Chính quyền Trung Quốc không muốn nước này đi vào vết xe đổ của Nhật Bản những năm 1990.
Economist: Thế giới sẽ có thêm 78 nghìn tỷ USD nếu các nước mở cửa biên giới
- Cập nhật : 23/07/2017
Tất nhiên, điều này sẽ gây ra hỗn loạn. Nhưng nếu chỉ xét về mặt kinh tế, lợi ích thu được sẽ khiến nhiều người muốn vận động hành lang, thậm chí là hối lộ để Chính phủ thông qua luật cho phép mở cửa biên giới.
Tờ 100 USD nằm dưới đất, một nhà kinh tế học đi qua mà không nhặt. Một người bạn hỏi: "Anh không nhìn thấy tiền à?" Nhà kinh tế trả lời: "Tôi nghĩ tôi đã nhìn thấy một cái gì đó, nhưng tôi cho rằng mình tưởng tượng. Vì nếu có một tờ 100 USD trên mặt đất, ai đó phải nhặt nó lên rồi".
Người ta thường nói nếu điều gì quá tốt thường khó có thể là thật. Nhưng trong trường hợp này, đúng là có những "tờ tỷ USD đang vương vãi trên vỉa hè", Michael Clemens, một nhà kinh tế tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Washington), khẳng định. Ngạc nhiên hơn nữa là chỉ cần một chính sách cực kỳ đơn giản cũng có thể làm cho thế giới giàu gấp đôi là mở cửa biên giới.
Chỉ cần mở cửa biên giới, các quốc gia sẽ tha hồ "nhặt tiền trên vỉa hè"
Lao động là nguồn lực giá trị nhất thế giới
Người lao động sẽ làm việc năng suất hơn khi chuyển từ một nước nghèo sang một nước giàu. Đột nhiên, họ có thể tham gia vào thị trường lao động với nguồn vốn dồi dào, các công ty kinh doanh hiệu quả và một hệ thống luật pháp ổn định. Những người nông dân chuyển từ dùng cuốc xẻng sang máy kéo, thợ xây chuyển từ dùng bay xếp gạch sang cần cẩu và máy đào cơ khí. Còn thợ cắt tóc? Sẽ tìm được những khách hàng giàu có hơn, "tip" mạnh tay hơn.
"Lao động là hàng hoá có giá trị nhất thế giới, nhưng chính quy định nhập cư nghiêm ngặt nên phần lớn đều bị bỏ phí", Bryan Caplan và Vipul Naik phát biểu trong nghiên cứu "Trường hợp cực đoan cho các biên giới mở". Người lao động Mexico di cư sang Mỹ có khả năng kiếm thêm 150%. Những người Nigeria không có tay nghề sẽ kiếm được thêm 1.000%.
Nếu biên giới được mở, những cảnh tượng như thế này sẽ không diễn ra
"Về mặt kinh tế, để người Nigeria ở lại Nigeria cũng vô nghĩa như bắt người nông dân trồng cây ở Nam Cực", ông Caplan và ông Naik tranh luận. Những lợi ích phi kinh tế cũng không hề nhỏ. Một người Nigeria ở Mỹ sẽ không bị nhóm Hồi giáo Boko Haram bắt làm nô lệ.
Những gì mà biên giới mở có thể mang lại lớn hơn nhiều lợi ích từ tự do thương mại hoàn toàn, chứ không nói đến viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, ý tưởng này bị xem như chuyện viễn tưởng ở khắp mọi nơi nhất là trong kỷ nguyên của Brexit và Donald Trump. Hầu hết các nước, chỉ ít hơn 10% số người ủng hộ mở cửa biên giới.
Nhưng người ta có thể tự hỏi, vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu biên giới thực sự được mở?
Trước hết, phải phân biệt rõ, "mở biên giới" có nghĩa là mọi người được tự do di chuyển để tìm việc làm chứ không phải "không biên giới" hay "bãi bỏ chế độ quốc gia". Ngược lại, lý do khiến người ta di cư là vài quốc gia được "vận hành" rất tốt còn một số khác lại rất tệ hại.
Người lao động ở các nước giàu có thu nhập cao hơn những người ở nước nghèo một phần vì được giáo dục tốt hơn nhưng chủ yếu là vì họ sống trong những xã hội đã phát triển các thể chế thúc đẩy sự thịnh vượng và hòa bình. Rất khó để chuyển các thể chế của Canada sang Campuchia, nhưng một gia đình Campuchia bay đến Canada là việc khá đơn giản. Cách nhanh nhất để loại bỏ nghèo đói tuyệt đối là cho phép mọi người rời khỏi nơi mà thực trạng này tồn tại.
Nếu biên giới được mở, có bao nhiêu người sẽ ra đi? Ước tính vào năm 2013 630 triệu người (khoảng 13% dân số thế giới) sẽ di cư vĩnh viễn nếu có thể, và thậm chí nhiều hơn muốn di chuyển tạm thời. Khoảng 138 triệu người sẽ định cư tại Mỹ, 42 triệu ở Anh và 29 triệu ở Ả-rập Saudi, theo Công ty thăm dò Gallup.
"Chúng tôi đều là người lao động, không phải tội phạm" - Người nhập cư biểu tình ở Anh vì bị Chính phủ nước này kỳ thị
Số liệu của Gallup có thể quá thấp. Ngày nay có 1,4 tỷ người ở các nước giàu và 6 tỷ người ở các nước "không giàu lắm". Không quá khó để tưởng tượng rằng trong một vài thập kỷ, một tỷ người trở lên sẽ di cư nếu không gặp trở ngại pháp lý.
