, lượng phôi thép nhập khẩu đã tăng từ 466 nghìn tấn năm 2012 lên 1,5 triệu tấn vào năm 2015. Thép dài nhập khẩu đã tăng từ 387 nghìn tấn năm 2012 lên 1,2 triệu tấn năm 2015.
Ngày 25/12/2015, Bộ Công thương đã tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu.
Tuy nhiên, tiếp đó, ngày 12/1/2016, Bộ Công Thương đã nhận được đơn kiến nghị về việc không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép từ 6 doanh nghiệp thép trong nước bao gồm: CTCP thép Pomina, Công ty liên doanh sản xuất thép Vinausteel, Công ty TNHH Nasteel-Vina, Công ty sản xuất Thép Úc SSE, Công ty TNHH Thép Vinakyoei, CTCP thép Việt Đức, CTCP BCH.
Lý giải cho đề nghị này, các doanh nghiệp phản đối cho hay, lượng phôi thép nhập khẩu trong giai đoạn 2008 - 2010 còn lớn hơn rất nhiều so với con số 1,25 triệu tấn của năm 2015. Mặt khác, ngành thép cũng phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất từ thép xây dựng đến ống thép và phôi thép. Điều khiến các doanh nghiệp ở phía phản đối băn khoăn là ai sẽ là người được hưởng lợi nếu áp dụng biện pháp tự vệ.
Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra
Trao đổi về vấn đề này, người phát ngôn của Bộ Công Thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong bất kỳ một vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào trên thế giới (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) cũng như ở Việt Nam đều sẽ dẫn đến việc xung đột lợi ích giữa các bên.
"Trong đó các bên được hưởng lợi là nhà sản xuất trong nước và các ngành công nghiệp thượng nguồn, đồng thời có các bên chịu thiệt hại là nhà nhập khẩu và người tiêu dùng hoặc các ngành công nghiệp hạ nguồn. Đó là lý do các nước đều cân nhắc lợi ích kinh tế xã hội chung khi quyết định áp dụng một biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và tự vệ nói riêng", ông Hải nói.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện pháp luật về việc điều tra và áp dụng các biện pháp tự vệ của cả WTO và Việt Nam đều đã đầy đủ, minh bạch và quy định chặt chẽ những điều kiện, quy trình để có thể áp dụng các biện pháp này. Theo đó, khi các nhà sản xuất trong nước nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, chứng minh được các dấu hiệu về nhập khẩu gia tăng đột biến dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước thì Bộ Công Thương phải thụ lý hồ sơ và ra quyết định tiến hành điều tra.
Hiện nay vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và Bộ Công Thương đảm bảo mọi quy trình, thủ tục điều tra đều được tiến hành công khai, mình bạch và tuân thủ đúng quy định của WTO cũng như pháp luật Việt Nam. Bộ Công Thương luôn ghi nhận mọi ý kiến bình luận, kiến nghị của các bên liên quan và tạo cơ hội cho các bên liên quan được trình bày quan điểm của mình về vụ việc và điều này cũng sẽ được thể hiện rõ trong kết luận điều tra công bố sau này.
Hàng ngàn người châu Âu biểu tình vì thép Trung Quốc
Tờ New York Times đưa tin, hôm 15/2 vừa qua, hàng nghìn công nhân ngành thép đến từ Anh, Pháp và nhiều nước châu Âu đã tập trung biểu tình tại Brussels - Bỉ, nơi đặt trụ sở của Liên Hiệp châu Âu (EU) nhằm đưa ra đề nghị có thêm biện pháp ngăn chặn sự tràn ngập hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Hơn 5.000 người biểu tình xuống đường, yêu cầu xem xét kỹ về việc công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, sau 15 năm nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Những người làm việc trong ngành thép châu Âu lo ngại, nếu công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là cơ hội để các sản phẩm thép với giá thấp xâm nhập vào châu Âu. Điều này cũng gây lo ngại ảnh hưởng tới việc làm của hàng trăm nghìn người lao động trong ngành và gây thiệt hại hàng trăm tỷ euro doanh thu.
Chủ tịch Uỷ ban Điều hành ngành công nghiệp thép châu Âu cho rằng, việc tăng nhập khẩu thép của Trung Quốc sẽ làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu để giảm lượng khí thải carbon vì nhiều thép của Trung Quốc được sản xuất với công nghệ sử dụng điện đốt than.
Ông Karl-Ulrich Köhler, giám đốc điều hành của Tata Steel Châu Âu, nhà sản xuất thép lớn nhất nước Anh thông báo với giới chức Liên minh châu Âu và các bộ trưởng rằng ngành thép của họ không thể cạnh tranh với Trung Quốc khi Bắc Kinh đã can thiệp để làm chỗ dựa cho các nhà máy làm ăn thua lỗ.
Cuối tuần qua, Ủy ban châu Âu cũng mở ba cuộc điều tra chống bán phá giá các sản phẩm thép của Trung Quốc và dự kiến áp thuế mới cho một số sản phẩm thép từ Trung Quốc. Theo bà Elzbieta Bienkowska, Ủy viên Hiệp hội thép châu Âu nói rằng có một con số kỷ lục của các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép Trung Quốc được áp dụng tại chỗ và các nhà hoạch định chính sách sẽ áp đặt nhiều hơn nếu thích hợp.