Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu đề xuất về hợp tác nội khối khi phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 hôm nay tại Philippines.
Đài Loan chấn động vì Panama cắt đứt quan hệ ngoại giao
- Cập nhật : 15/06/2017
Panama đã quay lưng với Đài Loan, chuyển sang "chơi" với Trung Quốc, đã làm chấn động Đài Loan, đồng thời cho thấy Đài Loan sẽ còn gặp nhiều khó khăn về ngoại giao dưới thời bà Thái Anh Văn.
Ngày 12/6, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela Rodriguez tuyên bố chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, đồng thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Sang ngày 13/6, tại Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và người đồng cấp Panama đã tiến hành hội đàm và ký kết Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao.
Căn cứ vào Tuyên bố chung, chính phủ hai nước Trung Quốc và Panama đồng ý trên nền tảng nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm và can thiệp nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, chung sống hòa bình, phát triển quan hệ hữu nghị hai nước.
Chính phủ Panama thừa nhận trên thế giới chỉ có một nước Trung Quốc, Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn Trung Quốc. Đài Loan là một bộ phận không thể chia cắt của lãnh thổ Trung Quốc.
Panama cam kết với Trung Quốc sẽ không có bất cứ quan hệ chính thức nào, không tiến hành bất cứ trao đổi chính thức nào với Đài Loan.
Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Panama, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc và Panama chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao là một thời khắc lịch sử, quan hệ Trung Quốc và Panama đã mở sang một chương mới.
Ông Vương Nghị cho rằng, quyết định chính trị quan trọng này của Panama hoàn toàn phù hợp với lợi ích căn bản của quốc gia và dân tộc Panama, hoàn toàn phù hợp với trào lưu phát triển tiến bộ của thời đại, hoàn toàn phù hợp với cục diện “một Trung Quốc”. Trung Quốc đánh giá cao đối với điều này.
Tổng thống Panama Juan carlos Varela tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Ảnh: CNA
Sau khi Panama và Đài Loan cắt đứt quan hệ ngoại giao, phía Đài Loan cho rằng để đổi lấy việc Panama thiết lập “quan hệ ngoại giao” với mình, Trung Quốc đã cung cấp khoản vay không lãi suất trị giá 3 tỷ USD cho Panama.
Ngày 14/6, người phát ngôn Văn phòng công tác Đài Loan, Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang phủ nhận quan điểm cho rằng Trung Quốc đã dùng lợi ích kinh tế thương mại để trao đổi với Panama.
Trong khi đó, theo trang tin của đài CCTV Trung Quốc ngày 14/6, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến kênh đào Panama. Những năm gần đây, quan hệ hai nước phát triển nhanh. Các doanh nghiệp Trung Quốc tích cực tham gia xây dựng các công trình quan trọng của Panama như tàu điện ngầm, cầu trên kênh đào và trung tâm hội nghị lớn.
Trong ngày 13/6, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn hoan nghênh Panama tham gia xây dựng “Vành đai và con đường” – một sáng kiến đang được Trung Quốc thúc đẩy trên toàn cầu.
Ông Vương Nghị cho biết, Trung Quốc và Panama sẽ lấy cùng phát triển thịnh vượng làm mục tiêu, phát huy đầy đủ ưu thế của nhau, triển khai hợp tác trên các lĩnh vực rộng mở như thương mại, đầu tư, hàng hải, văn hóa, giáo dục, du lịch…
Trung Quốc đang tiếp tục tích cực thúc đẩy các nước châu Mỹ Latinh như Panama tham gia vào sáng kiến “Vành đai và con đường”. Điều này cũng có tính hấp dẫn đối với các nước này.
Chấn động Đài Loan
Đối với việc Panama quay lưng với mình, Đài Loan đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Chiều ngày 13/6, nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn cho rằng việc Panama cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan cho thấy Trung Quốc đang chèn ép không gian sinh tồn của Đài Loan. Bà Thái Anh Văn còn tuyên bố Đài Loan "có chủ quyền”, “chủ quyền không thể thay đổi”, nhân dân Đài Loan tuyệt đối sẽ không thỏa hiệp, nhượng bộ trong sự đe dọa.
Tối ngày 13/6, bà Thái Anh Văn còn liên tiếp đăng lên Twitter, cho biết Đài Loan “sẽ không khuất phục”.
Cũng trong ngày 13/6, đại diện Văn phòng Tổng thống Đài Loan, ông Ngô Chiêu Nhiếp cho biết nhà cầm quyền Đài Loan sẽ đánh giá lại tình hình hai bờ.
Còn người phụ trách cơ quan chủ quản đối ngoại (Bộ trưởng Ngoại giao) Đài Loan, ông Lý Đại Vi cùng ngày cũng đã bày tỏ “phẫn nộ và đáng tiếc” đối với việc Panama “chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan một cách phiến diện”, cho biết Đài Loan ngay lập tức chấm dứt toàn diện hợp tác và viện trợ đối với Panama.
Theo chuyên gia Đài Loan Quách Đốc Vi, việc Panama cắt đứt quan hệ với Đài Loan là một động thái có diễn biến kéo dài, gây “chấn động” cho Đài Loan. Đài Loan có thể cho rằng Panama nên là nước cuối cùng cắt đứt quan hệ ngoại giao với họ, bởi vì Panama thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan từ rất sớm, là nước “bang giao” quan trọng nhất, có thời gian dài nhất.
Tờ Chinatimes Đài Loan cho rằng Panama cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan trở thành một sự chấn động lớn nhất về “cắt đứt quan hệ ngoại giao” trong những năm gần đây.
Theo bài báo, Panama có kênh đào, một tuyến đường thương mại và vận tải quốc tế rất quan trọng. Panama lại là “nước bang giao” quan trọng của Đài Loan ở Trung Mỹ trong nhiều năm. Một khi mất đi Panama thì e rằng sẽ thực sự đối mặt với hiệu ứng domino.
Tờ Thời báo Tự do Đài Loan, một tờ báo thân phe Lục (phe này gồm có Đảng Dân Tiến – đảng cầm quyền ở Đài Loan hiện nay, đại diện là nhà lãnh đạo Thái Anh Văn) cho rằng, đây là một thất bại quan trọng của ngoại giao Đài Loan.
Cựu lãnh đạo Đài Loan, ông Mã Anh Cửu, người từng thăm Panama vào năm 2014, cho rằng: “Chúng tôi nhìn thấy thông tin từ bên ngoài, Chính phủ Panama tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, đối với sự phát triển này, chúng tôi cảm thấy rất đáng tiếc, nhưng không cảm thấy bất ngờ…”.
Đại diện Quốc Dân Đảng, đảng đối lập ở Đài Loan là ông Liêu Quốc Đông cho rằng: “Quan hệ hai bờ mới là nền tảng trong quan hệ quốc tế của chúng ta (Đài Loan). Khi quan hệ hai bờ không tốt, quan hệ quốc tế cũng xấu đi theo. Trong 1 năm qua, bà Thái Anh Văn không có đóng góp thực sự gì cho việc duy trì hiện trạng, thậm chí tiếp tục làm cho quan hệ hai bờ xấu đi”.
Liêu Quốc Đông yêu cầu bà Thái Anh Văn phải trình bày báo cáo chuyên đề tại Viện lập pháp (tức Quốc hội) Đài Loan và phải “chịu trách nhiệm chính trị” về chính sách ngoại giao. Liêu Quốc Đông còn cho rằng, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn nếu không ưu tiên cải thiện quan hệ hai bờ thì sẽ đối mặt với các “chấn động” liên tiếp trong thời gian tới.
Một quan chức khác của Quốc Dân Đảng Đài Loan là Hồng Mạnh Giai cho rằng nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã không thể duy trì hiện trạng quan hệ hai bờ, làm cho Đài Loan liên tiếp phải trả giá về ngoại giao.
“Đây là một thất bại lớn của ngoại giao Đài Loan, là một tổn thất không thể bù đắp của 23 triệu người Đài Loan. Nhà cầm quyền Thái Anh Văn cần xin lỗi nhân dân Đài Loan vì chính sách sai lầm” – Hồng Mạnh Giai nói.
Đài Loan còn bị “chèn ép”
Sau khi Panama cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, hiện nay, Đài Loan chỉ còn có 20 nước có quan hệ ngoại giao, trong đó có 11 nước tập trung ở khu vực châu Mỹ Latinh và biển Caribbe. Tuy nhiên, người dân một số nước cũng liên tục yêu cầu chính phủ của họ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Theo chuyên gia Đài Loan Quách Đốc Vi, sau khi Panama cắt đứt quan hệ ngoại giao, Đài Loan có thể sẽ tiếp tục gặp phải các trường hợp tương tự ở Trung Mỹ. Thời gian tới, các nước như Dominica, Salvador, Saint Lucia đều có thể là đối tượng tiếp theo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Quách Đốc Vi nói: “Nếu Trung Quốc muốn trừng phạt nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, các nước Trung Mỹ sẽ không thể giữ được”.
Ngoài ra, theo báo chí Đài Loan ngày 14/6, 5 “quốc gia không có quan hệ ngoại giao” gồm Nigeria, Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất), Jordan, Ecuador, Bahrain đã yêu cầu Đài Loan đổi tên văn phòng đại diện.
Văn phòng đại diện của Đài Loan ở 5 nước này ngoài có tên là Đài Loan ở Bahrain, còn ở các nước khác đều đặt tên là Trung Hoa Dân Quốc (ROC). Hiện nay, đại diện của Đài Loan tại Nigeria đã trở về Đài Loan.
Trong quan hệ ngoại giao, Bắc Kinh luôn yêu cầu các nước thực hiện nguyên tắc “một Trung Quốc”, không được thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Ngày 14/6, người phát ngôn Văn phòng công tác Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang cho biết Trung Quốc mong muốn nhà cầm quyền Đài Loan đưa ra sự lựa chọn sáng suốt trong vấn đề nền tảng chính trị của phát triển hòa bình quan hệ hai bờ, tạo điều kiện lâu dài cho phát triển hòa bình quan hệ hai bờ.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn