Trong hơn 20 vụ kiện phòng vệ thương mại mà hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới liên tiếp khởi kiện VN từ đầu năm đến nay, có hơn 2/3 các vụ kiện đều luôn thấy Trung Quốc và Đài Loan bị kiện kèm.
Chật vật tìm vốn cuối năm
- Cập nhật : 07/11/2015
(Tai chinh)
Nhu cầu vay vốn làm ăn mùa cuối năm tăng cao nhưng làm sao để vốn ngân hàng chảy mạnh tới doanh nghiệp?
Trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong 10 tháng đầu năm tăng 29,2% về lượng và 37,9% về vốn so với cùng kỳ. Trong khi số lượng DN giải thể chấm dứt hoạt động giảm 2,6% cho thấy bức tranh nền kinh tế tiếp tục được cải thiện.
Cửa vay vốn vẫn hẹp
Tính đến ngày 21-9, tổng tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,5% so với cuối năm ngoái, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ 7,26%, phản ánh đầu tư khu vực tư nhân tiếp tục cải thiện. Với đà tăng trưởng tín dụng hiện nay cộng với nhu cầu vốn thường tăng cao vào cuối năm, tín dụng cả năm hoàn toàn có thể đạt mục tiêu Ngân hàng (NH) Nhà nước đề ra khoảng 17%. Nhưng dường như tín dụng vẫn chủ yếu chảy về các DN lớn, DN có vốn nhà nước hoặc DN có khả năng vay vốn, còn đại bộ phận các DN vừa và nhỏ vẫn rất khó vay và chịu thiệt thòi.
Theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, các DN vừa và nhỏ luôn gặp trở ngại trong tiếp cận vốn do không còn đủ tài sản thế chấp, báo cáo tài chính cũng không đủ tin cậy, không có kiểm toán độc lập. Trong khi khối DN này lại rất dễ tổn thương khi thị trường có biến động. Điều này lý giải vì sao các NH thương mại dè dặt với nhóm khách hàng này, dù thực tế DN vừa và nhỏ chiếm tỉ lệ rất lớn, là xương sống của nền kinh tế. “Các NH đứng ở giữa ngã ba đường, vừa muốn giúp DN khi thấy vai trò tiềm năng của họ nhưng cũng không thể bỏ qua nguyên tắc quản lý rủi ro. Bởi nếu không quản lý rủi ro thì NH sẽ phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu, thậm chí phải chịu trách nhiệm về mặt pháp luật” - ông Hiếu phân tích.
Tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM chia sẻ DN muốn tiếp cận được vốn cần có tài sản bảo đảm hoặc thế chấp bằng dòng tiền kinh doanh. Nhưng thực tế, rất ít NH mặn mà cho vay vốn dựa vào phương án kinh doanh khả thi, dòng tiền trong tương lai của DN do sợ trách nhiệm. “Làm được 100 đồng cho NH không ai nói nhưng chỉ cần để mất hoặc thất thoát 1 đồng cũng bị quy trách nhiệm, kể cả về mặt pháp luật. Trong khi DN hoạt động kém hiệu quả có nhiều nguyên nhân, trong đó cả nguyên nhân khách quan từ thị trường” - tổng giám đốc này bộc bạch.
Lo lãi suất rục rịch tăng
Bên cạnh bài toán nguồn vốn cho mùa làm ăn cuối năm đang làm đau đầu các DN, nhất là khối DN vừa và nhỏ, thì động thái tăng lãi suất ở một số NH cổ phần gần đây càng làm họ thêm lo lắng. Cụ thể, NH TMCP Đông Á vừa thay đổi biểu lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn với mức tăng lên cao nhất là 7,2%/năm ở kỳ hạn 18 tháng và cộng thêm lãi suất 0,1%/năm so với mức thông thường cho một số đối tượng khách hàng khi gửi tiết kiệm. Tương tự, NH TMCP Bản Việt cũng có 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn thêm khoảng 0,2%/năm chỉ trong vòng 1 tuần. Một số NH khác tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, ưu đãi để thu hút khách gửi tiền với lãi suất huy động áp dụng cho khách hàng tham gia chương trình cao hơn từ 0,1%-0,2%/năm so với tiền gửi thông thường.
Ông Nguyễn An, Phó Tổng Giám đốc NH Đông Á, lý giải việc tăng lãi suất tiền gửi nhằm đẩy mạnh huy động vốn đón đầu nhu cầu vay vốn tăng mạnh của DN và cá nhân những tháng cuối năm. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần có hội sở tại TP HCM phân tích ngược với những năm trước, năm nay, huy động vốn của nhiều NH lại tăng chậm hơn tốc độ tăng tín dụng nên các NH tăng lãi suất tiền gửi để chủ động nguồn vốn trong mùa cho vay cuối năm là dễ hiểu.
Trong bối cảnh các DN vừa mới “dễ thở” hơn một chút nhờ lãi suất cho vay giảm mạnh thời gian qua, nay nếu lãi suất tăng trở lại đang khiến họ lo sốt vó. Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, chia sẻ câu chuyện kiệt quệ trong mấy năm qua của DN một phần lớn vì lãi suất NH. Giai đoạn khoảng năm 2013, tổng dư nợ vay vốn của Tập đoàn Trường Thành tại các NH thương mại lên tới 1.900 tỉ đồng (trên vốn chủ sở hữu là 1.000 tỉ đồng), trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng phi mã do chính sách siết chặt tiền tệ của NH Nhà nước, Trường Thành đã rơi vào tình trạng rất khó khăn khi phải trang trải chi phí tài chính quá lớn, dẫn đến kiệt quệ và “phải đến gần đây, DN chúng tôi mới hồi phục dần, lãi suất cho vay cũng giảm về mức dễ thở hơn”.
Phó tổng giám đốc NH cổ phần nói trên cho rằng lãi suất cho vay sẽ không lập tức tăng theo huy động vì thực tế mức điều chỉnh lãi suất tiền gửi thời gian qua không quá lớn. NH thương mại có thể bù đắp phần chi phí huy động vốn tăng thêm bằng cách cho vay ra nhiều hơn, tính ra lợi nhuận sẽ không giảm. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhìn nhận dù một số nhân tố gây sức ép tăng lãi suất như tăng trưởng tín dụng, nhu cầu huy động trái phiếu chính phủ lớn nhưng việc lạm phát ở mức thấp trong năm nay là nhân tố giúp duy trì mặt bằng lãi suất thấp.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính:
Trao quyền nhiều hơn cho quỹ bảo lãnh
Rất nhiều lần tôi đề nghị các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ phải được nâng quy mô vốn lên gấp nhiều lần và hoạt động với một chủ trương khác - vì mục tiêu hỗ trợ cho DN tiếp cận vốn chứ không tính đến lợi nhuận. DN không tiếp cận được vốn vay NH do không có tài sản thế chấp, không đủ điều kiện mới tìm đến quỹ... Nhưng nếu quỹ bảo lãnh phải sinh lời hoặc không được mất vốn thì tiêu chí bảo lãnh còn khắt khe hơn NH thương mại làm sao mang lại hiệu quả cho DN? Do đó, hằng năm Quốc hội nên quyết định một tỉ lệ ngân sách nhất định cho quỹ bảo lãnh hoạt động để hỗ trợ cho DN và tiêu chí phải thông thoáng hơn NH để những người làm ở quỹ mạnh dạn bảo lãnh vay vốn.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank):
Cần sự nỗ lực từ cả hai phía
Để vốn NH đến được với DN nhiều hơn, theo tôi, cần sự nỗ lực từ cả 2 phía. DN phải chứng minh được hoạt động kinh doanh, cơ chế quản trị cũng cần thật sự minh bạch phản ánh đúng bản chất hoạt động của mình. Bản thân NH cũng phải có những nỗ lực tiếp cận, đánh giá đúng hoạt động phương án kinh doanh của DN. Như tại Sacombank, nhiều trường hợp khách hàng không có tài sản thế chấp nhưng hoạt động kinh doanh minh bạch, có nguồn thu và dòng tiền ổn định và NH có thể quản lý được dòng tiền từ đây cũng như doanh thu của DN sẽ được chuyển qua NH thì vẫn được cho vay. DN có thể vay vốn khi có tài sản bảo đảm hoặc một phần thế chấp chính là dòng tiền của DN. Dù vậy, số lượng DN đáp ứng được các tiêu chuẩn trên để vay vốn không nhiều, nên cần tự nâng mình lên bằng hoạt động minh bạch hơn, có báo cáo tài chính được kiểm toán bởi các tổ chức độc lập...
Ông VÕ TRƯỜNG THÀNH, Chủ tịch tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành:
Dù làm giỏi nhưng vẫn thua vì lãi suất
Hiện nay, dù lãi suất vay NH đã giảm còn khoảng 9%-10%/năm giúp các DN nhẹ đi gánh nặng chi phí tài chính rất nhiều. Nhưng nếu cạnh tranh trên bình diện chúng ta phải mở cửa sân nhà và thông qua các hiệp định thương mại tự do nước bạn cũng mở cửa cho ta thì DN Việt vẫn rất thiệt thòi vì mức lãi suất vay vốn của DN trong nước cao hơn các nước trong khu vực; do đó dù DN có làm giỏi như nước ngoài thì vẫn thua kém, không cạnh tranh được. Ở các nước thường có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho DN. Chính phủ nước họ cũng có chính sách khuyến khích đối với việc hiện đại hóa các ngành cần thiết nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường với lãi suất ưu đãi. Trong khi đó, DN nước ta dù nhận được sự trợ giúp từ nhà nước nhưng cũng chưa đủ để cạnh tranh.
Thái Phương ghi