tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Gạo Việt đang bị tẩy chay tại Mỹ?

  • Cập nhật : 14/11/2015

(Kinh te)

Người tiêu dùng thế giới đang mặc định gạo Việt không có thương hiệu và chất lượng kém. Trong khi tại Mỹ, các đối tác nhập khẩu gạo cho biết gạo Việt Nam xuất sang Mỹ đang bị “tẩy chay”.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Đó là thông tin được bà Lê Thị Tú Anh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp GAP - đưa ra khi bàn về chuyện xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam.

Theo bà Tú Anh, chất lượng hạt gạo hiện không đồng đều do phụ thuộc vào việc có quá nhiều giống lúa. Thực tế, hiện nay bà con nông dân trồng nhiều giống lúa trên một diện tích đất, ai muốn trồng gì thì trồng, nên khi thương lái thu mua, sẽ thu gom hết lúa hạt dài vào ghe để đưa đi xuất khẩu.

“Khi ra thị trường thế giới người ta không hỏi tên cụ thể nào của gạo Việt mà hỏi gạo hạt dài. Gạo Việt Nam hiện không có tên gì, và gạo Việt Nam đang bị đánh đồng là gạo hạt dài, là loại gạo chất lượng kém” - Bà Tú Anh nói.

Gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu là gạo giá rẻ. Tuy nhiên, bà Tú Anh cho biết việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất hóa học ngày càng nhiều trong quá trình trồng lúa càng làm cho chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng kém đi, nên không thể cạnh tranh được với Thái Lan.

Cũng theo thông tin được bà Tú Anh chia sẻ, hiện doanh nghiêp này đang xuất gạo sang Mỹ, song đối tác Mỹ nói rằng gạo Việt đang bị tẩy chay tại nước này, nên đã từ chối nhập khẩu gạo của Việt Nam. Nguyên nhân được các nhà nhập khẩu đưa ra, là do người tiêu dùng cho rằng gạo Việt thiếu an toàn do sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, nên họ chỉ ưu tiên và mua gạo Thái vì họ cho rằng gạo Thái Lan là an toàn nhất.

“ Gạo Thái Lan đưa vào siêu thị, vào chợ thì được trả tiền ngay. Nhưng gạo Việt Nam thì cứ gửi đó, bán được thì mới được trả tiền, đó là sự bất công nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận. Vì không chỉ chất lượng của ta không bằng gạo Thái, mà người tiêu dùng không mua gạo Việt Nam vì người ta nghĩ gạo VIệt Nam dở lắm” - Bà Tú Anh nói.

Tuy nhiên, không phải gạo Việt Nam không xây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới theo đánh giá của bà Tú Anh. Dẫn chứng, Công ty Nông nghiệp Gap đã đưa ra thị trường sản phẩm gạo Ngọc Trai có biểu tượng lúa tôm ra thị trường và rất được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

“Tại sao ta không xây dựng thương hiệu gạo có tên tuổi trên thị trường? Bởi vấn đề xây dựng thương hiệu để loại bỏ những thông tin xấu về hình ảnh hạt gạo Việt Nam, giúp cho người tiêu dùng thế giới thấy được gạo Việt không thua gạo Thái. Vấn đề truyền thông rất quan trọng”.

Do đó, đại diện doanh nghiệp này cho rằng Chính phủ cần có ngân sách để quảng bá truyền thông tại nước ngoài. Trong đó, quy định cụ thể đơn vị nào sẽ trực tiếp làm nhiệm vụ quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam, hình thức quảng bá như thế nào cho phù hợp để người tiêu dùng thế giới hiểu gạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa vai trò hợp tác xã, xây dựng mô hình mà người nông dân trực tieps tham gia bằng cách góp lúa, với thành phần hội đồng quản trị là người nông dân, ban điều hành là sẽ là những cử nhân có trình độ, kiến thức.

Bởi theo đánh giá của bà Tú Anh, trình độ quản lý hợp tác xã và tổ chức hợp tác vẫn còn hạn chế, do chưa có người lãnh đạo và chưa có tầm nhìn phát triển. Nên để phát triển và quy hoạch lúa gạo, nâng cao vai trò của người nông dân, hợp tác xã thì ban điều hành rất quan trọng.

“Làm sao người nông dân nhận thấy lợi ích của họ gắn lợi ích hợp tác xã và lợi ích quốc gia thì ta mới thành công trong bối cảnh hôi nhập”.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục