tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hạ lãi suất gửi USD về 0%: Quyết định quyết đoán chỉ Việt Nam thực hiện được

  • Cập nhật : 01/10/2015

(Tai chinh)

Chắn hẳn NHNN đã có đủ thời gian để thử và kiểm nghiệm tính hiệu quả của chính sách. Việc hạ lãi suất lần này chỉ là một trong những bước cuối cùng trong một chuỗi quyết định chính sách đã được tính toán từ lâu.

 

Xoay quanh quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD từ 0,25% về 0%/năm với tổ chức và từ 0,75% về 0,25%/năm với cá nhân của NHNN áp dụng từ 28/9/2015 đã có nhiều ý kiến nhận định của các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng. Để có thêm góc nhìn đa chiều hơn cho độc giả và thị trường, chúng tôi xin đăng tải một bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Nguyễn Công Hiệp đến từ Quỹ đầu tư Caravel - Mỹ.

Trong bối cảnh đồng USD mạnh lên toàn cầu, tỷ giá VND so với USD gặp áp lực rất lớn, nhất là khi mà dư địa chính sách tiền tệ của nước ta chịu nhiều hạn chế. Khó khăn ngắn hạn nhìn thấy rõ khi cả cán cân thương mại lẫn cán cân vãng lai âm trở lại sau nhiều năm dương, Fed chuẩn bị tăng lãi suất, hàng loạt các đồng tiền mới nổi mất giá lớn, trong đó có những đồng tiền của các nước cạnh tranh xuất khẩu trực tiếp với Việt Nam như Trung Quốc và Thái Lan.

Quan trọng hơn, Việt Nam cũng chưa thể giảm cung tiền đồng hay tăng lãi suất VND khi mà mục tiêu phát triển kinh tế phải đảm bảo sau nhiều năm tăng trưởng khó khăn.

Trong bối cảnh như thế, cần những quyết định quyết đoán của những người làm chính sách dày dặn kinh nghiệm. Quyết định hạ lãi suất huy động đồng USD về gần 0% là một trong những quyết định như vậy. Đó là chính sách tận dụng được cả lý thuyết kinh tế lẫn sức mạnh hành chính và chính trị ở Việt Nam, trong khi rủi ro của chính sách hoặc là rất ít hoặc là không có. Rất nhiều nước trong khu vực như Thái lan và Indonesia, nơi mà đồng nội tệ mất giá 15 – 20% từ đầu năm do đồng USD mạnh lên và sức ép thâm hụt cán cân vãng lai cũng như mất niềm tin vào đồng nội tệ, có muốn cũng không thể áp dụng được.

Điểm khác mấu chốt giữa Việt Nam và các nước trong việc hạn chế rủi ro khi áp dụng chính sách này là chúng ta không có dòng tiền gián tiếp đầu tư ra nước ngoài do hệ quả của việc kiểm soát dòng vốn đầu tư. Chính vì vậy, tổng cung đồng USD từ cá nhân và tổ chức kinh tế trong nước sẽ luôn ở lại trong nước bất chấp lãi suất huy động USD là bao nhiêu.

Khác với vàng, trên thực tế người dân và doanh nghiệp cũng không thể tích trữ và bảo quản một lượng giấy tờ có giá quá lớn trong thời gian dài. Nên một khi tổng cung không thay đổi, USD sẽ vẫn xuất hiện trong ngân hàng, liên ngân hàng, tiền tệ, hay giao dịch thương mại bằng cách này hay cách khác.

Và thậm chí nếu như vòng quay đồng USD nhanh hơn do việc kém hấp dẫn khi giữ USD tăng lên, tổng cung USD sẽ có thể còn được tăng lên. Nhìn lại cả quá trình, việc hạ lãi suất đã được tiến hành trong cả một thời gian và qua nhiều bước. Chắn hẳn NHNN đã có đủ thời gian để thử và kiểm nghiệm tính hiệu quả của chính sách. Việc hạ lãi suất lần này (con số tuyệt đối không nhiều, 0,25 – 0,5%) chỉ là một trong những bước cuối cùng trong một chuỗi quyết định chính sách đã được tính toán từ lâu.

Việc giảm lãi suất huy động USD và qua đó tăng khoảng cách lãi suất USD và VND sẽ tiếp tục góp phần làm giảm tính hấp dẫn của đồng USD so với VND. Từ đó ít nhiều giảm áp lực lên VND trong cả ngắn hạn và dài hạn. NHNN đã từng làm điều tương tự và thành công với việc giảm thiểu ảnh hưởng vàng ra khỏi nền kinh tế. Từ một nền kinh tế chịu ảnh hưởng của 3 đồng tiền là vàng, USD và VND, chuyển dần thành 2 đồng tiền và tiến tới là 1 đồng tiền VND duy nhất. Không loại trừ khi cần thiết, NHNN sẽ chính thức giảm lãi suất huy động USD bằng 0% hoặc thậm chí hạn chế hoặc áp chi phí trong một số trường hợp với những hình thức gửi tiền bằng ngoại tệ.

Áp lực tỷ giá đối với VND và các đồng tiền ở các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục lớn trong thời gian tới. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, khác với Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ hay Brazil, thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam (nếu có) được bù đắp hoàn toàn bởi dòng tiền đầu tư trực tiếp FDI. Ngoài ra chính phủ còn dư địa rất lớn so với các nước trong khu vực trong việc tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp qua việc mở cửa thị trường hay bán cổ phần trong nước tại thị trường vốn hay bất động sản. Nên về cơ bản, đồng VND vẫn có những thuận lợi tương đối lớn so với các đồng tiền khác trong khu vực. Việc khôi phục niềm tin vào VND từ chính nội tại của nền kinh tế là điều mất chốt. Với việc lạm phát thấp và giảm thiểu vàng hóa và đô la hóa trong những năm qua, niềm tin vào VND đã được tăng lên rõ rệt.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục