Tổng thống Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng xây đảo nhân tạo
Thắt chặt an ninh tại hội nghị ASEAN giữa lo ngại khủng bố
Nga treo thưởng 50 triệu USD tìm thủ phạm khủng bố máy bay
Ông Ban Ki-moon không tới Triều Tiên
Hai máy bay Pháp hạ cánh khẩn cấp vì bị dọa đánh bom
Tin thế giới đọc nhanh 18-11-2015
- Cập nhật : 18/11/2015
Phản đối đề xuất của chính phủ bán cổ phần và quyền khai thác than cho Trung Quốc: Lãnh đạo nghiệp đoàn Mông Cổ tự thiêu trong họp báo
Theo NY Post, vụ việc xảy ra hôm 13/11, trong cuộc họp báo của lãnh đạo các nghiệp đoàn than ở Mông Cổ, nhằm bày tỏ quan ngại trước tương lai công nhân ngành than Mông Cổ.
"Chính phủ không trợ cấp cho công ty của chúng ta nữa, gia đình công nhân sẽ chết đói. Đó là lý do tôi tự thiêu, vì người dân Mông Cổ, và con em chúng ta", ông nói, rồi đổ chất lỏng dễ cháy vào người và châm lửa đốt.
Hai người bên cạnh lập tức lấy áo khoác, cố dập tắt ngọn lửa. Nhiều nhà báo khác cũng lao vào giúp đỡ. Ông này được đưa đi cấp cứu ở Trung tâm nghiên cứu chỉnh hình Mông Cổ, với độ bỏng 40% cơ thể và đang trong tình trạng nguy kịch.
Đây là chủ tịch nghiệp đoàn của công ty Erdenes Tavan Tolgoi - công ty sở hữu 39 mỏ than ở Mông Cổ, trong đó có mỏ than Tavan Tolgoi trị giá 60,7 tỷ USD. Chính phủ Mông Cổ đang xem xét bán cổ phần tại 10 công ty nhà nước, trong đó có một phần khai thác mỏ than Tavan Tolgoi, để thúc đẩy nền kinh tế, trong bối cảnh đồng tugrik của Mông Cổ đã xuống giá 35% trong hai năm nay, và đầu tư nước ngoài trực tiếp sụt giảm từ 4,5 tỷ USD năm 2012 xuống còn 382 triệu USD năm ngoái.
Tuy nhiên, các lãnh đạo nghiệp đoàn than Mông Cổ cho rằng, quyết định này chỉ làm ngành than tồi tệ hơn, vì các doanh nghiệp Trung Quốc có thể đưa công nhân bản địa sang khai thác mỏ than.
Putin: Nga sẽ giúp phe đối lập Syria đối phó IS
"Nếu phe đối lập có vũ trang cảm thấy có thể bắt đầu chiến đấu tích cực với các nhóm khủng bố, trên hết là Nhà nước Hồi giáo (IS), chúng tôi sẽ hỗ trợ từ trên không và đang chuẩn bị để làm điều đó", RT dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Putin còn chỉ ra sự thay đổi trong lập trường của Washington về việc hợp tác với Moscow trong cuộc chiến chống khủng bố.
"Chúng ta cần đặc biệt tập trung vào ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố và đối phó chủ nghĩa khủng bố trên quy mô toàn thế giới. Chúng tôi đề nghị hợp tác (với Mỹ) trong nỗ lực chống IS. Không may, phía Mỹ từ chối. Họ gửi bản ghi chú viết rằng 'chúng tôi từ chối đề nghị từ các bạn'", ông Putin cho biết thêm.
Hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra trong hai ngày 15 và 16/11, bàn về mối đe dọa đối với an ninh thế giới và cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế Chiến II ở châu Âu.
Các lãnh đạo thế giới còn cam kết tăng cường kiểm soát biên giới, chia sẻ thông tin tình báo và trấn áp nguồn tài chính của khủng bố sau khi thủ đô Paris, Pháp, cuối tuần trước hứng chịu hàng loạt vụ tấn công do IS thực hiện làm ít nhất 129 người chết.
Mỹ bán gần 1,3 tỷ USD bom thông minh để diệt IS
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) của Lầu Năm Góc, phụ trách điều phối các thương vụ vũ khí nước ngoài, hôm 13/11 thông báo với các nhà lập pháp rằng thương vụ đã được thông qua, Reuters dẫn Lầu Năm Góc hôm qua cho biết trong thông cáo.
Hiện các nhà lập pháp có 30 ngày để ngăn chặn thương vụ, nhưng hành động này hiếm khi xảy ra bởi các thỏa thuận được xem xét kỹ lưỡng trước khi có bất cứ thông báo chính thức nào.
