Giá cà phê các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng lên 30,9-31,6 triệu đồng/tấn. Giá Robusta sàn ICE Futures Europe London và giá Arabica sàn New York đồng loạt tăng.
Giá cả thị trường hàng hóa thế giới 09-03-2016
- Cập nhật : 09/03/2016
Giá vàng rơi khỏi đỉnh 13 tháng do chốt lời
Giá vàng phiên 8/3 giảm do giới đầu tư chốt lời khi mức tăng gần đây dường như mất đà trước thềm phiên họp chính sách Fed.
Đầu phiên, giá vàng tăng và thậm chí tiến sát ngưỡng cao nhất 13 tháng ở 1.279,6 USD/ounce do USD và chứng khoán toàn cầu suy yếu sau khi số liệu thương mại của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu toàn cầu.
Lúc 15h10 giờ New York (3h10 sáng ngày 9/3 giờ Việt Nam) giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.262,46 USD/ounce, trước đó giá chạm 1.277,81 USD/ounce.
Giá vàng giao tháng 4/2016 trên sàn Comex giảm 1,1 USD, tương ứng 0,1% xuống 1.262,9 USD/ounce.
Fed sẽ nhóm họp vào ngày 15-16/3 tới đây khi giới đầu tư mong chờ sẽ có thêm manh mối về động thái tiếp theo về chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Mỹ.
Một số nhà phân tích cho rằng giá vàng có thể thử thách ngưỡng 1.300 USD/ounce nếu Fed vẫn giữ nguyên lãi suất. Từ đầu năm đến nay giá vàng đã tăng 19%.
Tuy nhiên, Goldman Sachs vẫn giữ nguyên dự đoán rằng giá vàng trong ngắn hạn sẽ chỉ đạt 1.100 USD/ounce.
Thị trường hiện đang tập trung vào việc đánh giá lại chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trong phiên họp chính sách vào thứ Năm 10/3. ECB được dự đoán sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng giới đầu tư không rõ mức độ nới lỏng đến đâu.
Giá vàng thời gian gần đây cũng được hỗ trợ khi lượng vàng nắm giữ của Quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR tuy hôm thứ Sáu 4/3 giảm nhẹ song vẫn đứng ở mức gần cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,5% xuống 15,41 USD/ounce, giá bạch kim giảm 2% xuống 979 USD/ounce và giá palladium giảm 2,8% xuống 558,5 USD/ounce.
Giá dầu quay đầu giảm do lo ngại thừa cung toàn cầu
Giá dầu phiên 8/3 giảm khi có dấu hiệu mới về tình trạng thừa cung, nhu cầu ảm đạm và theo giới phân tích, đà tăng vừa qua không bền vững.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 4/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,4 USD, tương ứng 3,7%, xuống 36,50 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 5/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 1,19 USD, tương đương 2,9%, xuống 39,65 USD/thùng.
Tuy vậy, giá dầu vẫn tăng hơn 40% kể từ ngưỡng thấp nhất nhiều năm qua - quanh mức 20 USD/thùng - ghi nhận trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua.
Giới đầu tư vẫn cho rằng tình trạng thừa cung toàn cầu vẫn ở mức cao và những yếu tố cơ bản cung-cầu vẫn chưa bắt đầu hồi phục. Thị trường cũng chịu tác động tiêu cực sau hàng loạt tin tức hôm thứ Ba 8/3, củng cố quan điểm rằng sự hồi phục của giá dầu vẫn còn rất xa.
Giá dầu giảm ngay đầu phiên khi giới đầu tư đón nhận số liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm và nhu cầu dầu thô của nước này suy yếu. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới và là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu. Kinh tế nước này giảm tốc có thể khiến giá dầu mất đà hồi phục.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Kuwait phát tín hiệu rằng sẽ không đóng băng sản lượng trừ khi Iran đồng ý hành động tương tự và báo cáo mới của Goldman Sachs cho rằng đà tăng của giá dầu không bền vững. Bộ Năng lượng Mỹ cũng cho biết, sản lượng dầu thô của nước này vẫn tăng mạnh hơn dự đoán và hạ dự báo giá dầu bình quân trong năm nay và năm tới, trong khi giới phân tích dự đoán lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua vẫn tiếp tục tăng.
