Hôm nay (10/9), đồng nhân dân tệ lại sụt giảm mạnh tới 140 điểm cơ bản so với đồng USD – mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 14/8.
Thị trường vốn ASEAN hướng tới chiều sâu
- Cập nhật : 08/09/2015
(Tai chinh)
Từ những khởi đầu khiêm tốn, thị trường trái phiếu các nước ASEAN đã phát triển mạnh những năm gần đây.
Tuy nhiên, kỳ vọng của cả khối về một thị trường có chiều sâu, thanh khoản lớn cho cả người đi vay và nhà đầu tư (NĐT) thì dường như vẫn còn khoảng cách khá xa giữa tầm nhìn và thực tiễn.
Thị trường vốn ASEAN ra đời từ sự cần thiết phải có trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 bùng phát. Khi đó, các nước ASEAN phải xoay xở để vực dậy thị trường vốn trong nước, trong khi các DN cũng nỗ lực tìm các nguồn tài trợ vốn khác ngoài kênh ngân hàng. Kể từ đó, các thị trường vốn khu vực đã cất cánh nhanh chóng.
Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong vòng 5 năm trở lại đây tính đến 2014, thị trường trái phiếu nội tệ của ASEAN 6 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) đã tăng 70% và đạt 330 tỷ USD. Điều này không chỉ giúp tăng cung nguồn vốn cho vay mà còn thúc đẩy tăng trưởng một thị trường đầu tư khá lớn.
Ngày nay, lĩnh vực quỹ hưu trí, bảo hiểm nhân thọ và quản lý tài sản ở nhóm ASEAN 6 có quy mô giá trị tài sản lên tới 2.400 tỷ USD, tức gần tương đương với tài sản trong lĩnh vực ngân hàng. Rõ ràng là có nhu cầu vốn nội tệ, và ngay tại ASEAN cũng có rất nhiều nguồn để đáp ứng nhu cầu đó. Nhưng kết nối cung-cầu và tạo ra một thị trường cho cả khối lại không phải việc đơn giản.
Từng thị trường trong nhóm ASEAN 6 đã phát triển thành công nhưng cách phát triển và tốc độ đi lên của từng thị trường lại hoàn toàn khác nhau. Thị trường trái phiếu đôla Singapore đã nổi lên như thiên đường cho các ngân hàng đầu tư tư nhân, còn thị trường ringgit Malaysia chú trọng rất nhiều đến trái phiếu tài trợ dự án.
Trong khi đó, thị trường Thái Lan nổi lên nhờ đa dạng sản phẩm, bao gồm cả các loại trái phiếu có tính đến yếu tố lạm phát, còn thị trường Philippines lại nghiêng về trái phiếu bán lẻ.
Ngày nay, đặc biệt là trong bối cảnh biến động gần đây trên thị trường ngoại hối toàn cầu, điều cần làm là kết nối các thị trường này lại với nhau nhằm nâng tầm cho cả thị trường vốn ASEAN lên cao hơn nữa, và tăng khả năng tự tồn tại cho thị trường.
Một thị trường trái phiếu thành công đòi hỏi các yếu tố cơ bản như: Hệ thống pháp lý để bảo vệ quyền của người cho vay; các chuẩn mực kế toán minh bạch và yêu cầu chung về công bố thông tin; quản trị vững chắc và thị trường tài chính được giám sát; hệ thống thuế toàn diện; năng lực thanh toán mạnh và khả năng hỗ trợ cao; thị trường phái sinh có thanh khoản cao và cả công ty phát hành trái phiếu và NĐT đều được tự bảo hiểm rủi ro.
Tuy ở mức độ khác nhau nhưng mỗi thị trường trong ASEAN 6 đều có các yếu tố này. Tuy nhiên, chưa có thị trường nào đủ sâu và đủ thanh khoản để thoả mãn mọi nhu cầu vay vốn của toàn bộ 6 thị trường này.
Do đó, cả người đi vay và NĐT phải quay lại với các thị trường USD để phát hành và đầu tư vào trái phiếu. Vì vậy, ngày càng nhiều NĐT châu Á mua trái phiếu USD từ các công ty châu Á, và trong nhiều trường hợp, cả hai bên đều phải tự bảo hiểm rủi ro tỷ giá.
Với một thị trường trái phiếu hội nhập hơn trong khu vực ASEAN hay thậm chí cả châu Á, cả người đi vay và NĐT đều có thể thu lợi nhuận mà không cần chấp nhận những rủi ro tỷ giá không đáng có. Hạt giống để hình thành thị trường đã được gieo, nhưng quá trình nuôi dưỡng tiếp theo là cần thiết. Quá trình này cần cam kết chính trị từ cấp lãnh đạo.
Quỹ Bảo lãnh Tín dụng và Đầu tư CGIF do ADB và ASEAN + 3 thành lập để khuyến khích thêm nhiều khách hàng vay tiếp cận các thị trường nội tệ ASEAN là một ví dụ. Chính phủ Philippines đang đẩy mạnh chương trình này. Tuy nhiên, việc cần làm bây giờ là biến cam kết chính trị thành hành động.
Việc phát triển các thị trường vốn có chiều sâu và thanh khoản ở ASEAN đòi hỏi các hành động pháp lý rõ ràng. Đến nay, các cơ quan quản lý vẫn đang trong quá trình tìm kiếm sự đồng thuận cho các vấn đề tương đối đơn giản, ví dụ như bản cáo bạch chung và quy tắc phát hành. Đây là điều cần thiết để khởi động thị trường và bắt đầu giải quyết những vấn đề gai góc hơn như thuế, kế toán hay giải pháp trong trường hợp mất khả năng thanh toán.
Kế hoạch Hành động Cebu, vốn đang được các bộ trưởng tài chính APEC xúc tiến, là bước quan trọng đầu tiên để mở rộng sang các bước sau. Hội nhập sẽ không diễn ra ngày một ngày hai nhưng sẽ có kết quả tốt hơn nếu các cơ quan quản lý cam kết mốc thời gian rõ ràng để xây dựng các hạ tầng cần thiết và đến quá trình phát triển tiếp theo, đồng thời tiếp tục khuyến khích NĐT và người đi vay hãy sử dụng các thị trường vốn ASEAN.
Aaron Gwak, Trưởng bộ phận thị trường vốn và nợ khu vực ASEAN - Ngân hàng Standard Charterred