Giá đậu tương thế giới hàng ngày
Khủng hoảng giá nông sản tại châu Âu: Do đâu?
- Cập nhật : 09/09/2015
(Tin kinh te)
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao những quốc gia có nền nông nghiệp áp dụng những KHCN tiên tiến nhất như Pháp, Bỉ lại rơi vào cuộc khủng hoảng nông nghiệp?
Giới chuyên gia nhận định, rất có thể cuộc khủng hoảng nông nghiệp sẽ được lan rộng ra trên toàn châu Âu. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, không chỉ xuất phát từ một hai yếu tố mà là sự cộng dồn của tất cả các yếu tố khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân 1: Bãi bỏ hạn ngạch và các bảo trợ về giá
Nguyên nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng giá nông sản được cho là có liên quan đến Chính sách Nông nghiệp chung châu Âu. Trên thực tế, chính sách này không phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không công bằng cho nền nông nghiệp ở những nước nghèo. Đặc biệt, các khoản hỗ trợ cho nông dân là quá tốn kém khi nuốt chửng gần một nửa ngân sách của Liên minh châu Âu. Từ thực tế đó, EU phải quyết định bãi bỏ hạn ngạch cùng các quy định về đảm bảo giá và thay thế chúng bằng hỗ trợ thu nhập.
Quyết định này khiến các nhà sản xuất nông sản lớn ở châu Âu như Hà Lan, Đức hay Đan Mạch phải đẩy mạnh sản xuất để có lợi nhuận. Nông dân Pháp, Bỉ cũng như một số nước Tây Âu bỗng chốc phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, trở nên dễ bị tổn thương trước các va đập của thị trường.
Nguyên nhân 2: Những bất cập trong chính sách nông nghiệp
Nguyên nhân tiếp theo được cho là từ những chính sách nông nghiệp có nhiều bất cập của một số nước thành viên. Pháp là một ví dụ điển hình. Chi phí lao động ở đây cao hơn so với các nước láng giềng, bởi quy mô chăn nuôi nhỏ. Quy mô sản xuất chính là lý do giải thích vì sao thu nhập bình quân của nông dân pháp chỉ tăng 6% trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2014 trong khi con số này là 34% tại các nước EU.
Một bất cập khác cũng được nông dân Pháp chỉ ra đó là việc hệ thống siêu thị, các nhà phân phối và ngành công nghiệp chế biến bắt tay nhau hạ giá nông sản. Theo cơ quan thống kê giá cả và lợi nhuận của Pháp, trong năm 2014, các nhà sản xuất thịt bò và thịt lợn của Pháp đã bị ảnh hưởng việc giá thu mua sụt giảm từ 6% đến 8%, trong khi giá bán lẻ các sản phẩm đó trên thị trường lại tăng ít nhất 1%.
Nguyên nhân 3: Hệ quả lệnh cấm vận của Nga đối với nông sản từ EU
Ngoài những lý do chủ quan, còn một yếu tố khách quan được cho là nguyên nhân chính dẫn tới việc giá nông sản toàn châu Âu bị suy giảm: là do châu Âu đang chịu hậu quả của lệnh cấm vận mà Nga áp dụng từ 1 năm qua liên quan đến thực phẩm có nguồn gốc từ EU. Do không thể xuất khẩu các sản phẩm sang Nga, thị trường nông sản châu Âu đứng trước bài toán cung vượt cầu.
Nguyên nhân 4: Xuất khẩu của thị trường nông sản thế giới ngưng trệ
Ngoài thị trường Nga, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng thời gian qua hoạt động xuất khẩu trên thị trường nông sản thế giới cũng bị ngừng đột ngột, trong khi thị trường sữa đã phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt là nhu cầu về sữa bột tại thị trường Trung Quốc đột nhiên giảm xuống một nửa do kinh tế suy giảm.
Điều này khiến các nhà sản xuất nông nghiệp lớn như Đức, Hà Lan hay Phần Lan buộc phải tung các sản phẩm tiêu thụ ngay tại chính thị trường EU, dẫn đến giá nhiều mặt hàng nông phẩm đã thấp nay càng thấp thêm. Và tất nhiên, những nền nông nghiệp nhỏ hơn như Pháp, Bỉ sẽ bị thiệt thòi trong cuộc cạnh tranh giá cả.