FAO dự đoán sản lượng gạo toàn cầu 2015-2016 đạt 491,4 triệu tấn. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ 2015-2016 dự đoán giảm 33% xuống 8 triệu tấn.
Giá cả thị trường hàng hóa thế giới 04-03-2016
- Cập nhật : 04/03/2016
Giá vàng lên cao nhất gần 13 tháng, sát 1.260 USD/ounce
Giá vàng phiên 3/3 tăng lên 1.260 USD/ounce khi USD có mức giảm trong một ngày lớn nhất một tháng qua khi giới đầu tư lo ngại về số liệu việc làm.
Lúc 14h14 giờ New York (2h14 sáng ngày 4/3 giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 1,4% lên 1.257,81 USD/ounce, trước đó, giá chạm 1.259,41 USD/ounce, thấp hơn 1 USD so mức cao nhất 1 năm ghi nhận trong tháng 2.
Giá vàng giao tháng 4/2016 trên sàn Comex tăng 16,4 USD, tương ứng 1,3%, lên 1.258,2 USD/ounce, cao nhất kể từ 25/2/2015.
Số liệu công bố hôm thứ Năm 3/3 dường như ủng hộ quan điểm cho rằng Fed sẽ giảm tốc độ nâng lãi suất trong năm nay khi cho thấy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần cuối cùng của tháng 2/2016 tăng 6.000 đơn lên 270.00 đơn, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 2/2016 tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với tháng 1.
Bên cạnh đó, số đơn hàng mới của Mỹ trong tháng 1/2016 hồi phục thấp hơn dự đoán mặc dù đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2015.
Thị trường đang chờ báo cáo việc làm phi nông nghiệp để có thêm manh mối về chính sách tiền tệ. Các nhà kinh tế học trong khảo sát Reuters dự đoán tháng 2/2016 nước Mỹ tạo thêm được 190.000 việc làm mới.
Hôm thứ Năm 3/3, Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan đã kêu gọi Ngân hàng trung ương Mỹ kiên nhẫn trong việc nâng lãi suất, nhất là trong bối cảnh tác động tiêu cực của những điều kiện tài chính thắt chặt đối với nền kinh tế Mỹ.
Cổ phiếu trên các sàn chứng khoán lớn toàn cầu chạm mức cao nhất 2 tháng do lo ngại về tăng trưởng kinh tế thế giới được lắng dịu. Trong khi đó, USD giảm 0,7% so với các đồng tiền chủ chốt trong giỏ tiền tệ, ghi nhận mức giảm trong một ngày lớn nhất trong một tháng qua.
Lượng vàng nắm giữ của Quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,4% lên 15,13 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1,5% lên 945,50 USD/ounce và giá palladium tăng 4,2% lên 536,75 USD/ounce.
Giá dầu Mỹ mất đà tăng do lượng dầu lưu kho lên cao
Giá dầu Mỹ phiên 3/3 giảm, chấm dứt đà tăng 3 phiên liên tiếp, khi thị trường lo ngại về lượng dầu lưu kho của Mỹ liên tục đạt kỷ lục.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 4/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 9 cent, tương ứng 0,3%, xuống 34,57 USD/thùng. Trong 3 phiên đầu tuần này, giá dầu WTI tăng 5,7%.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 5/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 14 cent, tương đương 0,4%, lên 37,07 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng hơn 30% sau khi bắt đáy hồi giữa tháng 2/2016 nhưng vẫn thấp hơn gần 70% so với mức đỉnh hồi tháng 6/2014 do tình trạng thừa cung toàn cầu trong bối cảnh sản lượng dầu thô của Mỹ vẫn ở mức cao và các nước sản xuất chủ chốt quyết định giữ nguyên sản lượng thay vì cắt giảm để giữ thị phần.
