Mỹ tìm kiếm sự ràng buộc chặt chẽ hơn với các nước Thái Bình Dương thông qua thuế suất thấp trong khi tìm cách giảm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.
Có đến 60 tỉnh thành, 21 bộ ngành "phớt lờ" yêu cầu của Thủ tướng
- Cập nhật : 23/04/2016
(Kinh te)
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải báo cáo về doanh nghiệp trước ngày 20/4 để chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp. Song đến nay mới chỉ có 6 cơ quan gửi báo cáo.
Thông tin được ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đưa ra khi cho biết thông tin liên quan đến việc Thủ tướng yêu cầu các địa phương chuẩn bị nội dung, báo cáo về tình hình và ý kiến của doanh nghiệp phục vụ cho Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp sẽ diễn ra vào ngày 29/4 tới đây.
Theo ông Hà, cho đến thời điểm này mới có 6 cơ quan gửi báo cáo đến Văn phòng Chính phủ để phục vụ cho Hội nghị này, bao gồm: Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Nhà nước, và Bộ Thông tin & Truyền thông.
Trước đó, ngày 19/4 Văn phòng Chính phủ đã có quyết định thông báo về sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp vào ngày 29/4. Theo văn bản này, Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương, báo cáo tình hình giải quyết vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, cũng như đề xuất giải pháp để phục vụ Hội nghị.
Tuy nhiên, cho đến ngày 22/4, với việc chỉ có 3 địa phương, 1 bộ và 2 cơ quan gửi báo cáo, trong khi thời hạn mà Thủ tướng đưa ra là 20/4, đã cho thấy đa số các bộ, ngành địa phương không thực hiện đúng yêu cầu mà Thủ tướng đưa ra. Đồng nghĩa, có tới 60 địa phương, 21 bộ ngành "phớt lờ" lệnh của Thủ tướng?
Trước tình trạng thực thi theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc báo cáo của các bộ, ngành địa phương rất ít, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng thực tế này nói lên kỷ luật kỷ cương hành chính là không cao.
"Tôi mong muốn Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cương quyết hơn với các bộ ngành địa phương không thực hiện chỉ đạo. Kỷ luật kỷ cương không chấp hành thì trách nhiệm thực thi đầu tiên là của người đứng đầu, và cần phải có chế tài tương ứng, chứ hiện nay không có chế tài” – Ông Hà đề nghị.
Theo đó, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng chế tài mạnh mẽ nhất là lên án công khai những vấn đề này. Đặc biệt, báo chí cần thường xuyên công khai tên những bộ ngành, địa phương không thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng, không chỉ đối với riêng việc này mà còn với những hoạt động điều hành khác.
Được biết, Hội nghị đối thoại Thủ tướng với Doanh nghiệp sẽ được diễn ra trong 1 tuần tới tại TPHCM với sự tham gia trực tiếp của gần 400 doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ ngành và 3 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.
Sự kiện này cũng được nối với điểm cầu tại 62 tỉnh thành khác, các lãnh đạo và doanh nghiệp ở các địa phương sẽ tham gia có ý kiến và Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo.
Đáng chú ý, thay vì giấy mời là tờ A4 cứng nhắc mang tính triệu tập, thì giấy mời Hội nghị lần này sẽ do đích thân Thủ tướng mời các doanh nghiệp, bằng tờ giấy mời trang trọng và thân thiện. Đây được xem là tin vui với cộng đồng doanh nghiệp, kỳ vọng vào bộ máy Chính phủ mới năng động và gần dân hơn…