tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ấn định thuế nếu doanh nghiệp không chứng minh được trị giá khai báo

  • Cập nhật : 30/12/2017

Việc cơ quan hải quan ra quyết định ấn định thuế khi doanh nghiệp không chứng minh được nghi vấn về trị giá trong quá trình tham vấn là phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế, không nhất thiết phải thực hiện kiểm tra sau thông quan.

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiện Công ty Luật TNHH IPIC gặp vướng mắc về việc xác định trị giá hải quan đối với lô hàng công ty nhập khẩu. Cụ thể, tại Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định về kiểm tra trị giá hải quan thì cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra trị giá hải quan do người khai hải quan khai trên tờ khai hải quan để xác định các trường hợp có đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo và các trường hợp có nghi vấn về trị giá khai báo nhưng chưa đủ cơ sở bác bỏ.

Căn cứ biên bản tham vấn, các chứng từ tài liệu do người khai hải quan bổ sung, cơ quan hải quan xử lý kết quả tham vấn. Cụ thể tại đoạn g.2.2, Điểm g.2, Khoản 3 có quy định xử lý như sau:

"g.2) Thông quan theo trị giá khai báo và chuyển các cơ sở bác bỏ trị giá khai báo để thực hiện kiểm tra sau thông quan theo quy định trong các trường hợp sau:

g.2.1) Quá thời hạn 05 ngày kể từ ngày kết thúc tham vấn hoặc quá 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, người khai hải quan không khai bổ sung theo quy định tại điểm g.1 khoản này;

g.2.2) Người khai hải quan không đồng ý với cơ sở bác bỏ trị giá khai báo của cơ quan hải quan".

Dựa trên văn bản pháp luật được tra cứu nêu trên, Công ty Luật TNHH IPIC có quan điểm như sau:

Sau khi tham vấn nếu khách hàng Công ty không đồng ý với cơ sở bác bỏ trị giá khai báo của cơ quan hải quan thì cơ quan hải quan phải thực hiện sang thủ tục kiểm tra sau thông quan như quy định tại g.2.2, Điểm g.2, Khoản 3, Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC để xác định trị giá hải quan.

Tuy nhiên, hiện nay có quan điểm sau khi tham vấn mà doanh nghiệp không đồng ý giá tham vấn thì cơ quan hải quan không nhất thiết phải thực hiện thủ tục kiểm tra sau thông quan theo quy định tại g.2.2, Điểm g.2, Khoản 3, Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC mà ra quyết định ấn định thuế luôn.

Quan điểm của Công ty, việc ra quyết định ấn thuế mà không thực hiện thủ tục kiểm tra sau thông quan sẽ làm mất cơ hội bảo vệ trị giá hải quan của doanh nghiệp, đồng thời việc ra quyết định ấn định thuế luôn sẽ trái với tiết g.2.2, Điểm g.2, Khoản 3, Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về kiểm tra trị giá hải quan.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty Luật TNHH IPIC hỏi, việc ra quyết định ấn thuế sau khi tham vấn giá mà không thực hiện thủ tục kiểm tra sau thông quan có đúng không? Theo căn cứ pháp luật nào?

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, được xác định tuần tự theo 6 phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Khoản 2 Điều này.

Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan theo các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực của các nội dung kê khai và kết quả tự xác định trị giá hải quan.

Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra trị giá khai báo của người khai hải quan, trường hợp có nghi vấn về trị giá khai báo thì tổ chức thực hiện tham vấn với người khai hải quan để làm rõ nghi vấn.

Trong quá trình tham vấn, nếu người khai hải quan không chứng minh hoặc quá thời hạn quy định mà không giải trình được các nội dung nghi vấn liên quan đến việc xác định trị giá hải quan thì cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế theo quy định tại Khoản 1, Điều 39 Luật Quản lý thuế và Khoản 3, Điều 33 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Như vậy, việc cơ quan hải quan ra quyết định ấn định thuế khi doanh nghiệp không chứng minh được nghi vấn về trị giá trong quá trình tham vấn là phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế, không nhất thiết phải thực hiện kiểm tra sau thông quan.

Theo Chinhphu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục