tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Điêu đứng vì nông thuỷ sản liên tục mất giá

  • Cập nhật : 25/09/2015

(Tin kinh te)

Thời gian gần đây, nông dân khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) "khóc ròng" vì các loại nông sản như: lúa gạo, thanh long, khoai lang… liên tục mất giá. Ngoài ra, người nuôi tôm cũng điêu đứng vì dịch bệnh, giá cả xuống thấp nhất trong nhiều năm qua.

Lúa gạo, thanh long rớt giá thảm

Hiện tại đang vào vụ thu hoạch rộ lúa hè thu nhưng giá lúa đang ở mức thấp nên nhiều nông dân điêu đứng. thời tiết thất thường nên nông dân chấp nhận bán lúa ngay tại ruộng vì không thể trữ để chờ giá.

Ông Nguyễn Công Lý, nông dân sản xuất lúa ở xã Phương Thịnh (Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết: “Vụ này tôi làm giống lúa thơm Nàng Hoa 9 là một trong những giống lúa đặc sản ở địa phương nhưng giá bán chỉ 4.100 đồng/kg. Các loại giống lúa thơm khác như: OM 4900, Jasmine có giá 4.000 đồng/kg; lúa IR 50404 giá chỉ 3.800 đồng/kg nên nông dân không có lời, thậm chí thua lỗ nặng nếu thuê mướn nhân công”.

Theo ông Lý, do mưa gió thất thường nên khi giá xuống thấp, nông dân bắt buộc phải bán ngay tại ruộng vì nếu trữ sẽ tốn chi phí sấy và dễ bị hư hỏng.

nong dan gap kho vi gia lua xuong thap

Nông dân gặp khó vì giá lúa xuống thấp

Đồng cảnh ngộ với người trồng lúa, người trồng thanh long ở Tiền Giang, Long An; khoai lang ở Vĩnh Long cũng chịu chung hoàn cảnh tương tự khi giá cả xuống thấp. Thanh long ruột đỏ, ruột trắng tràn ra lề đường cũng có giá 3.000 đồng/kg.

thanh long gia re tran ra duong

Thanh long giá rẻ tràn ra đường

Ông Trần Văn Hòa, Phó trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo cho biết: “Huyện Chợ Gạo có diện tích trồng thanh long 4.053 ha với năng suất khoảng 15 tấn/ha. Năm nay giá thanh long xuống thấp nên nhiều nông dân không có lời, thậm chí thua lỗ”.

Theo ông Hòa, thanh long loại 1 để xuất khẩu chiếm tỷ lệ khoảng 30%, còn lại bị dạt xuống loại 2, loại 3 giá rất thấp. Theo đó, thanh long chỉ lọt side (dưới 300 gram/quả); gãy ngoe, ngoe vàng; côn trùng cắn vỏ, bị đốm trên vỏ… thì dạt xuống giá chỉ còn 1.000 đồng/kg nên ven đường giá thanh long mới thấp đến như vậy.

Người nuôi tôm điêu đứng vì dịch bệnh, giá cả xuống thấp

Các tỉnh khu vực ĐBSCL, nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú cũng đang điêu đứng vì dịch bệnh, giá cả xuống thấp.

Hiện tại, theo thống kê chưa đầy đủ tại tỉnh Trà Vinh có hơn 5.000 ha tôm nuôi chết trong giai đoạn từ 25 đến 40 ngày tuổi với số lượng khoảng 1 tỷ con tôm giống. Các tỉnh ven biển như: Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng… diện tích tôm thẻ chân trắng, tôm sú bị dịch bệnh cũng rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh tràn lan. Theo đó rất nhiều hộ dân đã chấp nhận “treo” ao vì càng nuôi càng lỗ.

Ngoài dịch bệnh, giá cả xuống thấp khiến nhiều nông dân điêu đứng. Hiện tại, giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng đang ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua.

Ông Lê Minh Tuấn, ngụ ấp 4 (xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Tôi mới vừa thả tôm thẻ chân trắng được gần 1 tháng thì bị bệnh chết đột ngột nên lỗ tiền con giống, thức ăn khoảng 25 triệu đồng. Vụ này ở địa phương rất nhiều ai nuôi bị dịch bệnh, chết hàng loạt”.

Theo ông Tuấn, nếu không bị dịch bệnh thì giá cả cũng rất thấp. Hiện tại tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg chỉ 80.000 đồng/kg, 70 con/kg chỉ 100.000 đồng/kg (rẻ hơn từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm rồi.

nguoi nuoi tom cung dieu dung vi dich benh, gia ca thap nhat trong nhieu nam qua

Người nuôi tôm cũng điêu đứng vì dịch bệnh, giá cả thấp nhất trong nhiều năm qua

Giá tôm rẻ, dịch bệnh tràn lan, nông dân thua lỗ nhưng bắt buộc phải tiếp tục nuôi hoặc treo ao vì đã trót đào ao không thể làm được gì khác.

Ông Nguyễn Văn Vinh, người nuôi tôm ở xã Bình Thới (Bình Đại, Bến Tre) cho biết: “Hiện tại người nuôi tôm ở địa phương chịu cảnh bấp bênh hơn bao giờ hết vì vừa rủi ro cao mà giá quá thấp nên chuyện thua lỗ là không thể tránh khỏi. Liên tục thua lỗ nên nhiều hộ dân nợ nần chồng chất, không có vốn để tiếp tục đầu tư thả lại”.

Nông sản ở khu vực ĐBSCL liên tục mất giá theo nhiều chuyên gia là do tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Bây giờ phần lớn nông sản chỉ tiêu thụ nội địa nên giá xuống thấp, nông dân chịu cảnh thua lỗ.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục