Nhà sản xuất và nhà bán lẻ có thương hiệu toàn cầu ngày càng yêu cầu những người bán hàng ở các nước đang phát triển tuân theo những tiêu chuẩn về xã hội, môi trường và an toàn sản phẩm và sức khỏe. Những tiêu chuẩn này dần dần được biết đến với cái tên "tiêu chuẩn cá nhân".
Tại sao TPP quan trọng?
- Cập nhật : 08/10/2015
(Thuong mai)
Dù các nước đã nỗ lực thúc đẩy để sớm đi đến một thỏa thuận cuối cùng, quá trình đàm phán đã kéo dài tới 5 năm và nhiều lần lỡ hẹn.
Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) là một trong những hiệp định tham vọng nhất từ trước đến nay. Những người ủng hộ cho rằng đây chính là con đường để mở ra tương lai tăng trưởng mạnh mẽ cho các nước tham gia.
Dù các nước đã nỗ lực thúc đẩy để sớm đi đến một thỏa thuận cuối cùng, quá trình đàm phán đã kéo dài tới 5 năm và nhiều lần lỡ hẹn. Đạt được đột phá về thời gian bảo hộ độc quyền đối với các loại thuốc sinh học cùng với một vài nút thắt quan trọng khác được tháo gỡ, cuộc họp đang diễn ra tại Atlanta (Mỹ) được cho là đã tiến rất gần đến thỏa thuận cuối cùng.
Vậy thì chính xác TPP là gì?
TPP là một thỏa thuận thương mại tự do với sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam.
Ngoài ra các nước Colombia, Philippines, Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến TPP.
Mục tiêu của TPP là thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia này, thông qua các biện pháp giảm (thậm chí là loại bỏ hoàn toàn trong một số trường hợp) các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Cùng với tăng cường dòng chảy vốn, TPP cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nhóm 12 thành viên.
Nền tảng của TPP là gì?
TPP bắt nguồn từ một thỏa thuận có hiệu lực từ năm 2006 đã được ký giữa Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Có tên gọi P4, thỏa thuận này loại bỏ hầu như tất cả các hàng rào thuế quan đánh vào các hàng hóa được giao dịch giữa 4 nước. Các nước cũng nhất trí cho phép các doanh nghiệp của 1 nước tham gia vào đấu thầu các hợp đồng công ở 3 nước còn lại, đồng thời sẽ hợp tác trên những vấn đề như thủ tục hải quan, luật lao động, sở hữu trí tuệ và luật cạnh tranh.
Vì sao TPP quan trọng?
Hãy nhìn vào những con số.
12 quốc gia tham gia đều là thành viên của Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) với tổng dân số 650 triệu người, trung bình thu nhập bình quân đầu người đạt 31.481 USD (năm 2011), tổng GDP lên đến hơn 20 nghìn tỷ USD. Khi có hiệu lực, TPP tạo ra một thị trường chung đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra không thể không chú ý đến việc đây là sáng kiến do Mỹ dẫn đầu. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và luôn coi khu vực châu Á – Thái Bình Dương là chìa khóa để tăng trưởng trong tương lai.
Một số ý kiến còn cho rằng Mỹ đang cố gắng sử dụng TPP làm công cụ để cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực này. Nhiều người cũng tin rằng các thành viên khác của APEC cũng sẽ tham gia TPP trong vài năm tới, khiến TPP càng quan trọng hơn.
21 nước APEC chiếm tới 44% thương mại toàn cầu và 40% dân số thế giới.
Lộ trình đàm phán TPP
Đàm phán TPP là một quá trình dài với rất nhiều cuộc họp ở nhiều cấp khác nhau. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán thực sự chỉ bắt đầu từ năm 2010 và mục tiêu đặt ra là chốt lại vào năm 2012.
Từ năm 2010 đến 2013, tổng cộng đã có 19 vòng đàm phán chính thức diễn ra. Trong đó có vòng đàm phán thứ 7 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh trong các ngày từ 15 đến 24/6/2011.
Trong 2 năm gần đây là 2014 và 2015, tiếp tục có nhiều cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng và cấp trưởng đoàn đàm phán diễn ra tại nhiều nước.
Lý do trì hoãn
TPP bao phủ nhiều vấn đề không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả trong các lĩnh vực môi trường, sở hữu trí tuệ… Do đó bất đồng là điều không thể tránh khỏi. Trước khi bước vào đợt họp ở Atlanta, những vấn đề mấu chốt nhất còn vướng mắc trong quá trình đàm phán bao gồm thời gian bảo hộ độc quyền đối với thuốc sinh học, cơ chế tiếp cận thị trường bơ sữa và linh kiện ô tô.
Những khó khăn mang tính chính trị cũng là một trở ngại lớn đối với TPP. Tuy nhiên ngày 29/7 vừa qua, Tổng thống Obama đã được trao quyền Đàm phán nhanh (TPA), tức là Quốc hội Mỹ chỉ có thể quyết định thông qua hay bác bỏ chứ không thể sửa đổi các điều khoản trong TPP.
Tại cuộc họp lần này, nhiều vấn đề hóc búa đã đạt được nhiều tiến triển và giới quan sát đang kỳ vọng quá trình đàm phán sẽ kết thúc.
Những tiếng nói phê phán
Giống như nhiều hiệp định thương mại tự do khác, có những mối lo ngại về những tác động của TPP đến một số hàng hóa và dịch vụ ở một vài nước.
Tuy nhiên sự phản đối lớn nhất nằm ở tính bí mật của các cuộc đàm phán. Thậm chí một nhóm các luật sư đã gửi thư lên Đại diện thương mại Mỹ Ron Kirkforcement để bày tỏ sự lo ngại cũng như thất vọng khi các cuộc đàm phán quá bí mật và thiếu minh bạch.