tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cơ thể của ta, mạch máu của người

  • Cập nhật : 03/05/2016

(Thi truong)

Việc hệ thống siêu thị Big C VN về tay Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã khiến không ít doanh nghiệp Việt, chuyên gia băn khoăn, lo lắng.

hang hoa thai lan duoc ban tai sieu thi metro an phu, q.2, tp.hcm trua 1-5 - anh: quang dinh

Hàng hóa Thái Lan được bán tại siêu thị Metro An Phú, Q.2, TP.HCM trưa 1-5 - Ảnh: Quang Định

Việc hệ thống siêu thị Big C VN về tay Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã khiến không ít doanh nghiệp Việt, chuyên gia băn khoăn, lo lắng. Thậm chí có doanh nghiệp đã ví như “cú sốc thị trường bán lẻ” của năm 2016, dù trước đó đã có khá nhiều thông tin về thương vụ chuyển nhượng này được giới truyền thông trong và ngoài nước đề cập.

Họ sốc vì hệ thống bán lẻ, kênh phân phối hiện đại trong nền kinh tế thị trường được ví như huyết mạch của một cơ thể, sản phẩm làm ra nếu không vào được kênh bán lẻ này sớm muộn gì cũng “chết yểu” vì không tiếp cận được người tiêu dùng.

Một lãnh đạo kỳ cựu của doanh nghiệp bán lẻ trong nước phân tích không phải dễ dàng mà Tập đoàn Central Group chấp nhận bỏ ra 1,05 tỉ USD mua hệ thống Big C VN, cũng như trước đó Tập đoàn TCC (Thái Lan) bỏ ra 655 triệu euro mua lại hệ thống Metro Cash & Carry tại VN. Với 90 triệu dân, người tiêu dùng phần lớn là những người trẻ, trong độ tuổi lao động, các doanh nghiệp Thái đã nhìn thấy tiềm năng rất lớn ở thị trường mới nổi như VN và họ đã âm thầm chuẩn bị từ nhiều năm trước. Những đôi dép Thái (người dân miền Tây thường gọi là dép Lào), những thùng dầu gội, chai nước xả vải, bánh kẹo... có xuất xứ Thái Lan từ nhiều năm trước đây đã len lỏi vào nhiều quầy kệ tại các chợ, tiệm tạp hóa ở phía Nam. Gần đây, độ phủ hàng Thái dày hơn và tốc độ cũng chóng mặt tại nhiều siêu thị ở các thành phố thông qua các chương trình quảng bá, hội chợ hàng Thái được tổ chức hằng năm.

Chính vì vậy, việc sở hữu chuỗi siêu thị hiện đại tại thị trường VN luôn là mục tiêu mà nhiều đại gia Thái Lan muốn nhắm đến. Và nay nếu có sự hợp sức từ các doanh nghiệp sản xuất Thái Lan, chấp nhận tăng mức chiết khấu 
1 - 2% cho các nhà bán lẻ, việc bỏ ra 1 - 2 tỉ USD cho một thương vụ này cũng không phải là điều gì quá khó.

Nói như vậy để thấy rằng sau hàng Trung Quốc, thị trường nội địa giờ đây đang vô cùng chông chênh với sự lấn lướt chiếm lĩnh của hàng Thái. Dù đã có nhiều cải thiện nhưng so với hàng Thái, nhiều mặt hàng trong nước hiện vẫn thua về mẫu mã, chất lượng, kể cả khâu quảng bá tiếp thị ngay trên sân nhà.

Vì vậy sắp tới có trong tay hệ thống bán lẻ, chắc chắn hàng Thái sẽ được “tiếp sức” để lấn sân ngay trên các quầy kệ của các siêu thị trong hệ thống này tại thị trường VN.

Bằng chứng rõ nhất là ngay trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, tức sau gần 5 tháng Tập đoàn TCC công bố hoàn tất thâu tóm hệ thống Metro Cash & Carry tại VN, ở siêu thị Metro An Phú (quận 2, TP.HCM) nhiều người đã phải giật mình với đủ loại hàng Thái như: gạo, nước tương, sữa, nhựa gia dụng, quần áo... được trưng bày ở vị trí đẹp nhất ngay lối vào cửa siêu thị.

Tất nhiên, thương vụ hệ thống Big C VN về tay doanh nghiệp Thái nhìn ở khía cạnh tích cực là tín hiệu phát đi buộc các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bán lẻ và kể cả cơ quan quản lý trong nước phải xem lại mình.

Vấn đề lớn nhất là sau khi nhận diện rõ đối thủ, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong nước sẽ có những bước đi như thế nào nâng cao sức cạnh tranh để tránh bị loại ngay trên sân nhà.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục