Giá thị trường cao su Tocom và thế giới hàng ngày
Giá hàng hóa nguyên liệu: Người đoán lên, kẻ nói xuống!
- Cập nhật : 16/05/2016
(Tin kinh te)
Từ gần hai tháng nay, giới kinh doanh hàng hóa nguyên liệu thở phào vì giá trên nhiều sàn kỳ hạn có dấu hiệu phục hồi. Phải chăng giai đoạn khốn khó của thị trường hàng hóa đã qua, hay chỉ là một đợt điều chỉnh thoáng qua của các nguồn vốn trên thị trường tài chính.
Ai thấy lên, ai nghĩ xuống?
Trong thời gian ngắn, giá dầu thô từ 35 đô la Mỹ/thùng có lúc nhảy lên trên 45 đô la/thùng, giá kim loại vàng mới đây vượt ngưỡng tâm lý 1.300 đô la Mỹ/ounce, ngay như giá cà phê vối robusta, loại cà phê được Việt Nam cung cấp nhiều nhất trên thị trường thế giới, cũng từ dưới 1.400 đô la nay ngấp nghé 1.650 đô la/tấn...
Ai cho rằng đợt tăng giá vừa rồi trên các sàn kỳ hạn hàng hóa chỉ là bước khởi đầu cho một đợt hồi phục lâu dài theo chu kỳ tăng giá, thì niềm tin ấy hoàn toàn phù hợp với cách nhìn lạc quan của Citigroup.
Trong quá khứ, Citigroup đã từng đoán “trúng phóc” khi vào năm 2012, họ cho rằng một chu kỳ tiêu thụ hàng hóa đã “mãn nhiệm” và đến lúc giá hàng hóa phải thời đi xuống. Còn bây giờ Citigroup lại lý luận rằng giá trị đồng đô la Mỹ giảm cộng hưởng với tình hình kinh tế Trung Quốc đang lại mạch ổn định, đồng nghĩa với giá kỳ hạn hàng hóa đã chạm đáy.
Giá hàng hóa nguyên liệu đang chực tăng sau năm năm liên tiếp giảm do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc giảm và thị trường thế giới tràn ngập hàng hóa, nào là kim loại, ngũ cốc và nhiên liệu.
Ngược lại, Goldman Sachs thấy đợt tăng giá lần này chưa phải là bền vững nhìn từ góc độ cung-cầu và lo lắng rằng chỉ nay mai đây thôi, quyết định tăng lãi suất căn bản đồng đô la Mỹ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ lại làm rung rinh các sàn kỳ hạn hàng hóa. Một khi có tin đồng đô la Mỹ tăng lãi suất, giá hàng hóa lại lục tục đi xuống cho mà xem.
Còn người đầu tư, các quỹ đầu tư tài chính thì hết sức lạc quan với giá thị trường hàng hóa và họ đã đặt cược vào các sàn hàng hóa với một lượng vốn lớn nhất tính từ năm 2014 đến nay.
Căn nguyên của giá tăng đợt này
“Thị trường hàng hóa nguyên liệu đã xuống đáy, chớ có cái nhìn đơn giản như vậy”, bà Fiona Boal, Giám đốc nghiên cứu tại Quỹ Tài sản Fulcrum ở London, quản lý một nguồn quỹ chừng 4 tỉ đô la Mỹ, nói. “Có thể diễn giải rằng sau một thời gian giá tăng, người sản xuất đẩy mạnh khai thác và cung ứng, làm cung thừa và giá xuống thấp, thì bây giờ phải cắt hãm khai thác hầm mỏ, dầu thô kể cả phải giảm diện tích trồng trọt”. Ngọn nguồn giá tăng đợt này ở chỗ ấy.
Chỉ số hàng hóa thương phẩm Bloomberg (Bloomberg Commodity Index - BCI), thước đo lợi suất của 22 sàn hàng hóa nguyên liệu cho thấy đã tăng đến 17% từ mức đóng cửa thấp kỷ lục vào ngày 20-1. Theo cách hiểu chung, nếu chỉ số này tăng được 20% thì quy ước gọi đấy là thị trường giá tăng (bull market). Đậu nành, kim loại vàng, bạc, dầu thô và cà phê đều đã qua ngưỡng ấy trong mấy tháng gần đây. Trong tháng 4-2016, chỉ số này cũng tăng thêm 8,5%, là mức tăng nhiều nhất tính từ năm 2010 đến nay.
