Giới chức Mỹ đang theo dõi sát sao thông tin về chương trình phát triển tàu ngầm không người lái của Nga.
Tin thế giới đọc nhanh 17-11-2015
- Cập nhật : 17/11/2015
Thổ Nhĩ Kỳ không mua hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15-11 đã hủy kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc, trị giá 3,4 tỉ USD. Thay vào đó, nước này sẽ tự phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa của riêng mình. .
Trước đó, thành viên của NATO này vào năm 2013 đã chọn tập đoàn xuất nhập khẩu cơ khí chính xác của Trung Quốc (CPMIEC) là nhà cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa, dẫn đến sự lo ngại của Mỹ và phương Tây.
Tuy nhiên, một quan chức văn phòng Thủ tướng Ahmet Davutoglu cho hay dự án đã được hủy bỏ. Người này nói: “Thủ tướng đã ký quyết định hủy kế hoạch trong tuần này”.
Hồi tháng 7, quan chức thuộc bộ phận công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trở ngại lớn đối với thỏa thuận là Trung Quốc không muốn chuyển giao công nghệ để cho phép Ankara biết cách vận hành hệ thống và cuối cùng có thể phát triển hệ thống thay thế nó. Do đó, Ankara đang lên kế hoạch tự chế tạo hệ thống phòng thủ riêng.
Chuyên gia Aaron Stein thuộc Hội đồng Atlantic (Mỹ) cho rằng: “Thổ Nhĩ Kỳ cần một hệ thống có thể tương thích với hệ thống tên lửa của NATO, nhưng Trung Quốc không thể đáp ứng điều này. Do đó Ankara sẽ phát triển hệ thống sử dụng công nghệ thu được từ dự án hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa này”. Trước đó, NATO từng tuyên bố các hệ thống tên lửa triển khai trong phạm vi liên minh quân sự này phải tương thích với nhau. Trước áp lực từ phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ không tìm cách tích hợp hệ thống của Trung Quốc vào NATO.
Ông Merve Seren, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Seta (Mỹ), nhận định hệ thống FD-2000 mà Trung Quốc cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ tương đương với công nghệ Patriot của Mỹ.
Trong hồ sơ dự thầu còn có tập đoàn Lockheed Martin, Raytheon của Mỹ với hệ thống phòng thủ Patriot, tập đoàn Eurosam của Pháp-Ý, nhà sản xuất SAMP/T. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang cân nhắc các lựa chọn trên.
Trung Quốc muốn thế giới giúp trấn áp phiến quân Hồi giáo Tân Cương
Cảnh sát vũ trang Trung Quốc tham gia diễn tập chống khủng bố ở Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: Chinanews.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm qua kêu gọi cộng đồng quốc tế thiết lập một "mặt trận hợp nhất chống chủ nghĩa khủng bố" sau khi thủ đô Paris, Pháp, rung chuyển vì hàng loạt vụ tấn công làm ít nhất 129 người chết, Xinhua đưa tin.
"Vai trò lãnh đạo của Liên Hợp Quốc nên được phát huy đầy đủ trong cuộc chiến với chủ nghĩa khủng bố và cần thành lập một mặt trận hợp nhất về vấn đề này", ông Vương nói bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Vương, Trung Quốc cũng là nạn nhân của khủng bố. "Trấn áp Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) nên là một phần quan trọng trong cuộc chiến quốc tế chống khủng bố", ông cho biết thêm.
Hàng trăm người đã thiệt mạng vì tình hình bất ổn ở Tân Cương, nơi sinh sống của người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo, và các khu vực khác tại Trung Quốc trong ba năm qua. Bắc Kinh đổ lỗi cho phiến quân Hồi giáo do ETIM, nhóm tự tuyên bố có liên hệ với al-Qaeda, chỉ huy. Trung Quốc gần đây đưa tin một số người Duy Ngô Nhĩ đã tới Iraq và Syria để chiến đấu cho Nhà nước Hồi giáo (IS) cùng các nhóm phiến quân khác.
Liên Hợp Quốc và Washington đều xếp ETIM vào danh sách các tổ chức khủng bố sau sự kiện 11/9 năm 2001 ở Mỹ. ETIM nhận trách nhiệm thực hiện ba vụ tấn công, trong đó có đâm xe quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 2013 làm 5 người chết.
Ban Ki-moon sắp tới Triều Tiên, có thể gặp Kim Jong-un
Ông Ban Ki-moon sẽ thăm Bình Nhưỡng trong chuyến thăm chính thức với tư cách tổng thư ký trong tuần này, Yonhap dẫn lời một nguồn tin cấp cao giấu tên của Liên Hợp Quốc cho biết, nhưng không đưa ra thời gian cụ thể.
Văn phòng phát ngôn viên Liên Hợp Quốc tại New York từ chối bình luận về bài báo.
Nguồn tin của Yonhap cho biết ông Ban gần như chắc chắn sẽ gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Kim chưa bao giờ đón tiếp một lãnh đạo quốc gia nào kể từ khi lên nắm quyền, sau khi cha ông, Kim Jong-il, mất năm 2011.
"Không thể có chuyện tổng thư ký Liên Hợp Quốc thăm Triều Tiên mà không gặp lãnh đạo tối cao của một nước thành viên Liên Hợp Quốc", nguồn tin nói.
