tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giá gạo Thái Lan cao nhất 20 tháng, gạo Việt Nam giảm

  • Cập nhật : 12/06/2016
gia gao thai lan cao nhat 20 thang, gao viet nam giam

Giá gạo Thái Lan cao nhất 20 tháng, gạo Việt Nam giảm

Gạo 5% tấm của Thái Lan nới rộng biên độ giá lên 418 – 437 USD/tấn; Giá gạo Việt Nam giảm do nhu cầu yếu; Philippines cho biết không cần nhập khẩu gạo khẩn cấp; Mưa đến với khu vực miền nam Ấn Độ.
Thị trường gạo châu Á tuần này giao dịch chậm, trong bối cảnh giá gạo Thái Lan tăng lên mức cao nhất 20 tháng do nguồn cung trong nước thấp, còn gạo Việt Nam giảm giá bởi thiếu vắng hợp đồng xuất khẩu mới.
Các thương gia cho biết họ đang theo dõi sát diễn biến giá tại Thái Lan – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Ấn Độ. Thái Lan sẽ mở bán đấu giá 2,24 triệu tấn gạo vào ngày 15/6 tới.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá nới rộng ra khoảng 418 – 437 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 420 USD/tấn một tuần trước đây.
Mức giá 437 USD/tấn là cao nhất kể từ tháng 10/2014, theo số liệu của Reuters.
Tồn trữ trong kho của các nhà xuất khẩu còn ít và sản lượng vụ thứ 2 thấp là những yếu tố chính đẩy giá gạo Thái tăng lên, mặc dù nhu cầu từ phía các nhà nhập khẩu không nhiều.
“Thị trường đang thiếu cung, và rất khó khăn để nguồn cung gia tăng trong thời gian tới”, một thương gia Thái Lan cho biết.
Reuters dẫn lời một thương gia khác cho biết giá đã bắt đầu giảm bởi việc giá tăng mạnh gần đây khiến khách hàng tránh xa nguồn cung này.
Tại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, giá giảm do nhu cầu mua yếu và một lý do nữa là các nhà xuất khẩu hiện đã có thể tiếp cận với các khoản tiền vay lãi suất thấp.
Gạo 5% tấm của Thái Lan – sử dụng lúa Đông Xuân – đã giảm xuống 375 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, từ mức 375 – 380 USD/tấn một tuần trước đây, trong khi gạo 5% tấm làm từ lúa Hè Thu – chất lượng kém hơn – giá giảm xuống 365 USD/tấn, từ mức 365 – 370 USD/tấn một tuần trước đây.
“Chất lượng gạo không cao, màu gạo không trắng sáng bởi mưa lớn làm đổ cây lúa khi đã chín”, một nhà xuất khẩu cho biết.
Mưa đã tới khu vực ĐBSCL từ tháng trước, làm giảm bớt tình trạng nhiễm mặn.
Xuất khẩu gạo yếu và giảm lo về thời tiết cũng khiến giá gạo trong nước giảm trở lại. Vietnamplus dẫn tin từ một số thương lái thu mua lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết giá lúa IR50404 tươi tại ruộng đã giảm từ khoảng 4.600-4.700 đồng/kg lúc đầu vụ thu hoạch lúa Hè Thu năm nay hiện xuống khoảng 3.900 đồng/kg. Giá lúa hạt dài OM5451 cũng giảm từ 5.100 đồng/kg trong đầu vụ xuống còn 4.200-4.300 đồng/kg
Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng được cho vay USD vì mục đích xuất khẩu, với lãi suất thấp hơn so với lãi suất vay tiền đồng, áp dụng từ ngày 1/6.
Nhưng những khách hàng chủ chốt mua gạo Việt Nam, trong đó có Trung Quốc và Philippines, vẫn chưa quay lại mua gạo. Một số thương gia nhận định việc Trung Quốc bắt đầu bán đấu giá gạo dự trữ từ 27/5 cho thấy nhu cầu nhập khẩu của nước này có thể sẽ giảm sút.
Philippines cũng chưa nhập khẩu gạo ngay lúc này với lý do nguồn cung trong nước dồi dào, theo thông tin từ Bộ trưởng Nông nghiệp Emmanuel Pinol.

Tại Ấn Độ, mùa mưa đã đến ở khu vực phía nam, làm giảm lo ngại rằng khô hạn sẽ ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây lúa.

Một số thông tin liên quan

Sản lượng gạo toàn cầu vẫn giảm do tác động của hiện tượng El Nino
Báo cáo của Hệ thống thông tin thị trường nông nghiệp (AMIS) thuộc Liên hợp quốc cho biết, giá gạo trên thị trường toàn cầu vẫn đang tăng vì hạn hán kéo dài do hiện tượng El Nino gây ra tác động tiêu cực đến sản lượng lúa gạo trong năm nay.
Báo cáo trên dự báo sản lượng lúa gạo năm nay tiếp tục giảm khoảng 1 triệu tấn xuống còn 494 triệu tấn. Trong đó, AMIS dự báo sản lượng gạo thương mại năm nay sẽ tăng 100.000 tấn, lên tới hơn 44 triệu tấn. Tuy nhiên, con số dự báo này vẫn thấp hơn so với mức gần 45 triệu tấn được giao dịch trong năm ngoái.
Theo AMIS, các điều kiện tổng thể cho mùa vụ mới ở khu vực Đông Nam Á là khá thuận lợi. Ở Philippines, người nông dân đã bắt đầu gieo vụ mùa mưa - vụ mùa thường chiếm khoảng 3/5 sản lượng hàng năm.
Báo cáo của AMIS cho biết việc chuẩn bị gieo cấy mùa vụ mới đang được tiến hành ở Thái Lan, Philippines và Mỹ trong điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của El Nino trong cả mùa nên kết quả thu hoạch vụ mùa khô ở Thái Lan dự báo sẽ không cao.

Philippines chưa vội nhập khẩu gạo trong những tháng tới
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Emmanuel Pinol cho biết, tại thời điểm hiện tại nước này chưa cần gấp rút nhập khẩu gạo, ít nhất trong khoảng ba tháng tới.
Trước đó, trong ba tháng đầu năm nay, Philippines – vốn được biết đến là một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới – đã mua 500.000 tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan.

Kim ngạch xuất khẩu gạo của Campuchia giảm
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Nông nghiệp Campuchia, kim ngạch xuất khẩu gạo của nước này trong 5 tháng đầu năm nay đạt 234.328 tấn, giảm 3,7% so cùng kỳ năm ngoái.
Tổng cục liệt kê chi tiết tỷ lệ giảm trong tháng 3 là 14,5%, tháng tư là 30,8% và tháng 5 là 28,5%.
Tháng ba vừa qua, Chủ tịch CRF Sok Puthyvuth đã nêu lên hai thách thức chính của ngành lúa gạo Campuchia hiện nay. Đó là sự cạnh tranh từ gạo nhập khẩu và khả năng tài chính của các cơ sở xay xát gạo.

Xuất khẩu gạo Campuchia sang thị trường EU bị đe doạ

Hiện tại, gạo Campuchia xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) được miễn thuế và miễn hạn ngạch. Tuy nhiên, việc xuất khẩu của nước này có thể sẽ bị đe dọa nếu EU đồng ý với yêu cầu của Italy - hạn chế nhập khẩu gạo từ các nước kém phát triển (LDCs). Ý vốn là nước sản xuất gạo cao cấp hàng đầu của châu Âu và lượng gạo Italy xuất khẩu sang thị trường EU đang ngày càng gia tăng. Hiện Italy đang thúc đẩy EU cắt giảm nhập khẩu gạo từ các nước LDC châu Á nhằm bảo vệ thị trường gạo nội địa của Italy – thị trường vốn có vẻ ngày càng phát triển hơn.

Sẽ có thêm nhiều hãng bán buôn gạo Nhật Bản bắt đầu xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc trong năm nay để bù đắp việc nhu cầu trong nước sụt giảm.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện chỉ cho phép Liên đoàn Hiệp hội các Hợp tác xã Nông nghiệp Quốc gia – hiệp hội nông dân toàn quốc Nhật Bản, gọi là Zen-Noh, xuất khẩu gạo sang thị trường này.
5 công ty bán buôn gạo Nhật Bản sẽ bắt đầu xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, sớm nhất là trong mùa hè này. 5 công ty -- Kitoku Shinryo, Hokuren, Shinmei Holding, Senda Mizuho và Syokuren Hokkaido – đang tận dụng cơ hội nhu cầu tiêu thụ gạo ngon ở Trung Quốc gia tăng.
Các chuyến gạo đầu tiên sẽ cập cảng Đại Liên. Kitoku Shinryo có kế hoạch xuất 4 tấn gạo Yumepirika – một loại gạo sản xuát ở đảo Hokkaido phía bắc Nhật Bản, còn Syokuren Hokkaido có kế hoạch xuất khoảng 15 tấn gạo. Một lãnh đạo của Syokuren Hokkaido cho biết: “Chúng tôi đang thương lượng về các chi tiết hợp đồng với khách hàng của chúng tôi (ở Trung Quốc.”

Theo Bộ Nông nghiệp của Nhật Bản, vì lý do kiểm dịch Trung Quốc hiện chỉ chấp nhận gạo sản xuất từ một nhà máy ở Kanagawa Prefecture, phía nam Tokyo – chi nhánh của Zen-Noh.


Nguồn: VITIC/Reuters/Vinanet

Trở về

Bài cùng chuyên mục