Các nhà đầu tư đã trút 18,3 tỉ đô la Mỹ vào các quỹ kinh doanh hàng hóa toàn cầu nhờ giá nguyên liệu vững trong năm 2016, dữ liệu tổng hợp của Bloomberg chứng minh điều ấy. Tài sản được đưa vào đầu tư cho các quỹ bảo vệ hàng hóa, quỹ kinh doanh hàng hóa và một số chỉ số khác đã báo lượng vốn giao dịch tăng lên 315 tỉ đô la Mỹ, là mức cao nhất tính từ tháng 5-2015, theo báo cáo tháng 4-2016 của Bloomberg.
Thật vậy, chỉ riêng trong lĩnh vực khai thác dầu thô, khi giá dầu chạm mức thấp nhất tính từ năm 2003 đến nay, lượng giếng dầu thô còn hoạt động tại Mỹ đến hết tháng 4-2016 chỉ còn 332, là số thấp nhất tính từ tháng 11-2009 đến nay. Giá dầu thô rớt từ khoảng 108 đô la Mỹ/thùng vào năm 2014 xuống còn 26 đô la/thùng vào tháng 2-2016.
Nguồn cung ứng kim loại đồng co lại. Tồn kho tại cả London, Thượng Hải và New York đã giảm 15% so với con số của tháng 3-2016.
Về phía nông sản, mưa lụt tại Argentina và Uruguay làm giảm sản lượng đậu nành tại các nước Nam Mỹ. Các dự đoán sản lượng đậu nành toàn cầu mới đây giảm mất 6,6 triệu tấn so với dự đoán tháng trước. Hạn hán tại Brazil đe dọa sản lượng bắp, đường ăn, cà phê cũng có khả năng giảm do khô hạn tại Việt Nam, Indonesia, Ấn độ và Thái Lan.
Giá tăng lâu bền? Còn tùy cách nhìn...
Tuy nhiên, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs lại bóng gió cho rằng giá hàng hóa vẫn chưa chắc tăng do quyết định tăng lãi suất đồng đô la Mỹ của FED vẫn còn treo “3 cục” lủng lẳng trên các sàn hàng hóa, vốn rất nhạy cảm với chính sách tiền tệ Mỹ. Goldman Sachs nghĩ giá tăng lần này chỉ là một đợt hiệu chỉnh, mang tính ngắn hạn chứ vấn nạn thừa hàng hóa đến nay vẫn còn, đặc biệt dầu thô và thép. Goldman Sachs còn đoán giá dầu thô WTI trong ba tháng tới sẽ xuống còn quanh 40 đô la/thùng, trước khi lên lại mức 60 đô la/thùng trong 12 tháng tới.
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley vẫn có cái nhìn tiêu cực trên giá nhiên liệu. Mới đây họ nói rằng bức tranh “kinh tế vĩ mô làng nhàng thế này dễ kích một đợt bán tháo” và có thể làm giá dầu rớt đậm. Xuất khẩu dầu thô của Iraq lên cận mức cao kỷ lục trong tháng 4-2016, còn số liệu tồn kho dầu thô tại Mỹ ở mức cao nhất tính từ năm 1929.
Tuy nhiên, các nước xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu thích cách nhìn theo hướng giá tăng của Citigroup hơn. Ngay thời điểm hiện nay, “luồng vốn đầu tư quay lại với các sàn hàng hóa nhanh hơn người ta tưởng”, David Wilson, nhà phân tích của Citigroup tại London, cho biết. Khi các quỹ đầu tư đặt cược nhiều vào các sàn kỳ hạn, giá đương nhiên tăng.
Đã có nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa tính chuyện trữ hàng như cà phê, ngũ cốc, kim loại vàng bạc, sắt thép... Nhưng dù có tăng, giá kỳ hạn hàng hóa vẫn rất thất thường và đầy rủi ro vì yếu tố đầu cơ nhỏ lẻ từ Trung Quốc đang ảnh hưởng mạnh trên thị trường. Yếu tố đầu cơ từ các nhà đầu cơ nhỏ sẽ làm giá hàng hóa dễ mất phương hướng và chỉ làm lợi cho các tay đầu cơ cá mập!
Theo Nguyễn Quang Bình - TBKTSG