Sản lượng dầu thô của Mỹ tuần qua ghi nhận đà giảm tuần thứ 6 liên tiếp xuống dưới 9,1 triệu thùng/ngày từ mức đỉnh 9,7 triệu thùng hồi tháng 4/2015. Tuy nhiên, lượng dầu lưu kho của Mỹ lại liên tục tăng, khiến công suất chứa tại các bể chứa nhanh chóng đạt ngưỡng tối đa, nhất là lượng dầu lưu kho tại Cushing, Oklahom, đã đạt gần 90% công suất tối đa.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm thứ Tư 2/3 cho biết, lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 26/2 tăng 10,4 triệu thùng lên 518 triệu thùng. Giới phân tích cho rằng lượng dầu lưu kho của Mỹ sẽ tiếp tục tăng khi các nhà máy lọc dầu chuẩn bị bước vào thời kỳ bảo dưỡng định kỳ.
Những phiên vừa qua, giá dầu được hỗ trợ bởi hy vọng về việc các nước sản xuất chủ chốt cắt giảm sản lượng khi Arab Saudi, Nga, Venezuela và Qatar tháng trước tuyên bố sẽ đóng băng sản lượng ở mức của tháng 1/2016.
Giá đồng đạt mức cao mới của 3 tháng
Giá đồng chạm mức cao nhất kể từ giữa tháng 11 vào ngày 3/3 do nhu cầu đối với tài sản rủi ro vẫn mạnh mẽ, thúc đẩy bởi sự phục hồi trong thị trường chứng khoán và do đó giá hàng hóa được thúc đẩy với hy vọng kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sở giao dịch London tăng 0,3% lên 4.802 USD/tấn, tăng 1,6 % so với phiên trước. Giá đồng trên LME trước đó đạt 4.815 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 16/11.
Giá đồng trên Sở giao dịch Thượng Hải (SHFE) tăng 1,7% lên 37.030 NDT/tấn (5.659 USD/tấn). Giá thiếc trên SHFE tăng gần 4%, giá thiếc trên cùng LME cũng tăng do nguồn cung toàn cầu suy yếu.
Hoạt động kinh tế tiếp tục mở rộng ở hầu hết các bang từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 2, nhưng điều kiện khác biệt đáng kể giữa các vùng và trong một số ngành, Cục Dự trữ liên bang cho biết vào ngày 2/3.
Trung Quốc có kế hoạch đặt ra mục tiêu tăng trưởng cung tiền với giới hạn rộng khoảng 13% trong năm nay, nguồn tin cho biết, tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa chắc chắn trong quá trình tái cơ cấu kinh tế khó khăn này sẽ khiến cho hàng triệu lao động có thể mất việc làm.
Tăng trưởng trong hoạt động dịch vụ của Trung Quốc chậm lại trong tháng 2, một cuộc khảo sát khác vào ngày 3/3 cho thấy, làm tăng thêm rủi ro cho các hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang trông chờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực này để bù đắp kế hoạch cải tổ các công ty nhà nước cồng kềnh.
Công ty khai thác mỏ Samarco và chủ sở hữu BHP Billiton và Vale SA BLT.L VALE5.SA, đạt một thỏa thuận với chính phủ Brazil ngày 2/3 trả khoảng 20 tỷ reais (5,1 tỷ USD) thiệt hại hơn 15 năm cho vụ tràn đập chết người vào tháng 11.
Công ty khai thác sản xuất đồng số 2 của Châu Âu, KGHM KGH.WA của Ba Lan, cho biết vào ngày 2/3 đã tăng nợ xấu trên tổng tài sản nước ngoài vào năm 2015 lên 1,3 tỷ USD, từ mức cao kỷ lục 1 tỷ USD trước đây.
Thông tin thị trường kim loại cơ bản
Giá nhôm và kẽm vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 10 bởi hy vọng về tăng trưởng toàn cầu.
Cùng với các tài sản rủi ro như chứng khoán, kim loại công nghiệp đang thu hút các nhà đầu tư sau những số liệu tích cực như số việc làm trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ tốt hơn dự đoán, Trung Quốc tuần này vừa thông báo giảm mức dự trữ tối thiểu bắt buộc ở các ngân hàng và cải cách mạnh mẽ về mặt cơ cấu giúp giá bất động sản tại thị trường này tăng lên.