Ông Ban đã được lên kế hoạch thăm Triều Tiên vào tháng 5, nhưng Bình Nhưỡng rút lại lời mời vào phút chót. Dù giới chức không đưa ra lời giải thích chính thức, vụ hủy lời mời được coi là phản ứng của Triều Tiên trước bình luận của ông Ban tại Seoul, trong đó ông cảnh báo Bình Nhưỡng làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo.
Hai tổng thư ký Liên Hợp Quốc từng thăm Triều Tiên trong quá khứ là ông Kurt Waldheim, người tới năm 1979, và ông Boutros Boutros-Ghali, người năm 1993 gặp lãnh đạo Kim Nhật Thành để bàn về căng thẳng do tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Ban cũng từng tới khu công nghiệp Keasong ở Triều Tiên cùng một phái đoàn các nhà ngoại giao nước ngoài năm 2006, khi ông là ngoại trưởng Hàn Quốc.
Nhật Bản lại suy thoái
Như vậy, Nhật Bản đã tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp. Hồi quý II, GDP nước này cũng giảm 0,7%. Theo lý thuyết, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã rơi vào suy thoái. Đây là điều đã được các nhà kinh tế học dự báo trước, nhưng tốc độ sụt giảm theo họ chỉ là 0,2% quý này, Bloomberg cho biết.Sự yếu kém về đầu tư và hàng tồn kho giảm sút đã khiến kinh tế Nhật Bản co lại, trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng chậm tại Trung Quốc và cả thế giới khiến doanh nghiệp nước này không muốn chi tiêu và sản xuất. Dù GDP quý IV được dự báo tăng, con số trên vẫn sẽ gây áp lực lên Thủ tướng Abe và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) - Haruhiko Kuroda, trong việc kích thích tài khóa và tiền tệ. Tuần này, BOJ sẽ tổ chức họp chính sách.
"Kinh tế Nhật Bản đang khá yếu, do tăng trưởng Trung Quốc giảm tốc. Các công ty vẫn băn khoăn liệu kinh tế đã đủ mạnh để tăng đầu tư hay chưa. Vì vậy, nhu cầu trong nước cũng không đủ bù đắp lại sự suy yếu bên ngoài", Daiju Aoki - nhà kinh tế học tại UBS nhận xét.
Đây là lần thứ 2 Nhật Bản rơi vào suy thoái từ cuối năm 2012. Lần đầu tiên cũng là vào quý III năm ngoái, sau khi tăng thuế tiêu dùng. Việc này sẽ càng khiến ông Abe gặp khó nếu muốn thúc đẩy kinh tế trong nước và chấm dứt tình trạng giảm phát đã kéo dài hai thập kỷ qua.
Những số liệu kinh tế gần đây của Nhật Bản cũng khá ảm đạm. Lạm phát giảm, chi tiêu hộ gia đình, sản xuất phương tiện giao thông, bán lẻ đi xuống và xuất nhập khẩu cũng lao dốc. Điểm sáng duy nhất là sản lượng công nghiệp tháng 9 tăng so với tháng 8, nhưng cũng không đủ bù lượng giảm của 2 tháng trước đó.
Ông Abe đã yêu cầu Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản - Akira Amari soạn ra nhóm biện pháp giúp đạt mục tiêu GDP danh nghĩa của Nhật Bản tăng 20% lên 600.000 tỷ yen trong 5 năm tới.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ máy bay thế hệ mới
Các chuyên gia Mỹ cho rằng Trung Quốc đã ăn cắp thiết kế và công nghệ của Mỹ trong chiến đấu cơ thế hệ thứ 15 mà nước này đưa ra trong Triển lãm máy bay Dubai ở Ấn Độ ngày 15-11.
Theo Thời Báo Kinh Tế, các chuyên gia quốc phòng và chiến lược Mỹ khẳng định thiết kế của chiếc FC-31 “Gyrfalcon” hay J-31 mà Trung Quốc đem đi triển lãm được “lấy cảm hứng” từ chiếc F-35 mà Mỹ chế tạo vào tháng 4-2009.
Họ phỏng đoán rất có thể Trung Quốc đã ăn cắp mẫu thiết kế này khi các tin tặc nước này xâm nhập trang web của nhà cung cấp thiết bị quốc phòng Mỹ Lockheed Martin.
Theo các chuyên gia, khung của chiếc máy bay FC-31 tương tự F-35. FC-31 cũng có 2 khoang vũ khí bên trong tương tự máy bay của Mỹ.
“Vị trí lắp đặt gương chiếu hậu, cửa sổ quang học, hay thân máy bay bên dưới mái vòm rađa giữa hai chiếc máy bay đều giống hệt nhau” - tạp chí quốc phòng Anh IHS Janes’s khẳng định.
Theo Thời Báo Kinh Tế, Tổng công ty Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIV) đang cố gắng bán chiếc FC-31 để thay thế chiến đấu cơ F-35 từ Lockheed Martin cho các quốc gia tiềm năng như Iran và Pakistan.
Các quan chức AVIC tại Triển lãm hàng không Dubai khẳng định chiếc máy bay FC-31 có khả năng thích ứng cao với tình huống chiến đấu, và được thiết kế để đáp ứng “nhu cầu chiến trường trong tương lai”.
Tuy vậy, hầu hết chuyên gia đều tin rằng chiếc F-35 của Trung Quốc với động cơ của Nga vẫn không thể cạnh tranh được với các máy bay thế hệ thứ 5 của Mỹ.