Bất kì cuộc khủng hoảng nào tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tất cả những quốc gia xung quanh.
'Núi vàng' ngàn tỉ USD của Triều Tiên
- Cập nhật : 01/07/2017
Ẩn dưới những ngọn núi ở CHDCND Triều Tiên là kho khoáng sản khổng lồ có thể đảm bảo cho chương trình hạt nhân trong nhiều thập niên.
Từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã phần nào thay đổi chính sách songun (ưu tiên quân sự) của các thời trước bằng chính sách kiên quyết phát triển năng lực hạt nhân song song với phát triển kinh tế. Theo chuyên san The National Interest, từ đầu năm 2016, Bình Nhưỡng đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo hơn số tên lửa được thử nghiệm trong 27 năm cầm quyền của Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) và nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Giới quan sát nhận định dường như các lệnh cấm vận của Mỹ và LHQ đã không phát huy tác dụng. Lý do chính được cho là Triều Tiên vẫn còn nguồn lực tài chính cực lớn để duy trì nền kinh tế cũng như tiếp tục theo đuổi năng lực hạt nhân và tên lửa.
Nguồn khoáng sản ngàn tỉ USD
Tờ The Guardian dẫn lời giới chức và các nhà phân tích Hàn Quốc cho biết bên dưới những ngọn núi ở miền Bắc là nguồn khoáng sản có trữ lượng cực lớn, bao gồm các loại như sắt, vàng, quặng ma giê, kẽm, đồng, than... Triều Tiên có trữ lượng ma giê lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc và có trữ lượng quặng vonfram đứng thứ sáu thế giới. Đặc biệt, Triều Tiên sở hữu lượng lớn các kim loại quý được gọi chung là đất hiếm (REE). Có mặt trong hầu hết mọi sản phẩm công nghệ cao hiện nay, từ điện thoại thông minh đến tên lửa, REE được mệnh danh là “chất dinh dưỡng của nền công nghiệp công nghệ cao” và các tập đoàn chế tạo trên thế giới có nhu cầu rất lớn đối với loại khoáng sản này.
Triều Tiên không công bố chính thức giá trị trữ lượng khoáng sản của mình, nhưng Công ty khai khoáng Korea Resources của Hàn Quốc hồi năm 2012 ước tính tài nguyên khoáng sản của miền Bắc trị giá đến 6.000 tỉ USD. Trong khi đó, Viện Tài nguyên Triều Tiên (trụ sở tại Seoul) thậm chí cho rằng con số này là gần 10.000 tỉ USD, gấp 20 lần so với Hàn Quốc, theo tờ The Economist.
Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, trong vài năm qua đã đầu tư mạnh tay vào các dự án cơ sở hạ tầng kết nối với Triều Tiên nhằm thúc đẩy mậu dịch về khoáng sản, bao gồm tuyến vận tải đường biển nối cảng Long Khẩu với cảng Nampo của Triều Tiên. Bên cạnh đó, hàng chục công ty nước này đổ tiền vào các mỏ khoáng sản ở Triều Tiên, đặc biệt là tại huyện Musan sát biên giới hai nước. Trong khi đó, Nga hồi năm 2014 cũng phát triển kế hoạch đại tu mạng lưới đường sắt ở Triều Tiên để có thể tiếp cận với nguồn khoáng sản của nước này.
Mạng lưới ngầm
Bên cạnh “kho báu” nói trên, nhiều nguồn tin phương Tây cho rằng Triều Tiên vẫn đang có thể lách các lệnh cấm vận và duy trì một mạng lưới tài chính ngầm thông qua nhiều hoạt động từ bán vũ khí, xuất khẩu lao động đến hệ thống nhà hàng ở nước ngoài. Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (C4ADS - trụ sở tại Washington D.C), giới chức Ai Cập hồi tháng 8.2016 bắt giữ một tàu chở hàng Triều Tiên chuẩn bị qua kênh đào Suez. Khi khám xét, lực lượng chức năng phát hiện 30.000 quả đạn chống tăng RPG-7 và nhiều trang thiết bị quân sự khác được giấu bên dưới 2.000 tấn quặng sắt trên tàu. Bên cạnh đó, C4ADS cho rằng Bình Nhưỡng đã triển khai các “điều phối viên” phụ trách hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.
Hôm qua, Bộ Ngân khố Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào một ngân hàng, một công ty vận tải và 2 công dân Trung Quốc với cáo buộc giao dịch “bất chính” với Triều Tiên. Trong đó, Reuters dẫn thông báo của Washington cáo buộc Ngân hàng Đan Đông giúp xử lý lượng giao dịch trị giá hàng tỉ USD cho các công ty Triều Tiên bị cho là dính líu đến chương trình vũ khí. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố “cương quyết phản đối lệnh trừng phạt đơn phương”, đồng thời kêu gọi Mỹ “sửa chữa sai lầm nhằm tránh ảnh hưởng đến hợp tác trong vấn đề liên quan”.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien.vn