Những tuần gần đây, giá dầu tăng khi giới đầu tư tin tưởng hơn rằng thị trường đã chạm đáy vò cuối tháng 2/2016 ở sát mức 27 USD/thùng. Người lạc quan tin rằng giá dầu thấp rốt cuộc sẽ buộc các nhà sản xuất dầu thô của Mỹ giảm sản lượng, giảm nguồn cung trên thị trường. Sản lượng dầu thô của Mỹ tuy có giảm song vẫn trên 9 triệu thùng/ngày.
Trong báo cáo ra hôm thứ Ba 8/3, Goldman Sachs cho rằng ngưỡng giá 40 USD/thùng là không bền vững và giá dầu cần ở mức thấp trong thời gian dài hơn trước khi thị trường bắt đầu tái cân bằng hoàn toàn vào nửa cuối năm nay.
Trong khi đó, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) hôm thứ Ba 8/3 công bố số liệu cho thấy, lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần qua tăng 4,4 triệu thùng, trong khi đó, nguồn cung xăng lại giảm 2,1 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 128.000 thùng.
Giá hàng hóa cơ bản đảo chiều, giới đầu cơ bán khống khốn đốn
Giá quặng sắt phục hồi, giá đồng tái lập mốc 5.000 USD/oz, trong khi giá dầu cao nhất trong 2 tháng...
Từ bán không dầu thô, tới quặng sắt hay cổ phiếu của những tập đoàn khai mỏ như Glencore và Vale, các nhà đầu cơ giá xuống đang “điêu đứng” ở thời điểm hiện tại - hãng tin Bloomberg cho biết.
Quặng sắt là loại hàng hóa cơ bản mới nhất có sự phục hồi giá ấn tượng. Trong phiên giao dịch ngày 7/3, giá quặng sắt tăng gần 20%, mạnh chưa từng có trong lịch sử, sau khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phát tín hiệu sẵn sàng có biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá đồng thế giới tái lập mốc 5.000 USD/oz, trong khi giá dầu đạt mức cao nhất trong 2 tháng.
Giá vàng đang ở mức cao nhất trong hơn một năm. Giá platinum cũng vượt mốc 1.000 USD/oz sau khi tăng 2,2% trong phiên ngày 7/3.
“Đây là sự phục hồi giá rất ấn tượng, một phần có thể do hoạt động bán khống mạnh đã diễn ra thời gian qua”, ông Marc Elliott, nhà phân tích thuộc công ty Investec Plc. nhận định.
“Mọi người ai cũng ngạc nhiên bởi mức độ và sự nhanh chóng của đợt phục hồi này. Tâm lý của thị trường đã thay đổi, nhưng vẫn cần thời gian để xem đây có phải là sự phục hồi thực sự dựa trên những yếu tố nền tảng hay không”, ông Elliott nói.
Nếu như sự phục hồi của giá hàng hóa cơ bản đang diễn ra nhanh chóng, thì diễn biến giá cổ phiếu của các công ty khai mỏ còn “kinh hoàng” hơn. Cổ phiếu của Anglo American PlC đã tăng gấp đôi trong năm nay, và tính đến hôm qua đã có 8 phiên tăng liên tục.
Giá cổ phiếu một hãng khai mỏ khác là Glencore đã tăng 89%. Cổ phiếu Freeport-McMoRan tăng 46%.
Các nhà đầu cơ giá xuống cũng “chết dở” với cổ phiếu các công ty khai mỏ vàng. Nhờ cú tăng giá hơn 20% từ đầu năm đến nay của giá vàng, cổ phiếu Sibanye Gold đã tăng 140%, cổ phiếu AngloGold Ashanti tăng 98%.
Phiên giao dịch ngày 7/3 chứng kiến sự “tỏa sáng” trở lại của cổ phiếu các nhà khai mỏ quặng sắt. Cổ phiếu Fortescue Metals Group tăng 24% chỉ trong một phiên giao dịch. Cổ phiếu Vale đã tăng 6 phiên liên tục, với tổng mức tăng 58%.
Tuy vậy, những nhà phân tích có quan điểm thận trọng vẫn cho rằng còn quá sớm để kết luận giá hàng hóa cơ bản, cũng như cổ phiếu ngành khai mỏ và năng lượng đã bước vào một thời kỳ phục hồi bền vững. Các ngành này vẫn đang trong tình trạng dư thừa nguồn cung cần phải giảm bớt.
Giá dầu lần đầu vượt hơn 40 USD/thùng trong năm nay
Giá quặng sắt tăng phi mã
Thị trường “điên loạn”
Hãng tin Bloomberg cho biết theo dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin thép và kim loại Metal Bulletin (Anh), trong phiên giao dịch ngày 7-3, giá quặng có hàm lượng sắt 62% giao đến cảng Thanh Đảo, Trung Quốc đã tăng phi mã 19% lên mức 63,74 đô la Mỹ/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 6-2015. Mức 19% cũng là mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ khi Metal Bulletin thiết lập chỉ số quặng sắt vào giữa năm 2008.
Giá quặng sắt giao sau ở thị trường Singapore cũng tăng 21% lên mức 61 đô la Mỹ/tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt giao sau tại sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) tăng hết biên độ lên mức 426 nhân dân tệ (62,5 đô la Mỹ)/tấn. Tại Thượng Hải, giá thép xây dựng cũng tăng hết biên độ 5% lên mức 2.073 nhân dân tệ (318,3 đô la Mỹ) /tấn, mức cao nhất kể từ ngày 17-8 năm ngoái.
Giá quặng sắt bật tăng mạnh sau khi cuối tuần trước Thủ tướng Lý Khắc Cường thông báo tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc rằng Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7% cho năm nay, cao hơn mức dự đoán của nhiều nhà chuyên gia kinh tế.
Giá quặng sắt đã tăng 46% trong năm nay và tăng 70% kể từ khi chạm mức thấp kỷ lục vào tháng 12 năm ngoái.
Nhà phân tích Zhao Chaoyue ở Công ty dịch vụ tài chính China Merchants Futures Co. ở Thâm Quyến nói: “Thị trường quặng sắt và thép đang trở nên điên loạn xuất phát từ các yếu tố cơ bản và tâm lý hưng phấn. Giới đầu tư đang kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng tiền tệ thêm nữa và điều này sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu thép”.
Công nhân làm việc ở một lò luyện kim tại một nhà máy của Tập đoàn Thép Dongbei ở Đại Liên, Trung Quốc. Ảnh: China Daily
Nhờ thị trường bất động sản phục hồi?
Bloomberg cho biết có những suy đoán cho rằng chuyển biến tích cực trên thị trường bất động sản Trung Quốc có thể hỗ trợ nhu cầu thép và quặng sắt.
Theo Công ty nghiên cứu đầu tư Sanford C. Bernstein. & Co. (Mỹ), giá bất động sản tăng ở nhiều thành phố của Trung Quốc sẽ dẫn đến nhu cầu xây dựng tăng cao và kéo theo nhu cầu thép. Michael Zhu, Chủ tịch Công ty Millennia Resources Ltd ở Hồng Kông nhận định: “Cơn bùng nổ giá gần đây trên thị trường bất động sản ở Trung Quốc đã tác động tích cực đến giá thép. Thị trường tin rằng nhu cầu thép sẽ tăng khi thị trường bất động sản phục hồi”.
Tuy nhiên, Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng đà tăng giá của quặng sắt sẽ không kéo dài lâu vì nhu cầu thép của Trung Quốc không có sự cải thiện đáng kể. Nhà phân tích Xu Huimin ở Công ty môi giới hàng hóa giao sau Huatai Great Wall Futures Co. ở Thượng Hải nói: “Có thể nhiều nhà đầu tư đã đóng trạng thái bán khống trên thị trường tương lai hôm nay. Cơn tăng giá điên rồ này gây ngạc nhiên cho các nhà máy thép vì họ không nhận thấy đơn đặt hàng tăng lên trong thực tế”.
Các chuyên gia cũng đặt ra nhiều giả thiết khác cho đợt tăng giá mạnh mẽ này và một trong những giả thiết đơn giản nhất là các công ty thép Trung Quốc đang mua mạnh quặng sắt để tăng cường sản xuất trước khi chính phủ Trung Quốc chính thức áp đặt các biện pháp cắt giảm năng suất dư thừa.