Vì sao Ba Lan đòi Đức, Nga trả món nợ từ Thế chiến II?
- Cập nhật : 27/08/2017
Ba Lan cho rằng quyết định của chính quyền dưới thời Xô Viết không có hiệu lực do bị Liên Xô ép phải từ chối khoản bồi thường, song giờ đây là thời điểm Đức phải chịu trách nhiệm cho những gì đã gây ra trong Thế chiến II.
Theo Ria Novosti, mới đây, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydło tuyên bố, Ba Lan có quyền yêu cầu Đức bồi thường cho những thiệt hại đã gây ra cho đất nước này trong Chiến tranh thế giới II. Về phần mình, Berlin nhấn mạnh rằng vấn đề bồi thường chiến tranh cho Warsaw đã hoàn toàn khép lại.
"Ba Lan đòi công lý"
Thủ tướng Ba Lan lưu ý rằng các khoản đền bù là "lời nhắc nhở về công lý vốn dĩ phải thuộc về Ba Lan".
Trong cuộc họp báo tại Warsaw, bà Szydło cho biết: "Ba Lan đang bàn về công lý. Ba Lan chỉ nói về những gì đáng ra nên được thực hiện. Chúng tôi là nạn nhân của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng tôi là nạn nhân, là những người chịu thiệt hại vẫn chưa được đền bù ...".
Thủ tướng Ba Lan kêu gọi tất cả những người phê phán ý tưởng này "nên nhìn vào lịch sử và ghi nhớ những gì đã xảy ra trên lãnh thổ Ba Lan trong chiến tranh".
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Antony Macherevich cũng đưa ra bàn luận về quyền của Ba Lan đối với với khoản bồi thường của Đức cho những thiệt hại đã gây ra trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ông Macherevich nhấn mạnh: "Không phải là chính phủ Ba Lan từ chối khoản bồi thường chiến phí của Đức. Mà đó là nước liên minh của Liên Xô cũ với tên gọi là Cộng hòa Nhân dân Ba Lan đã từ bỏ phần bồi thường".
Bộ trưởng Ba Lan khẳng định, Warsaw có quyền một lần nữa đặt ra vấn đề về bồi thường do thực tế, việc từ chối trước đây của Ba Lan vốn không hợp pháp.
Theo kết quả của Hội nghị Potsdam năm 1945 thảo luận về việc giải quyết vấn đề thời hậu chiến và chủ quyền lãnh thổ, Ba Lan đã lấy được từ nước Đức bại trận Pomerania, Silesia và 2/3 Đông Phổ. Tuy nhiên, Ba Lan cũng mất phần lãnh thổ ở Belarus và Tây Ukraine.
Vấn đề đã khép lại
Về phía mình, Berlin cho rằng vấn đề bồi thường quân sự đối với những thiệt hại gây ra cho Ba Lan đã khép lại từ lâu. Người phát ngôn Nội các Bộ trưởng Đức cho biết: "Các bạn có thể biết thêm chi tiết trong biên bản cuộc họp chính phủ vào ngày 2/8, khi chủ đề này được đưa ra lần cuối", và nói thêm rằng đây là "quan điểm cơ bản" của chính quyền nước này.
Khiếu nại đối với Nga
Trước đó, ngày 21/8, tờ Dziennik của Ba Lan đưa tin, các đại biểu Quốc hội Ba Lan đến từ đảng cầm quyền "Quyền và Công lý" đang chuẩn bị một dự luật để đòi các khoản bồi thường quân sự từ Nga.
Tờ báo lưu ý rằng Stanislav Penta, một trong những người khởi xướng, đã đề ra ý tưởng đòi Moscow hàng nghìn tỷ Zloty đối với "tội ác của Liên Xô". Đồng thời, ông Penta nhấn mạnh "cần tính toán rõ ràng số tiền bồi thường". Bà Malgozhata Goschevskaya, một người khởi xướng dự luật, cùng một đảng với ông Penta, đã tuyên bố rằng "người Nga đã cướp bóc ngành công nghiệp, các tác phẩm nghệ thuật". Chính vì thế, theo bà Goschevskaya, Nga phải trả cho Ba Lan "khoản bồi thường chiến phí".
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Vitold Vashchikovsky cũng đưa ra cáo buộc Liên Xô về việc giải phóng trong Thế chiến thứ hai. Theo quan điểm của ông, Liên Xô "đã tác động mạnh dẫn đến bùng nổ Thế chiến II" do "góp phần với Đức tấn công Ba Lan".
Ngoài ra, vào tháng Bảy vừa qua, tổng thống Ba Lan đã ký bản sửa đổi luật về việc cấm chủ nghĩa cộng sản, trong đó cho phép phá dỡ các tượng đài Liên Xô. Bộ ngoại giao Nga gọi quyết định này là một hành động khiêu khích.
Ba Lan được quân đội Liên Xô giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Đức trong chiến dịch tấn công chiến lược Vistula–Oder. Bộ Ngoại giao Nga ghi nhận rằng Liên bang Xô viết đã phải chịu những tổn thất nặng nề trong chiến dịch quân sự này - khoảng 600.000 lính và sĩ quan Hồng quân đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với kẻ thù và được chôn cất tại Ba Lan.
Đức Dũng (lược dịch)
Theo Infonet.vn