tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

75% hàng xuất khẩu Việt Nam có lợi thế khi vào TPP

  • Cập nhật : 18/10/2015

(Tin kinh te)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật, 37 trên 97 nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh trong khối TPP, chiếm 75% kim ngạch hàng xuất.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietsurvey Research & Analysis, Giảng viên Viện quản trị Kinh doanh FSB.Sau 5 năm, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán và trở thành một trong những thỏa ước thu hút sự chú ý nhất của giới chuyên gia kinh tế - chính trị toàn cầu, bởi ý nghĩa kinh tế của khu vực này (chiếm gần 40% tổng GDP toàn cầu và 25% kim ngạch thương mại). Đã có không ít quan điểm trái chiều xuất hiện trong quá trình đàm phán. Số đông chính khách và các nhà nghiên cứu tại 12 nước thành viên ủng hộ hiệp định này nhưng cũng không ít tên tuổi đình đám phản đối như kinh tế gia đạt giải Nobel 2006 - Joseph Stigliz, Kinh tế gia đạt giải Nobel 2009 - Paul Krugman.

tien si nguyen duc nhat.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật.

Nhưng với riêng Việt Nam, phương châm đặt ra luôn là “muốn nên người chọn bạn mà chơi”. Câu hỏi thường trực là thương mại quốc gia qua tiến trình thực hiện TPP sẽ thu được những lợi ích gì? So với các thành viên khác của TPP, Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh ở mặt hàng nào, chúng chiếm bao nhiêu tỷ trọng xuất khẩu? Ngược lại, những mặt hàng nào chúng ta không cạnh tranh bằng các đối tác?

Sử dụng cơ sở dữ liệu thương mại quốc tế của Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC tại Thụy Sỹ để tính toán hệ số cạnh tranh xuất khẩu giữa Việt Nam với nhóm 11 thành viên TPP còn lại, kết quả cho thấy có tới 37 trong 97 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh mạnh hơn các đối tác. Đặc biệt, nhóm này chiếm tới 75% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, tương ứng 120 tỷ USD, rơi vào các nhóm hàng như dệt may, giày dép, thủy hải sản, cà phê…

Xu hướng này tương đối ổn định khi con số tinh toán cao hơn mức tính toán lợi thế cạnh tranh sử dụng dữ liệu xuất khẩu năm 2013.

Nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh vượt trội

Nhóm hàng Giá trị xuất khẩu 2014
Dệt may và phụ kiện hàng dệt may 22,2
Giày dép 14,5
Thủy hải sản 5
Cà phê chè và gia vị 4,5

Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Tính toán và xếp hạng trên cơ sở dữ liệu của ITC

Ngược lại, một số nhóm hàng như thiết bị điện tử, đồ gỗ, cao su… tuy có giá trị xuất cao nhưng sức cạnh tranh không hoàn toàn vượt trội so với các đối tác TPP. Nguyên nhân là do chủ đầu tư và công nghệ các xí nghiệp và nhà máy trong các ngành này tại Việt Nam lại chính là các đối tác trong TPP

Nhóm hàng có sức cạnh tranh tương đối

Nhóm hàng Giá trị xuất khẩu 2014
Hàng và thiết bị điện tử 44,5
Nội thất và đồ gỗ 8,9
Hoa quả, hạt 2,5
Cao su và các sản phẩm cao su 2,3

Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Tính toán và xếp hạng trên cơ sở dữ liệu của ITC

Đặc biệt, một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh hơn các thành viên TPP, bao gồm các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như cơ khí, khoáng sản, nhựa, sắt thép... Đây là chỉ báo nghiêm túc cho các doanh nghiệp trong nước đang và sẽ mở rộng đầu tư trong những lĩnh vực này khi Việt Nam gia nhập khối thương mại tự do lớn nhất toàn cầu này.

Nhóm hàng có sức cạnh tranh kém hơn

Nhóm hàng Giá trị xuất khẩu 2014
Máy móc và cơ khí 13
Dầu thô, khoáng sản 8
Nhựa và các sản phẩm nhựa 2,5
Sắt, thép 1,6

Đơn vị: tỷ USD. Tính toán và xếp hạng trên cơ sở dữ liệu của ITC

Rõ ràng với những nền kinh tế mạnh mẽ như các thành viên của TPP, việc chiếm được lợi thế cạnh tranh trên 75% tổng giá trị xuất khẩu của mình là một lợi thế to lớn. Lợi thế này là kết quả của quá trình chuyển đổi kinh tế vĩ mô, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và không kém phần quan trọng là chiến lược tham gia vào TPP. Bởi lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ bị suy giảm, thậm chí triệt tiêu nếu không so với các ông lớn như Mỹ, Nhật... mà so với một số nền kinh tế có cơ cấu chuyển đổi tương tự ở châu Á.

Việt Nam thực sự đang có lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu, tuy nhiên để tận dụng cơ hội là thành viên sáng lập của TPP, cơ quan quản lý cần có chính sách phù hợp với các trụ cột của hiệp định. Theo đó, Nhà nước cần chủ động các kế hoạch kinh tế xã hội trung hạn và khuôn khổ pháp lý hướng các nguồn lực vốn và xã hội hỗ trợ các ngành có sức cạnh tranh vượt trội trong TPP.

Môi trường kinh doanh cần cải thiện thuận lợi hơn nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh quốc gia thông qua sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) làm xung lực cho nhóm các ngành hàng có sức cạnh tranh vượt trội. Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh mới cần được hỗ trợ và thúc đẩy trong bối cảnh chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Kết quả phân tích khẳng định Việt Nam mặc dù về quy mô xếp trong nhóm dưới 12 nước thành viên nhưng lại có lợi ích thực chất nhất khi tham gia vào khu vực tự do thương mại này. Với cú hích TPP, xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.


Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật
Theo Vnexpress

Trở về

Bài cùng chuyên mục