Giá dầu chạm đáy 3 tháng khi dầu lưu kho tăng
Giá vàng tiếp tục tăng sau quyết định của Fed
Giá đồng tăng do đồng đô la giảm
Thép cây Châu Á vẫn duy trì ổn định trong bối cảnh thị trường Trung Quốc biến động
Thị trường thép cuộn mạ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thận trọng, có thể sẽ phục hồi
Tin thị trường lúa gạo thế giới ngày 26-04-2016
- Cập nhật : 26/04/2016
(Tin kinh te)
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm… bất thường. Campuchia nỗ lực tham dự phiên thầu bán gạo của Philippines.
Giá gạo thế giới ngày 26/4/2016
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm… bất thường
VOV.vn dẫn thông tin từ Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, bước sang tuần thứ 2 của tháng 4/2016, giá xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục giảm. Hiện giá gạo 5% tấm chỉ còn dao động ở 370-380 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với tuần trước và so với tháng 3/2016.
Theo Ban chỉ đạo, đây là hiện tượng không bình thường khi nhiều nước đối thủ vẫn giữ giá xuất khẩu gạo ở mức cao, thậm chí tăng vọt. Trong khi đó giá lúa trong nước lại đang tăng. Sự “lạc điệu” này đang dồn đẩy người nông dân đối mặt với nhiều nguy cơ.
Hiện nhiều nước xuất khẩu giữ giá gạo ở mức cao, như Ấn Độ ở 380 USD/tấn hay Campuchia 460 USD/tấn (gạo 5%), một số lại có chiều hướng tăng thêm bình quân 5 USD/tấn như Thái Lan, Pakistan. Mặc dù giá gạo Việt Nam sụt nhưng giá lúa thì tiếp tục tăng.
Theo các chuyên gia, lúa tăng giá chủ yếu do nhu cầu tăng mạnh (tác động tâm lý hạn hán và xâm nhập mặn) và nguồn cung giảm (do kết thúc vụ). Giá lúa đang tăng, nhưng nhiều nhà nông học lại lo vì cho rằng, giá lúa tăng như hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ trước mắt và lâu dài đến nông dân trồng lúa. Trước mắt, giá lúa tăng sẽ khiến nông dân mạnh dạn “xé rào” xuống giống vào đỉnh điểm nắng hạn như hiện nay. Điều này không chỉ khiến cho tình hình khô hạn, nạn thiếu nước tưới càng thêm trầm trọng, mà còn khiến chi phí đầu vào tăng vọt, năng suất giảm.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) cảnh báo, hạn hán kéo dài do hiện tượng El Nino có thể khiến dự trữ ở các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Tổng dự trữ gạo của các nước xuất khẩu hàng đầu gồm Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ có thể giảm xuống mức 19 triệu tấn vào nửa cuối năm 2016, từ mức đỉnh 41 triệu tấn vào năm 2013. Kho dự trữ gạo giảm sẽ khiến các nước hạn chế xuất khẩu gạo.
Mặc dù hiện tượng El Nino đang suy yếu nhưng lại gây ra hạn hán nghiêm trọng ở nhiều nơi của châu Á, làm khô cạn nguồn nước tưới và tàn phá các vụ mùa. Việc các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới bao gồm Ấn Độ, hạn chế xuất khẩu gạo vào năm 2008 đã gây ra cơn hoảng loạn trên thị trường, buộc các nước nhập khẩu gạo như Philippines phải đẩy mạnh mua gạo với số lượng lớn, khiến giá gạo tăng gần gấp ba lần. Sau đó, nhiều nước nhập khẩu gạo và xuất khẩu gạo, chủ yếu ở châu Á, đã củng cố kho dự trữ gạo để tránh một cuộc khủng hoảng tương tự.
Tuy nhiên, dự trữ gạo toàn cầu đang trên đà giảm kể từ năm 2013. IRRI dự đoán dự trữ gạo tổng cộng của Ấn Độ và Thái Lan, hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới sẽ ở mức 16 triệu tấn vào quý III năm nay, thấp hơn 70% so với cùng kỳ năm 2013.
Nếu sản lượng gạo bị ảnh hưởng do mùa mưa kém, Ấn Độ sẽ thận trọng trong xuất khẩu. Điều này sẽ khiến các nước nhập khẩu gạo lớn như Philippines và Indonesia gia tăng mua tích lũy gạo, tương tự như những gì đã xảy ra vào năm 2008. Philippines đang cân nhắc nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo trong năm nay để bổ sung thêm cho các kho dự trữ gạo quốc gia.
Campuchia nỗ lực tham dự phiên thầu bán gạo của Philippines
Campuchia đang chuẩn bị để tham dự phiên thầu bán gạo cho Philippines mặc dù cho rằng rất khó có khả năng trúng thầu do chi phí sản xuất và vận chuyển cao, tờ Khmer Times đưa tin.
Phó chủ tịch Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF) cho biết, mặc dù Campuchia đã thất bại trong nhiều phiên đấu giá, nhưng nước này sẽ cố gắng luôn có mặt. “Nếu chúng tôi không tham gia, họ [Philippines] sẽ không mời chúng tôi vào lần tới khi chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh. Do vậy, chúng tôi không muốn để mất thị trường”.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) được ủy quyền nhập khẩu 500.000 tấn gạo nhằm đảm bảo đủ lượng gạo lưu kho trong những tháng giáp hạt (tháng 7 đến tháng 9). Philippines có thể nhập khẩu gạo theo hợp đồng liên chính phủ G2G từ Thái Lan, Việt Nam hay Campuchia. Tuy nhiên, đến nay NFA vẫn chưa chốt thời gian mời thầu.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch CRF cũng tỏ ra lo ngại rằng chi phí sản xuất và vận chuyển cao sẽ khiến các nhà xuất khẩu gạo Campuchia gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các nước láng giềng. CRF đang nỗ lực cắt giảm chi phí vận chuyển, hiện đang cao hơn 60 USD/tấn so với Việt Nam và Thái Lan. Bên cạnh đó, ngành lúa gạo Campuchia vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của chính phủ trong việc tham gia các phiên thầu quốc tế.
Năm 2015, Việt Nam đã thắng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo cho Philippines trong khi Thái Lan cung cấp 300.000 tấn. Cả 2 nước đều bán gạo với giá 426,6 USD/tấn, thấp hơn đôi chút so với giá tham chiếu 426,83 USD/tấn mà Philippines đưa ra.
Nhật Trường
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)