Người dân ở các nước đến không quan tâm lắm nếu nước mình có người nhập cư nhưng thực sự lo ngại rằng khi biên giới được mở hoàn toàn họ sẽ bị người nước ngoài "vây kín". Có nhiều lý do gây nên nỗi sợ này khi người nhập cư có thể đe doạ đến hệ thống chính trị, tăng nguy cơ tội phạm và khủng bố. Bên cạnh đó, họ sẽ cướp việc làm và ảnh hưởng đến lương của người bản địa, tranh phúc lợi xã hội, lấy mất đất sống và làm rối loạn văn hóa.
Những câu hỏi...
Nếu nhiều người di cư đến từ một Syria bị chiến tranh tàn phá, một Guatemala đầy xã hội đen hay một Congo hỗn loạn, liệu họ có mang theo "đống lộn xộn" ấy đến với quốc gia mà họ nhập cư? Đó là một nỗi sợ hãi dễ hiểu nhưng không hề có một cơ sở hay bằng chứng nào xác thực.
Thậm chí, một ghiên cứu về các dòng di cư giữa 145 quốc gia trong giai đoạn 1970-2000 của các nhà nghiên cứu ở Đại học Warwick cho thấy rằng di cư còn có xu hướng giảm chủ nghĩa khủng bố, chủ yếu bởi vì di cư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Liệu nhập cư quy mô lớn có ảnh hưởng xấu đến người dân bản địa về mặt kinh tế không?
Cho đến nay thì không. So với người bản địa, dân nhập cư có nhiều khả năng mang lại những ý tưởng mới và bắt đầu kinh doanh riêng, nhiều trong số đó còn thuê người địa phương, tạo thêm công ăn việc làm.
Ở những nước phát triển như Mỹ, người nhập cư làm những công việc mà người bản địa không muốn làm, ví dụ như trồng trọt, thu hoạch
Người nhập cư cũng ít có khả năng "hút cạn" tiền phúc lợi xã hội của nước bản địa, trừ khi luật pháp địa phương khiến họ không tìm được việc làm và phải sống nhờ trợ cấp, như trong trường hợp của dân tị nạn ở Anh.
Một dòng người nhập cư lớn đổ vào có thể ảnh hưởng nhẹ đến lương của những người bản địa có kỹ năng tương tự. Tuy nhiên, hầu hết người nhập cư có kỹ năng khác do xu hướng việc làm ở các nước giàu và nghèo thường khác nhau. Ở những nước phát triển, các bác sỹ, kỹ sư nước ngoài sẽ làm giảm gánh nặng cho những ngành này. Trong khi đó, những người nhập cư không có kỹ năng làm việc có thể nhận chăm sóc người già và trẻ nhỏ cho các gia đình, giúp người bản địa "rảnh tay" tập trung vào công việc.
Liệu mở biên giới gây quá tải?
Có thể, ở những thành phố đông đúc như London. Hầu hết các thành phố phương Tây đều có thể dễ dàng xây những tòa nhà chung cư cao tầng để giải quyết vấn đề thiếu chỗ ở.
Thêm vào đó, việc di cư hàng loạt thực ra sẽ làm cho thế giới bớt đông đúc vì người di cư sẽ cần thời gian để ổn định trước khi nghĩ đến chuyện sinh con ở quốc gia mới đến.
Liệu nhập cư hàng loạt có thay đổi văn hoá và chính trị của các nước giàu không?
Chắc chắn là có, nhưng cũng có khả năng sẽ theo chiều hướng tốt đẹp hơn, như trong trường hợp của Mỹ. Khi dân số tăng từ 5 triệu người chủ yếu là người da trắng từ năm 1800 đến 320 triệu người ngày nay, quốc gia này hiện là cường quốc hàng đầu thế giới.
Tất nhiên, làn sóng nhập cư cũng có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Ví dụ người từ những nước kém phát triển có thể mang theo các phong tục không hay như tham nhũng chính trị hay kỳ thị người đồng tính. Hoặc nếu dân số nhập cư đủ lớn, họ có thể bầu ra một Chính phủ Hồi giáo hay một Chính phủ thiên vị cho mình.
Làm thế nào để giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực của việc di cư?
Chắc chắn sẽ có rủi ro nếu biên giới được mở đột ngột và không có chính sách đúng để giúp hấp thụ dòng chảy. Nhưng gần như tất cả những rủi ro này có thể được giảm bớt với một chút tư duy sáng tạo.
Nếu lo lắng là người nhập cư sẽ lập ra một Chính phủ "không thân thiện" cho người bản xứ, giải pháp sẽ là không cho người nhập cư bỏ phiếu - trong 5 năm, 10 năm hoặc thậm chí là cả đời.
Cả tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Anh Theresa May đều cương quyết phản đối việc nhập cư vì lo sợ khủng bố và ảnh hưởng xấu đến đất nước
Còn nếu sợ người nhập cư tranh mất quyền lợi của người bản địa, các nước có thể đánh phí visa cao hơn, bắt họ trả thêm thuế hay thậm chí hạn chế phúc lợi xã hội. Những biện pháp này cũng có thể được dùng để quản lý dòng người nhập cư, tránh những "làn sóng người" lớn và đột ngột.
Đây đúng là phân biệt đối xử một cách trắng trợn, nhưng còn nhân đạo hơn rất nhiều so với việc cấm người nhập cư, để họ phải sống khổ sở ở những nước chiến tranh loạn lạc hay đói nghèo triền miên. Sẽ chẳng có gì là sai nếu Chính phủ của những quốc gia dang tay đón người nhập cư muốn đặt ra giới hạn để bảo vệ người dân của nước mình. Ngược lại, những người nhập cư sẽ hiểu vì rõ ràng họ đang đi "ở nhờ", không nên đòi hỏi phải được hưởng tất cả những quyền lợi bằng với người bản xứ.
Trang Hồ/ Theo The Economist/NDH.VN