tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Đằng sau thương vụ Indonesia mua tiêm kích Su-35 của Nga

  • Cập nhật : 15/09/2015

(The gioi)

Bộ Quốc phòng Indonesia vừa thông báo quyết định mua chiến đấu cơ đa nhiệm Su-35 của Nga để thay thế phi đội F-5 Tiger đã già lão của quân đội nước này.

mot may bay su-35 - anh: afp

Một máy bay Su-35 - Ảnh: AFP

Sau cuộc thanh tra bất ngờ kho vũ khí của quân đội tại Jakarta hôm 2.9, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, ông Ryamizard Ryacudu cho biết nước này đã quyết định mua một phi đội tiêm kích Su-35 của Nga để thay thế các chiến đấu cơ F-5 Tiger do Mỹ sản xuất. Bộ trưởng Ryacudu cho biết thỏa thuận sẽ được ký vào cuối tháng 9.2015, theo hãng tin Antara (Indonesia) ngày 3.9.

Theo trang Defence Industry Daily, hiện 12 chiếc F-16 và 16 chiếc F-5 (do Mỹ sản xuất) của Indonesia đang gặp những vấn đề nghiêm trọng về bảo dưỡng, theo trang Russia Beyond The Headlines (RBTH). Vì thế, Indonesia nghiêng về việc mua máy bay Nga thay vì Mỹ.
 
Để giải quyết những khó khăn này, Indonesia đã ký hợp đồng với Nga năm 2003 trị giá 192 triệu USD mua các chiến đấu cơ Sukhoi. Đến năm 2007, hai bên tiếp tục ký hợp đồng mua bán máy bay Sukhoi giá 300 triệu USD. Với những máy bay chiến đấu Nga, Indonesia có thể đứng ngang hàng với những nước láng giềng tại Đông Nam Á hoặc Trung Quốc, Úc.
 
Hãng tin Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Alexander Yermakov nói trên trang tin quốc phòng Defendingrussia.com rằng các dòng chiến đấu cơ Sukhoi hoàn toàn phù hợp với đặc điểm địa lý Indonesia, sẽ là "lá cờ đầu" trong Không quân Indonesia và là món hàng “độc” giúp nước này tạo được sự ảnh hưởng trong khu vực.
 
Công nghệ tiên tiến
 
Chiếc Su-35 là máy bay chiến đấu thế hệ 4++, xếp ngay dưới các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5. So với F-16 và F-18 của Mỹ sử dụng công nghệ từ những năm 1970, Su-35 chỉ vừa đi vào phục vụ cho Không quân Nga. Su-35 cũng sử dụng công nghệ của thế hệ thứ 5 khiến máy bay này vượt trội so với các loại khác cùng thế hệ, theo Sputnik.
 
Chuyên san Air Force Technology đánh giá Su-35 có khả năng cơ động cao, góc tấn công rộng, hệ thống vũ khí mạnh mẽ, tốc độ tối đa đạt 2.390 km/giờ (Mach 2,25), bán kính hoạt động 3.600 km.
 
Su-35 có thể mang nhiều tên lửa không đối không, không đối đất và chống hạm. Máy bay còn được trang bị bom dẫn đường, cảm biến có thể phát hiện và theo dõi 30 mục tiêu trên không ở khoảng cách 400 km.
 
Tạp chí Aviation Week dẫn lời trưởng nhóm phi công bay thử của Sukhoi, ông Sergey Bordan cho rằng Su-35 với hệ thống kỹ thuật của mình có khả năng trình diễn những kỹ thuật siêu cơ động mà không máy bay nào có thể đạt được, và điều này giúp Su-35 chiếm ưu thế trong cuộc cận chiến trên không.
 
Hơn nữa, dù không có công nghệ tàng hình nhưng Su-35 có thể không bị radar kẻ thù phát hiện nhờ khả năng thay đổi tốc độ nhanh chóng, giúp máy bay thoát khỏi radar kiểm soát hỏa lực. Ngoài ra, khả năng cơ động của Su-35 cũng rất hữu ích, giúp phi công có thể bay về mọi hướng.
 
su-35 se giup indonesia tao anh huong trong khu vuc - anh: reuters

Su-35 sẽ giúp Indonesia tạo ảnh hưởng trong khu vực - Ảnh: Reuters

Phương án đề phòng

Với việc Úc đang sắp có được 72 chiến đấu cơ tàng hình F-35 vào cuối thập kỷ này, Indonesia cần tìm một phương án đề phòng. Tiêm kích tàng hình T-50 của Nga là một ứng viên lý tưởng, nhưng tại thời điểm này, Su-35 là một lựa chọn hợp lý hơn.
 
Chuyên san National Interest dẫn lời quan chức Không quân Mỹ có kinh nghiệm về F-35 cho rằng Su-35 có thể gây thử thách lớn cho F-35 với khả năng bay cao và nhanh, trong khi F-35 lúc đầu được thết kế với nhiệm vụ tấn công.
 
Su-35 có thể khai hỏa ở tốc độ siêu âm khoảng Mach 1,5 (khoảng 1.838 km/giờ) ở độ cao hơn 13.000 m, trong khi F-35 chỉ bay cao ở tầm hơn 9.000 m và tốc độ khoảng Mach 0,9 (khoảng 1.100 km/giờ).
 
Nguồn đào tạo phi công lý tưởng
 
Nếu mua Su-35, Indonesia sẽ không phải lo về việc đào tạo cho các phi công. Hồi tháng 10.2013, Ấn Độ đã đồng ý đào tạo và giúp đỡ Không quân Indonesia trong việc điều hành phi đội chiến đấu cơ Sukhoi.
 
Không quân Ấn Độ có được sự nổi tiếng về khả năng cận chiến trên không sau khi liên tiếp đánh bại Không quân Mỹ trong các cuộc diễn tập trên không, theo RBTH. Phi công Ấn Độ lái Su-30MKI gần đây cũng được cho là đã thắng áp đảo phi công của Anh với chiến đấu cơ Typhoon.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Ryacudu cũng nói rằng các phi công thuộc Không quân Indonesia quen với việc lái các máy bay chiến đấu do Nga sản xuất hơn.

(Theo Báo Thanh Nien)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục