Chiến lược bơm càng nhiều dầu thô càng tốt ra thị trường của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bắt đầu có hiệu quả. Các nhà sản xuất dầu ở nước khác đang chùn bước.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản là “bất diệt”
- Cập nhật : 29/07/2016
Mối quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã đóng băng kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhưng mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia này lại vô cùng mật thiết.
Sự hợp tác kinh tế giữa nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 trên thế giới đã bắt đầu từ khoảng đầu những năm 1948-1949 với các hiệp định thương mại không chính thức đầu tiên được áp dụng vào năm 1952.
Giảng viên Amy King tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược của Đại học Quốc gia Australia cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc coi Nhật Bản là đầu mối quan trọng trong lĩnh vực công nghệ và chuyên môn hàng hóa công nghiệp – lĩnh vực thiết yếu trong quá trình xây dựng lại và hiện đại hóa nền kinh tế Trung Quốc sau năm 1949. Trong khi đó, Nhật Bản coi Trung Quốc là nguồn nguyên liệu thô quý giá bởi sự khan hiếm của quốc gia này.
Bà King, tác giả của cuốn “China-Japan Relations after World War Two: Empire Industry and War, 1949-1971”, cho rằng Trung Quốc và Nhật Bản đã ký 4 hiệp định thương mại trong những năm 1950-1960. Mặc dù trước đó, hai quốc gia này không có quan hệ ngoại giao nhưng tới năm 1965, Nhật Bản đã trở thành đối tác quan hệ quan trọng nhất đối với Trung Quốc.
Mối quan hệ thương mại đôi bên cùng có lợi
Theo chuyên viên nghiên cứu cao cấp Martin Schulz tại Viện Nghiên cứu Fujitsu, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã bổ sung rất nhiều và mang tới lợi ích thương mại cho cả hai phía.
Những lợi ích này có thể không bình đẳng nhưng đem lại lợi ích cho cả hai giúp lợi nhuận tăng ở cả 2 nước. Ngoài ra, một số ngành công nghiệp được hưởng lợi hơn nhiều so với những ngành khác.
Ví dụ, thị trường ô tô của Trung Quốc được coi là rất quan trọng và không thể thay thế đối với Nhật Bản. Ngược lại, thị trường nông nghiệp của Nhật Bản có vị trí tương ứng đối với Trung Quốc. Khá thú vị ở chỗ, xuất khẩu ô tô của Nhật Bản sang Trung Quốc có tỷ trọng tương đương với khối lượng nông sản quốc gia này nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nhà kinh tế Harumi Taguchi của IHS Economics cho biết Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và là nhà nhập khẩu lớn thứ 4 của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là nhà nhập khẩu lớn nhất của Nhật Bản.
Và khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, xuất khẩu của Nhật Bản không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực.
Trong tháng 5, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước và xuất khẩu giảm 11,3%, đánh dấu tháng giảm thứ 8 liên tiếp. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm 14,9% - chỉ sau mức giảm của Hàn Quốc.
Xuất khẩu của Nhật Bản cũng phải đối phó với việc đồng Yên tăng giá bởi điều này khiến giá hàng xuất khẩu của Nhật Bản đắt đỏ và khiến lợi nhuận suy giảm.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài
Trung Quốc và Nhật Bản cũng có mối quan hệ đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Trong năm 2015, số liệu của Natixis cho thấy 8,8% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản đã chảy vào túi các doanh nghiệp Trung Quốc, đưa nước này vượt qua Mỹ để trở thành người nhận FDI cao nhất từ Nhật Bản.
Ngành sản xuất của Trung Quốc chiếm 66% lượng vốn FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc trong năm 2015. Tuy nhiên, nhà kinh tế Kohei Iwahara tại Natixis Japan Securities cho biết việc lương tăng tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã khiến lợi nhuận không tăng được như kỳ vọng.
Ông Iwahara cho biết các nhà sản xuất của Nhật Bản, đặc biệt là trong mảng hàng hóa giá rẻ, đã bắt đầu chuyển hướng sản phẩm từ thị trường Trung Quốc sang các thị trường châu Á khác như Việt Nam hay Thái Lan.
Theo thông kế của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, vốn FDI của Trung Quốc vào Nhật Bản cũng đã giảm 27,6% trong năm 2015.
Nhật Bản: Thiên đường du lịch của Trung Quốc?
Bất chấp những căng thẳng chính trị, rất nhiều du khách Trung Quốc vẫn đang tận hưởng kỳ nghỉ của mình tại Nhật Bản.
Nhật Bản đã được hưởng lợi khi tầng lớp trung lưu và lượng tiêu dùng tại Trung Quốc tăng nhanh chóng. Tổ chức Du lịch Quốc gia Trung Quốc cho biết, trong năm 2015, lượng du khách từ Trung Quốc sang Nhật Bản đã tăng 107,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng gần 600% so với cách đây 1 thập kỷ. Điều này đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có lượng du khách tới Nhật Bản nhiều nhất trong năm trước.
Một cuộc khảo sát vào tháng 3 của công ty du lịch lớn nhất Nhật Bản – JTB – cho thấy lý do phổ biến nhất đưa các du khách Trung Quốc tới Nhật Bản là để nhìn thấy sự phát triển tại đây và để thưởng thức ẩm thực Nhật Bản.
Thạch Thảo - Theo CNBC/NDH