TPP gồm 30 chương đàm phán, nội dung có thể trải dài đến hàng nghìn trang và phải mất vài tuần thậm chí vài tháng để công bố chi tiết kể từ khi kết thúc đàm phán.
Dự thảo Chương Đầu tư trong TPP và một số phân tích từ lợi ích của cộng đồng
- Cập nhật : 05/10/2015
Sau hơn 2 năm đàm phán trong điều kiện bí mật tuyệt đối, một phiên bản rò rỉ của chương Đầu tư trong Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được đăng tại địa chỉ http://tinyurl.com/tppinvestment vào ngày 12 tháng 6 năm 2012.
Văn bản rò rỉ này đã đưa ra cảnh báo về những nguy hiểm của việc đàm phán “thương mại” mà không có sự giám sát của báo chí, công chúng hay của các nhà hoạch định chính sách. Nó cho thấy rằng các nhà đàm phán đã cùng tán thành nhiều điều khoản cơ bản về việc trao các đặc quyền mới cho các nhà đầu tư nước ngoài và trao cho họ quyền thực thi pháp luật tư thông qua các tòa án đặc biệt có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa “nhà đầu tư và nhà nước”.
Mặc dù TPP được coi là một hiệp định “thương mại”, tài liệu rò rỉ đã cho thấy rằng TPP sẽ giới hạn sự kiểm soát của các chính phủ đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ mình, cùng với các yêu cầu trao cho các doanh nghiệp nước ngoài nhiều quyền lợi hơn so với các doanh nghiệp trong nước. Tài liệu này cũng tiết lộ một hệ thống pháp lý hai chiều, trong đó các doanh nghiệp nước ngoài được trao quyền trực tiếp kiện chính phủ một nước TPP ra tòa án nước ngoài thay vì tòa án và pháp luật nước đó. Đồng thời, các doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với các quy định pháp luật nội địa về quyền sử dụng đất, môi trường, sức khỏe, tài chính và các lĩnh vực khác mà họ cho là vi phạm các đặc quyền TPP mới của họ.
Tài liệu trên cũng cho thấy rằng ngoại trừ Úc, các quốc gia TPP khác đều đồng ý về việc xem xét và đệ trình về thẩm quyền của các tòa án nước ngoài này, về việc các tòa án này có thể được trao quyền yêu cầu các nước phải bồi thường không giới hạn từ nguồn ngân sách của mình cho các nhà đầu tư nước ngoài. Như được nêu trong Phần B của tài liệu bị rò rỉ, các tòa án này sẽ không đáp ứng được các tiêu chuẩn về minh bạch, nhất quán và nguyên tắc đối xử bình đẳng như trong hệ thống pháp luật nội địa của các quốc gia TPP, hay cung cấp nơi xét xử công bằng, độc lập và ổn định để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia có chủ quyền và các nhà đầu tư tư nhân. Ví dụ, trái với nguyên tắc xử sự thông thường nhân viên của các tòa án đặc biệt này là các luật sư tư nhân luân phiên làm “thẩm phán” và làm người bào chữa cho chính các nhà đầu tư kiện các chính phủ.
Tải Phân tích đầy đủ của Public Citizen tại đây: