Những đề xuất hết sức hợp lý và sâu sắc này, Bắc Kinh có thực sự "mặn mà" hay không sẽ phản ánh mục tiêu thực sự đằng sau "Một vành đai, một con đường" là gì.
Ông Donald Trump chiếm thế thượng phong tại hội nghị thượng đỉnh G-20
- Cập nhật : 09/07/2017
Các nước từng "băn khoăn" về cam kết của Mỹ có cơ sở để tự tin hơn trong việc phối hợp bảo vệ hòa bình, ổn định và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.
The Straits Times ngày 9/7 dẫn nguồn tin hãng thông tấn AFP cho biết, các nhà lãnh đạo G-20 đã có sự nhượng bộ Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề tự do thương mại và hiệp định chống biến đổi khí hậu, để đổi lấy việc duy trì sự thống nhất mong manh của câu lạc bộ các nền kinh tế công nghiệp và các nền kinh tế mới nổi G-20.
Tuyên bố của G-20 năm nay khởi đầu với sự đồng thuận trong vấn đề chống khủng bố, quản trị tài chính, nhưng vẫn nêu lên sự khác biệt trong các vấn đề cốt lõi.
Nó thừa nhận quyết định của ông Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015.
Tổng thống Mỹ khi rút khỏi hiệp định này cũng tuyên bố rõ ràng rằng, Washington muốn tiếp tục sử dụng và bán nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Bên cạnh việc thúc đẩy tự do thương mại, lần đầu tiên tuyên bố chung của G-20 cũng khẳng định quyền của các quốc gia bảo vệ thị trường của họ với các "công cụ bảo vệ thương mại hợp pháp",
Nội dung này được cho là sẽ giúp ông Donald Trump thực hiện chính sách "nước Mỹ trên hết" của mình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau bên lề G-20 năm nay, ảnh: news.com.au.
Chính sách bảo hộ và chủ nghĩa quốc gia mà ông Donald Trump theo đuổi đã khiến ông va chạm với nhiều đồng minh, đối tác của Hoa Kỳ.
Bên lề thượng đỉnh G-20, ông Donald Trump đã có cuộc trao đổi kéo dài 2 giờ 15 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin, một ngày sau khi chủ nhân Nhà Trắng chỉ trích hành động của Moscow ở Syria và Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, hai ông Donald Trump và Vladimir Putin đã có kết nối rất nhanh với một buổi trao đổi tích cực và rõ ràng.
Chủ đề mất nhiều thời gian nhất trong cuộc gặp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Nga là Syria, sau đó là cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái.
Ông Vladimir Putin nói rằng, Tổng thống Mỹ ngoài đời rất khác so với trên truyền hình và Washington dường như đã trở nên thực dụng hơn trong vấn đề Syria.
Tổng thống Nga nói với người đồng cấp Mỹ:
"Có đầy đủ lý do để tin rằng, chúng ta sẽ có thể thiết lập lại ít nhất một phần mức độ hợp tác mà chúng ta cần.". [3]
Sau khi "ghi bàn" trong cuộc làm việc kéo dài với ông Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ quay sang gặp ông Tập Cận Bình theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc.
Giới truyền thông chú ý nhiều đến việc ông Donald Trump cho con gái kiêm cố vấn, Ivanka Trump tháp tùng mình khi thảo luận với ông Tập Cận Bình, bà Angela Merkel Thủ tướng Đức, ông Erdogan Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. [1]
Nội dung chính trong cuộc họp với ông Tập Cận Bình xoay quanh 2 vấn đề cấp bách: mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên và các biện pháp kích thích thương mại song phương.
Ông chủ Nhà Trắng nói với người đứng đầu Trung Nam Hải: một cái gì đó phải được thực hiện. Tổng thống Donald Trump nói:
"Về vấn đề Triều Tiên thì chúng ta cuối cùng sẽ thành công. Có thể mất nhiều thời gian hơn tôi muốn. Có thể mất nhiều thời gian hơn ngài muốn.
Nhưng cuối cùng nó sẽ thành công, cho dù là bằng cách này hay cách khác.".
Về thương mại, Tổng thống Mỹ đề cập đến sự mất cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và gọi đó là chuyện rất lớn mà ông muốn giải quyết:
"Tôi biết rằng Trung Quốc khá đặc biệt, một đối tác thương mại tuyệt vời. Chúng ta sẽ có thể làm một điều gì đó công bằng và có tính tương ứng.".
Tân Hoa Xã dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ rằng, quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington có lợi cho sự ổn định và thịnh vượng trong bối cảnh các xung đột toàn cầu.
Hai nước đã có những bước tiến mới trong một số lĩnh vực, mặc dù "có một số vấn đề nhạy cảm".
Cá nhân người viết cho rằng, có nhiều dư luận và quan điểm khác nhau về vai trò và chính sách đối ngoại của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, cả chỉ trích lẫn ủng hộ.
Thậm chí những tiếng nói chỉ trích ông nhiều hơn và gay gắt hơn.
Nhưng diễn biến và kết quả hội nghị thượng đỉnh G-20 cũng như các cuộc tiếp xúc song phương bên lề giữa ông Donald Trump với nguyên thủ các nước khác dường như cho thấy, chủ nhân Nhà Trắng đang chiếm thế thượng phong.
Dù không mong muốn, nhưng tất cả các thành viên G-20 còn lại phải chấp nhận nhượng bộ Hoa Kỳ về vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu "để giữ lấy sự ổn định mong manh" của tổ chức này.
Với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Donald Trump vừa chỉ trích Nga trong vấn đề Syria hôm trước, hôm sau đã có thể ngồi đàm phán 2 giờ 15 phút về Syria và để lại ấn tượng tốt với ông chủ Điện Kremlin.
Với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Donald Trump vừa bán gói vũ khí trị giá 1,4 tỉ USD cho Đài Loan, vừa cho tàu chiến tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, vừa trừng phạt 1 ngân hàng, 1 doanh nghiệp và 2 công dân Trung Quốc, chủ nhân Trung Nam Hải vẫn vui vẻ mời gặp.
Máy bay ném bom B-1 Lancer của Hoa Kỳ thả quả bom GBU-56 xuống mục tiêu giả định tại dãy núi Pilsung ở tỉnh Gangwon gần biên giới hai miền Triều Tiên ngày 8/7. Ảnh: Yonhap News.
Xin lưu ý rằng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng tham dự G-20, nhưng không có cuộc gặp song phương nào với Chủ tịch Trung Quốc, dù biên giới hai nước đang rất căng thẳng.
Hai ông chỉ chào xã giao khi mặt đối mặt tại diễn đàn này.
Trong vấn đề Triều Tiên hay thương mại, ông Donald Trump tiếp tục gây sức ép lên cả Bình Nhưỡng lẫn Bắc Kinh một cách không khoan nhượng.
Cho dù ngôn ngữ ông nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra "ngoại giao lịch sự" nhưng vẫn không giấu được cái thế thượng phong.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 8/7 cho biết, 2 chiếc máy bay ném bom B-1 Lancer của Hoa Kỳ ở Guam đã hiện diện trên bán đảo Triều Tiên, tập trận cùng với F-15K Hàn Quốc và F-16 của không lực Hoa Kỳ ngay trên biên giới hai miền.
Trong một động thái hiếm hoi, Mỹ đã công khai bức ảnh và cảnh quay cho thấy B-1 Lancer thả quả bom GBU-56 xuống một mục tiêu giả định tại dãy núi Pilsung, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. [4]
Những hành động quyết đoán của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Donald Trump rõ ràng sẽ có tác động lớn đến cấu trúc an ninh khu vực.
Các nước từng "băn khoăn" về cam kết của Mỹ có cơ sở để tự tin hơn trong việc phối hợp bảo vệ hòa bình, ổn định và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.
Và những ai muốn xưng hùng xưng bá trong khu vực này cũng phải nhìn mặt Mỹ và cân nhắc cẩn trọng hơn trước mỗi ý định leo thang.
Khẩu khí của Thời báo Hoàn Cầu trong 2 bài xã luận về quan hệ Trung - Mỹ trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh bên lề G-20 cũng có phần "nhũn nhặn" hơn trước.
Ngày 6/7, Thời báo Hoàn Cầu có bài xã luận: "Nên nhìn nhận khách quan số liệu thương mại Trung - Triều quý 1", giải thích những "thắc mắc" của ông Donald Trump trên Twitter.
Ngày 7/7, xã luận tờ báo này có tựa đề: "Quan hệ Trung - Mỹ không nên bị biến thành con tin cho bất kỳ vấn đề nào".
Xin lưu ý, trước G-20 Hoa Kỳ đã có một loạt động thái khiến Bắc Kinh nóng mặt, nhưng phản ứng của nhà lãnh đạo Trung Quốc trước ông Donald Trump vẫn rất ôn hòa.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.straitstimes.com/world/europe/g-20-communique-exposes-divide-with-us-on-climate-policy
[3]http://www.straitstimes.com/world/europe/g-20-summit-the-highlights
[4]http://english.yonhapnews.co.kr/search1/2603000000.html?cid=AEN20170708002451315
Hồng Thủy
Theo Giáo Dục Việt Nam