Sáng nay (24/9 - giờ Việt Nam) giá dầu thế giới phục hồi trở lại sau phiên suy giảm khá mạnh hôm qua sau thông tin dự trữ tại Mỹ tăng cùng nhu cầu theo mùa yếu. Hiện giá dầu WTI giao tháng 10 nhích nhẹ lên 44,92 USD/bbl, dầu Brent giao tháng 10 cũng tăng lên 48,13 USD/bbl.
Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 23/9
- Cập nhật : 23/09/2015
(Tin Kinh Te)
Mưa lớn có thể kéo giảm năng suất sản lúa và giá gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long; Nhật Bản có thể cho phép nhập khẩu gạo Mỹ miễn thuế dưới thỏa thuận TPP.
Bảng giá gạo ngày 22/9
Mưa lớn có thể kéo giảm năng suất sản lúa và giá gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long
Theo Bộ Nông nghiệp, năng suất lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ giảm khoảng 10% - 20% do mưa lớn kéo dài trong tuần trước.
Hiện tại, có khoảng 3.000 hecta lúa ở Đồng Tháp và 10.000 hecta lúa ở An Giang đang bị ngập úng trong nước. Phần lớn diện tích lúa này đều đã đến kỳ thu hoạch nên người nông dân có thể sẽ chịu thiệt hại nặng nề.
Chính quyền địa phương đang nỗ lực giúp người nông dân tháo nước lũ bằng máy bơm để họ có thể nhanh chóng thu hoạch lúa một khi thời tiết cải thiện hơn. Bộ Nông nghiệp cũng dự kiến cho mở các cửa cống xả tại một số khu vực để đẩy nhanh tốc độ thoát nước.
Một số người nông dân lo ngại rằng, sẽ phải bán lỗ số thóc thu hoạch từ vụ này bởi họ không có máy sấy để sấy khô thóc. Vì bị ngập úng trong nước nên chất lượng thóc sẽ giảm xuống, dẫn tới giá bán giảm.
Các quan chức Bộ nông nghiệp cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất Việt Nam - có thể sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất trong mùa lũ này.
Tín hiệu này càng khiến triển vọng ngành lúa gạo của Việt Nam thêm u ám trong khi phải cạnh tranh khắc nghiệt với các nước láng giềng Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia và Myanmar. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm kể từ đầu năm 2015 do nguồn cung tăng mạnh nhưng nhu cầu suy yếu.
Việt Nam tăng sàn giá xuất khẩu gạo chất lượng thấp
Theo Reuters, Việt Nam đã tăng sàn giá xuất khẩu gạo chất lượng thấp (25% tấm) thêm 3% lên khoảng 340 USD/tấn. Mức giá này sẽ được áp dụng từ ngày 25/9/2015.
Quyết định này được đưa ra sau khi Việt Nam thắng thầu hợp đồng nhập khẩu 450.000 tấn gạo với Philippines trong giai đoạn từ tháng 11/2015 - tháng 1/2016. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng một phần do Trung Quốc tăng cường nhập khẩu gạo của nước ta trong tháng 9.
Tuy nhiên, một số thương nhân bày tỏ lo ngại rằng, giá cao có thể sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu.
Nhật Bản có thể cho phép nhập khẩu gạo Mỹ miễn thuế theo thỏa thuận TPP
Theo tờ Nikkei Asia Review, các quan chức Mỹ, Nhật Bản và Canada đang họp mặt tại San Francisco để đàm phán về một thỏa thuận trong lĩnh vực lúa gạo và ôtô. Cuộc họp này diễn ra vài ngày trước khi vòng đàm phán TPP giữa 12 nước bắt đầu vào ngày 30/9/2015 tại Atlanta.
Nhật Bản được cho là vẫn giữ vứng lập trường đánh mức thuế hải quan 341 yên/kg (2.837 USD/tấn) đối với gạo nhập khẩu. Chính phủ nước này dự kiến sẽ cho phép nhập khẩu 50.000 tấn gạo miễn thuế từ Mỹ và dần tăng lên 70.000 tấn.
Nhật Bản cũng được cho là sẽ tăng nhập khẩu gạo từ Mỹ thêm 2.000 tấn từ năm thứ 4 của thỏa thuận. Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích nghi ngờ khả năng chính phủ Mỹ sẽ đồng ý với đề xuất của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa giảm do xu hướng già hóa dân số và giới trẻ chuyển sang thực phẩm làm từ lúa mì.
Thái Lan dự kiến đấu giá gần 470.000 tấn gạo dự trữ trong ngày 29/9/2015
Reuters trích thông báo của Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, chính phủ nước này đang dự kiến đấu giá 462.931 tấn gạo dự trữ trong ngày 29/9/2015 và hạn chót để nộp đơn tham gia đấu thầu là ngày 28/9/2015.
Đây là phiên đấu giá gạo thứ 7 trong năm 2015 của chính phủ Thái Lan. Hiện tại, dự trữ gạo của chính phủ Thái Lan vẫn còn hơn 13,5 triệu tấn gạo với dự kiến sẽ bán hết trong vòng 2 năm tới.
Nguyễn Dung
Theo Oryza, Vinanet