Kẽm kỳ hạn 3 tháng tại London tăng 1,7% lên 1.815 USD/tấn, cao nhất kể từ giữa tháng 10, trở thành kim loại tăng giá mạnh nhất trong năm nay, tăng gần 13% do dự báo thiếu hụt nguồn cung bởi một số mỏ lớn bị đóng cửa. Đồng cũng tăng 1,6% trong phiên vừa qua lên 4.790 USD/tấn, cao nhất từ giữa tháng 10, nhôm tăng 1,1% lên 1.589USD/tấn sau khi có lúc đạt 1.595 USD/tấn- cao nhất kể từ 16/10.
Khảo sát Reuters: Giá dầu bình quân năm 2016 đạt 40 USD/thùng
Giá dầu bình quân năm 2016 sẽ đạt 40 USD/thùng do nhu cầu vẫn yếu và thỏa thuận đóng băng sản lượng tác động hạn chế đến tình trạng thừa cung.
Giá dầu - đã giảm 45% trong 12 tháng qua - không thể hồi phục đáng kể so với mức 34 USD/thùng hiện nay cho đến nửa cuối năm nay khi sản lượng của các nước sản xuất dầu thô ngoài OPEC dự đoán sẽ giảm.
Theo kết quả khảo sát 30 nhà kinh tế học và nhà phân tích của Reuters, công bố hôm thứ Hai 29/2, giá dầu Brent bình quân dự đoán sẽ đứng ở 40,10 USD/thùng, giảm 2,4 USD so với dự đoán trong khảo sát tháng trước. Giá dầu Brent - bình quân đạt 54 USD/thùng trong năm 2015 - từ đầu năm đến nay trung bình đạt 32,57 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ bình quân đạt 38,90 USD/thùng, giảm 2,1 USD so với dự báo hồi tháng 1/2016. Từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI trung bình đạt 31,03 USD/thùng.
Đây là tháng thứ 9 liên tiếp các nhà phân tích trong khảo sát Reuters hạ dự báo giá dầu.
Nga, Arab Saudi, Venezuela và Qatar đã nhất trí đưa ra thỏa thuận đóng băng sản lượng ở mức của tháng 1/2016 nếu các nước khác cũng có hành động tương tự trong một nỗ lực giải quyết tình trạng thừa cung toàn cầu và hỗ trợ giá dầu.
Nhưng Iran đang có kế hoạch tăng sản lượng dầu thô sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hồi tháng 1 vừa qua và cho rằng đề xuất nêu trên là “nực cười”.
Iraq cũng cho biết sẽ tăng sản lượng dầu.
Giới phân tích tỏ ra hoài nghi rằng thỏa thuận đóng băng sản lượng sẽ hỗ trợ thị trường và cho rằng, tuy thỏa thuận đóng băng sản lượng là bước hợp tác đầu tiên giữa các thành viên OPEC và Nga trong 15 năm qua, song rõ ràng thỏa thuận này sẽ không mấy tác dụng nếu không có sự tham gia của Iran và Iraq, ít nhất là trong năm 2016 này.
Giá dầu đã giảm 70% kể từ giữa năm 2014 do cung vượt cầu và OPEC quyết định không giảm sản lượng trong phiên họp cuối năm 2014 - khác với những gì Khối này đã làm trong nhiều thập kỷ qua.
Các nhà phân tích trong khảo sát tin rằng cung-cầu chưa thể cân bằng cho đến cuối năm nay, mặc dù khoảng cách được dự đoán sẽ thu hẹp so với năm 2015.
Hans Van Cleef, nhà kinh tế học năng lượng cao cấp tại ABN AMRO, cho biết, thỏa thuận đóng băng sản lượng là tín hiệu cho thấy các nước sản xuất chủ chốt nhận định giá dầu sẽ không xuống thấp hơn mức hiện nay.
Tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu có thể vẫn yếu ớt trong trung hạn do kinh tế Trung Quốc giảm tốc và tiêu thụ tại các nước OPEC suy yếu.