tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tín dụng đa cấp tràn lan tại Trung Quốc

  • Cập nhật : 23/11/2015

(The gioi)

Các công ty nước này đang ôm khối nợ kỷ lục khi phải đi vay để trả lãi các khoản vay trước, làm tăng rủi ro vỡ nợ.

Tổng giá trị các khoản vay, trái phiếu và tín dụng ngầm được dùng để trả lãi được dự báo tăng 5% lên kỷ lục 7.600 tỷ NDT (1.200 tỷ USD) năm nay, theo số liệu của hãng phân tích Hua Chuang. Nhà kinh tế học người Mỹ - Hyman Minsky gọi đây là "mô hình tài chính Ponzi" (hình thức lừa đảo bằng cách vay tiền của người này để trả cho người khác, đặt tên theo trùm lừa đảo Charles Ponzi). Hình thức tăng trưởng tín dụng này được đánh giá là không bền vững, có thể châm ngòi cho khủng hoảng tài chính.Các công ty Trung Quốc đang rất khó tạo ra dòng tiền cần thiết để trả nợ, khi nước này tăng trưởng với tốc độ chậm nhất 25 năm và lợi nhuận doanh nghiệp co lại. Dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã 6 lần hạ lãi trong một năm qua, và lãi suất đi vay của các doanh nghiệp cũng đã ở đáy 5 năm, số vụ vỡ nợ trái phiếu tại đây đã lên 6 năm nay, gấp 6 lần năm ngoái.

cac doanh nghiep trung quoc dang phai di vay de tra tien lai. anh: scmp

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đi vay để trả tiền lãi. Ảnh: SCMP

"Một số công ty Trung Quốc đã bước vào giai đoạn Ponzi, vì lợi nhuận trên các khoản đầu tư (ROI) xuống rất nhanh. Hậu quả là, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tín dụng tăng lên, và số công ty xác sống cũng ngày một nhiều", Shi Lei – Giám đốc nghiên cứu công cụ trả lãi cố định tại Ping An Securities cho biết. Công ty xác sống là khái niệm chỉ các doanh nghiệp gần phá sản vẫn được cứu trợ để duy trì hoạt động, hoặc chỉ tạo ra đủ lợi nhuận trả lãi mà không giảm được nợ gốc.

China Shanshui Cement Group là cái tên mới nhất vỡ nợ trái phiếu niêm yết bằng nội tệ tuần trước. Dư thừa công suất trong ngành xi măng đã làm lợi nhuận của hãng đi xuống. Cuộc tranh cãi giữa các cổ đông cũng khiến họ khó huy động vốn. Hãng thép quốc doanh - Sinosteel tháng trước đã hoãn trả lãi trái phiếu, và tuần này cũng lại xin khất.

Sức khỏe doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất châu Á đã suy giảm đáng kể. Số công ty niêm yết trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến có tiền mặt ít hơn nợ ngắn hạn, lỗ ròng và doanh thu giảm sút đã lên 200 cuối tháng 6, từ 115 cùng kỳ năm ngoái. Nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc cũng tăng 10% trong quý III so với quý trước, lên 1.200 tỷ NDT, bằng GDP New Zealand.

Tổng nợ tại các công ty niêm yết hiện tương đương 141% giá trị cổ phiếu phổ thông. Đây là mức cao nhất 3 năm qua.

Dù nợ phát hành để lấy tiền trả lãi được dự báo tăng, con số này đang chiếm tỷ lệ thấp hơn trong tổng tín dụng mới. Hua Chuang Securities ước tính tỷ lệ này chỉ vào khoảng 45% (gồm các khoản vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, tín dụng ngầm), giảm so với 50% năm ngoái.

Chi phí đi vay giảm càng khiến các công ty Trung Quốc có khả năng tiếp cận nguồn tiền mới. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm của các doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm AAA đã xuống đáy 5 năm tại 3,7% hồi tháng 10.

Bên cạnh đó, giới chức Trung Quốc cũng đang áp dụng nhiều biện pháp để đảm bảo tín dụng luôn thông suốt, phục vụ nhu cầu người vay. Thủ tướng nước này – Lý Khắc Cường tháng trước cho biết các ngân hàng không nên cắt hoặc giảm cho vay các công ty "tạm thời" khó khăn. Chỉ trong một năm, PBOC đã 6 lần hạ lãi suất cho vay kỳ hạn một năm, từ 6% xuống 4,35% hiện tại.

Dù vậy, các vụ vỡ nợ có lẽ sẽ còn tăng cao khi lợi nhuận giảm mạnh hơn tốc độ hạ lãi suất, Zhou Hao – nhà kinh tế học cấp cao tại Commerzbank cho biết. Lợi nhuận của các công ty Trung Quốc đã co lại 4 tháng liên tiếp trong tháng 9. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 44 tháng liên tiếp trong tháng 10. Tăng trưởng nước này cũng được dự báo còn 6,9% năm nay – thấp nhất từ năm 1990.

"Chúng ta sẽ còn phải chứng kiến nhiều vụ vỡ nợ và nợ xấu nữa trong hệ thống tài chính Trung Quốc", Zhou kết luận.

(Theo Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục