Trái với điều nhiều người nghĩ, Trung Quốc giờ không còn là nơi sản xuất giá rẻ như trước. Chi phí đi lên buộc các nhà sản xuất phải tìm cách di chuyển nhà máy đến những nước khác.
Đức, Nhật Bản tháo ngòi 'quả bom' nhân khẩu học bằng cách mạng robot
- Cập nhật : 30/05/2017
Robot có thể là cách giúp hai cường quốc Đức, Nhật Bản giải quyết 'quả bom' hẹn giờ trong nhân khẩu học, khi dân số già đang bắt đầu làm trì trệ tăng trưởng kinh tế.
Theo Bloomberg, Nhật Bản và Đức là hai ứng cử viên sáng giá cho cuộc cách mạng robot. Theo Moody’s Investors Service, việc tăng tính tự động hóa và sử dụng thêm công nghệ robot tại hai nước trên có thể giúp giảm bớt tác động của dân số già.
Tỷ lệ phụ thuộc, tỷ lệ số dân trên 65 tuổi trong tổng dân số, được dự báo tăng ở Đức và Nhật. Song hai nước này có hai yếu tố thuận lợi: xuất khẩu sản xuất ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã chiếm hơn 1/3 GDP và xuất khẩu sản xuất ở Nhật thì chiếm 12% GDP. Hai nước cũng là những nhà tiên phong trong việc ứng dụng robot.
Khoảng 3/4 doanh số máy móc robot thế giới tập trung ở 5 nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Đức. Việc ứng dụng robot tập trung trong lĩnh vực ô tô và điện tử. Ba nước châu Á trong danh sách trên mua 1/2 số robot công nghiệp toàn cầu từ năm 2013 và Trung Quốc là nước tậu nhiều nhất, theo Moody’s.
Ở thời điểm một số chính trị gia đang lên tiếng lo ngại về việc toàn cầu hóa làm giảm việc làm trong nước, robot có thể đem một số việc làm được thuê ngoài về, nhằm hạ thấp chi phí lao động. Dù vậy, số việc làm quay lại sẽ ít hơn so với số việc làm mất đi trước đó.
Các nước đang phát triển có thể chịu thiệt. Những nước như Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia, nơi hàng xuất khẩu sản xuất công nghệ cao chiếm hơn 50% GDP, có thể gặp rủi ro. Các quốc gia có lương bổng thấp như Ấn Độ, Indonesia cũng gặp khó.
Báo cáo của Moody’s Investors Service còn cho hay: “Ngoài ra, quy trình sản xuất cũng có thể chuyển sang các trung tâm khác được trang bị thiết bị tốt hơn để hấp thụ công nghệ mới và có thể cạnh tranh trong việc cung ứng các sản phẩm công nghệ cao. Trong cả hai trường hợp, một số nền kinh tế mới nổi có thể mất thị phần xuất khẩu vì công nghệ mới có thể thay đổi cách thức sản xuất và thương mại”.
Công ăn việc làm ở các nền kinh tế mới nổi như Mexico, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Nga, Ấn Độ đứng trước rủi roẢNH: BLOOMBERG
Thu Thảo
Theo Thanhnien.vn