Bộ Công Thương đánh giá ít có khả năng các doanh nghiệp thép lợi dụng chính sách thuế tự vệ để chi phối thị trường và tăng giá thép quá mức.
Doanh nghiệp bán lẻ Việt: Gồng mình chống đỡ đại gia ngoại!
- Cập nhật : 06/03/2016
(Tin kinh te)
Trước sự “thôn tính” của doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang phải gồng mình chống đỡ. Chất lượng, giá cả, dịch vụ... của hàng Việt Nam đang thua kém rất nhiều so với hàng Thái Lan, Nhật Bản, Singapore… Người tiêu dùng Việt đang dần mất niềm tin vào hàng Việt, doanh nghiệp Việt Nam dường như đang đầu hàng quá nhanh trên sân nhà.
Không thể kêu gọi người Việt dùng hàng Việt khi sản phẩm không tốt và giá cũng không hợp lý. Ảnh: T.G.
Theo các thống kê, 49% cổ phần chuỗi siêu thị Citimart và 30% của chuỗi Fivimart rơi vào tay nhà đầu tư Nhật Bản, 49% cổ phần chuỗi điện máy Nguyễn Kim được bán cho Thái Lan. Trong khi đó, điện máy Trần Anh, Metro, Big C… cũng đã và đang nằm trong sự “nhòm ngó” của các nhà bán lẻ
nước ngoài.
Đa số các doanh nghiệp (DN) bán lẻ tham gia thị trường vẫn là các DN nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, vẫn còn đối mặt với nguy cơ bị các DN lớn có vốn đầu tư nước ngoài thâu tóm thị trường.
Nhưng trái ngược với xu hướng liên tục mở rộng quy mô hoạt động của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, các DN phân phối của Việt Nam lại đang bị tụt lại do sức cạnh tranh kém, hoạt động chưa chuyên nghiệp, chưa khẳng định uy tín với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc yếu kém trong kết cấu hạ tầng phân phối và cơ sở hạ tầng hậu cần kho vận cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến sự thua kém của các công ty bán lẻ trong nước.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - khẳng định: Bốn cái yếu nhất của DN bán lẻ Việt Nam chính là 4 điểm mạnh của các đại gia ngoại. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài có chiến dịch kinh doanh lâu dài, bền bỉ; họ được vay vốn ngân hàng với lãi suất chỉ 1%, trong khi Việt Nam đi vay cao gấp 8-10 lần. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của họ được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản. Và hơn ai hết, họ là chuỗi thu mua phân phối toàn cầu, có thể ở Việt Nam họ hòa vốn hoặc lỗ nhưng ở nước khác họ lãi… Họ đi thẳng từ sản xuất đến người tiêu dùng, mua tận gốc và bán tận ngọn.
Không được lòng người Việt
“Nước ngoài họ uy tín trong kinh doanh, tôn trọng khách hàng, có trách nhiệm với khách hàng, chất lượng hàng hóa tốt, ưu việt, giá cả phải chăng, tiếp thị tốt nên họ phát triển mạnh. Kinh doanh Việt Nam chúng ta yếu kém nên dễ bị thâu tóm. Hơn nữa, nói đến thực phẩm Việt Nam ai cũng thấy sợ hãi về ATTP, nên người dân đổ dồn vào mua thực phẩm Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore… Do đó, trên thương trường ai uy tín người đó sẽ thắng”, chị Nguyễn Thị Hồng (Ba Đình, Hà Nội) phân trần.
Anh Phan Anh Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) than thở: Nhiều mặt hàng DN Việt Nam sản xuất theo kiểu “ăn xổi ở thì”, hàng đợt đầu chất lượng khá tốt, đợt 2, đợt 3 thì “đểu dần đều”. Quảng cáo thì bơm phồng quá mức so với chất lượng. Tôi vẫn nhớ những mặt hàng Thái Lan tràn ngập thị trường Việt Nam khoảng cuối thập niên 80, từ kẹo caosu, quần áo vải vóc tới quạt, xe máy... nói chung là hàng chất lượng từ trước đến nay.
Anh Ngô Quang Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “2 năm trở lại đây, gia đình tôi sử dụng tất tần tật các mặt hàng của Thái Lan và Nhật Bản. Tôi cũng đã từng rất quan tâm hàng Việt nhưng nhiều món hàng chất lượng và giá cả quá tỉ lệ nghịch với những sản phẩm tương tự của nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam quả là một thách thức rất lớn đối với hàng Việt. Nhưng theo tôi thấy, đây cũng là cơ hội để hất cẳng hàng độc hại Trung Quốc. Đồng thời, cũng là lúc để các DN Việt Nam quan tâm tới chất lượng và giá cả để phát triển lâu dài”.
Như chúng ta đã biết, các mặt hàng bán lẻ đi đôi với phát triển kinh tế. Khi các DN nước ngoài thâu tóm các DN bán lẻ Việt quá dễ dàng thì sẽ khiến các sản phẩm Việt chết “yểu” trên sân nhà. Đồng thời, khiến một lượng người lao động thất nghiệp, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy và DN Việt Nam sẽ mãi không thể “ngóc” đầu
lên được.
Ông Vũ Vinh Phú nhận định đây là một thách thức lớn với DN Việt Nam. Để chống lại xâm lấn của hàng ngoại, DN không còn cách nào khác phải liên kết, cải cách toàn diện cho ra những hàng hóa có chất lượng, nâng cao năng suất, giảm giá thành. Không thể kêu gọi người Việt dùng hàng Việt khi sản phẩm không tốt và giá cũng không hợp lý.
Theo Báo Lao Động