Bangladesh vốn luôn là nước nghèo nhất tại châu Á. Chi phí lao động tại Bangladesh thấp hơn nhiều so với Nhật và nhiều nước Đông Á khác.
Sự thật bẽ bàng khiến Putin thất vọng
- Cập nhật : 23/04/2016
(Tin kinh te)
Sự đổ vỡ của cuộc họp OPEC mở rộng tại Doha tuần qua được xem là một đòn giáng vào vị thế của nước Nga và tổng thống Putin tại khu vực Trung Đông. Giá dầu giảm trở lại còn là một thách thức không nhỏ, là nỗi sợ thầm kín đối với tổng thống Nga và chính phủ nước này.
Kỳ vọng cao, thất vọng nhiều
Giá dầu trong phiên giao dịch 18/4 bất ngờ quay đầu giảm mạnh, có lúc lao dốc hơn 5% sau khi các nước sản xuất dầu chủ chốt không đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng trong phiên họp tại Doha hôm 17/4.
Dầu Brent rớt về 41 USD/thùng, trong khi dầu WTI xuống ngưỡng 38,5 USD/thùng. Kỳ vọng về một thỏa thuận do Nga và Saudi Arabia vạch ra tưởng chừng sẽ thành hiện thực đã nhanh chóng tiêu tan.
Trước đó, hy vọng về một bản thỏa thuận giúp hạn chế nguồn cung đã giúp dầu WTI tăng một mạch từ 28 USD lên trên 40 USD/thùng trong vòng chưa đầy 2 tháng sau khi giảm hơn 70% hơn một năm trước đó. Nga, Saudi Arabia và ngay cả Mỹ tin tưởng giá dầu sẽ tiếp tục hồi phục.
Nền kinh tế kém đa dạng và ọp ẹp của Nga và Saudi Arabia đang chờ giá dầu lên để hồi phục, bù đắp thâm hụt ngân sách, giảm áp lực lạm phát,... Trong khi đó, hàng loạt nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ cũng chờ đợi giá tăng lên để thoát thảm cảnh phá sản hàng loạt.
Trong 2 tháng qua, Saudi Arabia, Qatar và Venezuela và Nga đã đồng ý đóng băng sản lượng nếu các nhà sản xuất khác cũng tham gia. Gần 20 nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới chờ đợi thỏa thuận sẽ được ký kết hôm 17/4. Tuy nhiên, kết quả đã không như mong đợi.
Iran đã không tham dự cuộc họp tại Doha, trong khi nhà lãnh đạo OPEC - Saudi Arabia không chấp nhận đóng băng sản lượng nếu các nhà sản xuất lớn khác, trong đó có Iran, không có hành động tương tự.
Về phần mình, Iran cho rằng, nước này sẽ không xem xét việc đóng băng hoặc cắt giảm sản lượng cho đến khi giành lại thị phần sau khi các hình phạt quốc tế đối với Teheran được dỡ bỏ hồi đầu năm 2016.
Cuộc chiến dầu khí giờ không chỉ bao gồm Saudi Arabia, Nga và Mỹ mà còn có sự góp phần tích cực của Iran, một quốc gia có khả năng sản xuất dầu với mức giá cực kỳ thấp 1-1,5 USD/thùng.
Thông tin trên tờ The Guardian cho biết, ngay sau khi các lệnh cấm vận kinh tế quốc tế được dỡ bỏ, Iran có thể sẽ khai thác nguồn dự trữ với khối lượng chỉ đứng thứ hai ở Trung Đông, sau Saudi Arabia.
Cuộc chiến dầu khí vốn được bắt nguồn từ sự lớn mạnh của ngành dầu khí Mỹ cùng với sự trỗi dậy của nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, nỗi lo sợ mất thị phần của Saudi Arabia nói riêng và OPEC dường như một lần nữa rơi vào bế tắc.
Putin bất lực
Tờ Forbes cho rằng, sự đổ vỡ của cuộc đàm phán Doha lần này không hẳn đã là một thất bại đối thị trường dầu mỏ nhưng là một kết quả tồi tệ đối với tình hình địa chính trị trong khu vực và đối với mối quan hệ giữa Nga và Saudi Arabia.
Theo đó, kết cục đổ vỡ tại Doha là một một bước lùi trong các tham vọng địa chính trị trong khu vực của Nga và là một vết đen trong mối quan hệ giữa Nga với Saudi Arabia và các nước quân chủ vùng vịnh.
Trên thực tế, phiên đàm phán đã kéo dài thêm nhiều giờ đồng hồ nhưng mọi nỗ lực đã tan thành mây khói do sự bất lực của Nga và Saudi Arabia về yêu cầu ngay từ đầu của Saudi Arabia rằng Iran cũng phải đóng băng sản lượng như một điều kiện tiên quyết.
Trước đó, hồi giữa tháng 3/2016, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng, Iran dự kiến sẽ là một "trường hợp đặc biệt" và không tham gia thỏa thuận này. Teheran cũng cho biết sẽ chỉ tham gia thỏa thuận hạn chế sản lượng sau khi nước này đạt sản lượng 4 triệu thùng/ngày, tương đương mức trước khi bị cấm vận.
Tuy nhiên, sự ganh đua giữa Saudi Arabia và Iran đã lớn hơn tính toán của Nga và đây là một nhân tố quan trọng dẫn đến sự thất bại của thỏa thuận nói trên.
Trước đó, cuộc chiến dầu khí OPEC - Nga - Mỹ nhiều thời điểm không thấy đường lùi. Với thất bại lần này, nhiều dự báo cho rằng, dầu có thể rơi trở lại về ngưỡng thấp trước đó.
Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù cuộc đàm phán thất bại, nhưng điều này sẽ tốt cho thị trường trong dài hạn bởi tình trạng cân bằng cung - cầu sẽ được diễn ra một cách tự nhiên.
Thực tế cho thấy, sau một thời gian dài liên tục tăng, dự trữ dầu của Mỹ bắt đầu giảm. Thông tin mới nhất cho thấy, dự trữ dầu của Mỹ trong tuần tính tới đầu tháng 4 vừa qua giảm 4,9 triệu thùng, mức giảm sâu nhất 19 năm qua.
Thông tin nhân viên ngành dầu khí Kuwait khởi động cuộc bãi công vô thời hạn cũng là yếu tố tích cực đối với giá dầu.
Có thể thấy, cần thêm nhiều thời gian để khẳng định một xu thế mới. Còn trước mắt, việc không đạt được thỏa thuận Doha, dầu có thể còn bị bán tháo. Và đây vẫn là nỗi lo sợ không thể che giấu của ông Putin.
Nước Nga vẫn chưa có kịch bản tốt đối phó với cú sốc nếu giá dầu đứng lâu ở mức dưới 40 USD/thùng. Sau khủng hoảng giá dầu xuống thấp lần 1 và các lệnh cấm vận của phương Tây, nền kinh tế Nga đã có nhiều thay đổi và tránh được một sự sụp đổ, song vẫn còn ốm yếu. Dự trữ ngoại hối của Nga hiện thấp hơn cả hồi khủng hoảng tài chính 2008-2009.
(Vietnamnet)