DSCA cho hay thương vụ sẽ giúp không quân hoàng gia Arab Saudi bổ sung thêm nguồn cung cấp vũ khí dùng cho các cuộc chiến chống phe nổi dậy ở Yemen và không kích chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria, đồng thời dự trữ thêm cho các chiến dịch tương lai. Arab Saudi đang thiếu vũ khí do thực hiện nhiều chiến dịch chống khủng bố.
"Thương vụ này sẽ giúp duy trì quan hệ quân sự mạnh mẽ giữa Mỹ và Arab Saudi, tăng cường năng lực của lực lượng Saudi khi làm việc với Mỹ, và tạo điều kiện cho Arab Saudi đối phó với những mối đe dọa trong khu vực, bảo vệ các mỏ dầu lớn nhất thế giới", DSCA tuyên bố.
Hợp đồng được đề xuất bao gồm 22.000 quả bom thông minh và bom công dụng chung, trong đó có 1.000 quả bom dẫn đường bằng laser GBU-10 Paveway II và hơn 5.000 bộ dụng cụ Joint Direct Attack Munitions (JDAM) giúp biến những quả bom đời cũ hơn thành vũ khí dẫn đường chính xác sử dụng tín hiệu GPS.
Anh tuyển gần 2.000 điệp viên đối phó IS sau vụ khủng bố Paris
Theo CNN, số lượng nhân viên tình báo của Anh sẽ tăng 15%, lên gần 15.000 người, con số lớn nhất kể từ sau vụ tấn công khủng bố vào London năm 2005.
"Sự trỗi dậy không ngừng về số lượng thành phần Hồi giáo âm mưu khủng bố Anh và tấn công Bỉ, Pháp, Tunisia và những nơi khác, khiến thủ tướng quyết định tăng cường nguồn lực điệp viên", chính phủ Anh hôm qua thông báo.
Thủ tướng David Cameron cho biết, Anh sẽ tăng chi tiêu quân sự cho hoạt động chống khủng bố lên 3 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Thông báo này được đưa ra ba ngày sau vụ khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13/11, khiến ít nhất 129 người thiệt mạng và 352 người bị thương.
Các nhân viên an ninh mới sẽ làm việc trong ba cơ quan tình báo của Anh là MI5, MI6 và Tổng cục Thông tin Chính phủ (GCHQ). MI5 là cơ quan phụ trách an ninh nội địa, MI6 hoạt động ở nước ngoài, còn GCHQ là cơ quan tình báo ngoại giao.
Mỗi năm, ngân sách của Anh chi cho ba cơ quan trên khoảng 3 tỷ USD. Ngoài tăng cường ngân sách cho tình báo, Anh cũng đang có kế hoạch tăng gấp đôi ngân sách cho hoạt động kiểm tra an ninh ở sân bay nước ngoài.
Nước này sẽ chi thêm 13,5 triệu USD, thuê thêm chuyên gia an ninh hàng không để tăng cường nguồn lực vào nhiệm vụ kiểm tra an ninh tại các sân bay trên thế giới, nâng cao năng lực ứng phó tình huống khẩn cấp như vụ rơi máy bay Nga ở Ai Cập hai tuần trước, khiến 224 người thiệt mạng.
Bản kế hoạch chi tiết sẽ được chính phủ công bố trong sách trắng quốc phòng tuần tới.
Pháp điều tàu sân bay hỗ trợ diệt IS ở Syria
"Tàu sân bay Charles de Gaulle sẽ khởi hành vào ngày 19/11 tới phía đông Địa Trung Hải, giúp năng lực hành động của chúng ta tăng gấp ba lần",AFP dẫn lời Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu trước quốc hội ở Versailles, ngoại ô Paris.
Charles de Gaulle, kỳ hạm của hải quân Pháp, sẽ mất vài ngày để tới điểm đến dự định, gần Syria hoặc Lebanon. Tàu không đến vùng Vịnh, như kế hoạch ban đầu, cho tới tháng 12.
Với 26 chiến đấu cơ trên khoang, Charles de Gaulle giúp gia tăng đáng kể khả năng không kích của Pháp khi phối hợp cùng 12 phi cơ đang đóng tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Jordan.
Pháp có thể "tăng cường các chiến dịch ở Syria" bằng tổng cộng 38 chiến đấu cơ, ông Hollande nói.
Pháp hôm 15/11 không kích nhằm vào thành trì của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền bắc Syria, hành động đáp trả nhóm phiến quân vì chúng tấn công đẫm máu Paris tối 13/11, làm ít nhất 129 người chết. Đây là chiến dịch lớn nhất kể từ khi Pháp không kích lần đầu tại Syria cuối tháng 9. Các chiến đấu cơ thả 20 quả bom, phá hủy một sở chỉ huy IS và một trung tâm huấn luyện.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục không kích trong những tuần tới... Sẽ không có thời gian ngừng nghỉ và không thỏa hiệp ngừng tấn công", ông Hollande cho biết. "Pháp đang trong tình trạng chiến tranh... Chúng ta đang trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố đe dọa toàn bộ thế giới".