Kinh tế toàn cầu vẫn bất định và chỉ số nội tại của Mỹ vẫn chưa đủ tốt là lý do FED trì hoãn quyết định tăng lãi suất tới cuối năm.
Nhìn lại các đợt tăng lãi suất của Fed
- Cập nhật : 14/09/2015
(Tin kinh te)
Fed đang phải đối mặt với một số tiền lệ đáng lo ngại khi cân nhắc tăng lãi suất trong năm nay. Trong khi đó, điều mà giới đầu tư quan tâm lúc này là quy mô và thời gian của chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed nếu xảy ra.
Các nhà kinh tế và nhà đầu tư không chỉ đơn thuần lo lắng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu đẩy lãi suất lên. Với họ vấn đề quan trọng là Fed sẽ cần phải triển khai chính sách thắt chặt này với quy mô như thế nào và trong bao lâu.
Kể từ năm 1955, nước Mỹ đã trải qua 12 chu kỳ thắt chặt tiền tệ, trung bình mỗi chu kỳ kéo dài dưới hai năm. Tuy nhiên, có 5 trong số 7 trường hợp trong quá khứ, chu kỳ này đã được rút ngắn lại trong hoặc dưới một năm, nguyên nhân chủ yếu là do mức lạm phát trong những thập kỷ gần đây đã tương đối thấp .
Các giai đoạn lạm phát trong khoảng từ những năm 1970 cho tới đầu năm 1980 với sự gia tăng nhiều nhất về lãi suất; đã góp phần thúc đẩy mức tăng trung bình trong 12 chu kỳ lên tới năm điểm phần trăm. Tuy nhiên mức tăng trung bình này có thể là chỉ dẫn tốt hơn cho chu kỳ tới – mức lãi suất chỉ nên ở khoảng hơn ba điểm phần trăm.
Thông thường, các Ngân hàng trung ương có xu hướng đẩy lãi suất tăng lên khi nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và áp lực lạm phát đang tăng cao. Nhưng nếu việc tăng lãi suất bị lạm dụng, nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái. Tính trung bình, sau khoảng 3 năm kể từ lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed thì sẽ xuất hiện một chu kỳ suy thoái kinh tế. Một phần nguyên nhân là do suy thoái xuất hiện khá thường xuyên. Do vậy khó tránh khỏi việc thắt chặt tiền tệ dẫn tới suy thoái: ví dụ như vào năm 1983 và một lần nữa vào năm 1994 đã có một khoảng chênh bảy năm kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất cho tới thời điểm khởi đầu của cuộc suy thoái tiếp theo.
Mặt khác, mức lãi suất tăng cao hơn cũng không hẳn sẽ là tin xấu cho thị trường chứng khoán. Trong chín trên 12 chu kỳ gần đây nhất, thị trường chứng khoán đã tăng điểm theo ảnh hưởng của lần tăng lãi suất đầu tiên. Do Fed có xu hướng thắt chặt tiền tệ khi nền kinh tế đang bùng nổ, lợi nhuận thường tăng cao. Ngược lại, lãi suất trái phiếu chính phủ thường tăng trong năm đầu tiên của tất cả chu kỳ các chu kỳ trừ một trường hợp ngoại lệ duy nhất.
Một ví dụ điển hình là chu kỳ bắt đầu năm 1994, Fed đã kìm lãi suất ở mức thấp trong một thời gian dài để hỗ trợ ngành tài chính, khi đó vẫn đang trong quá trình phục hồi từ cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay vào cuối năm 1980. Cuối cùng, khi Fed quyết định bắt đầu tăng lãi suất, tốc độ thắt chặt tiền tệ dường như đã làm các nhà đầu tư bất ngờ, đặc biệt là những người đầu tư vào công cụ tài chính có gốc từ tài sản thế chấp. Việc này đã dẫn tới việc phá sản của hàng loạt các nhà đầu tư như nhà quản lý quỹ đầu cơ Askin Capital.
Trước một số lo lắng rằng hành động quá nhanh chóng này của Fed có thể dẫn tới những chính sách sai lầm khác, vào tháng ba vừa qua, Chủ tịch Fed -bà Janet Yellen đã nhận xét rằng, "Theo kinh nghiệm của Nhật Bản trong vòng 20 năm qua, và Thụy Điển gần đây, đã chứng tỏ rằng việc thắt chặt chính sách khi tỷ lệ trạng thái cân bằng thực ở mức thấp có thể dẫn đến tăng chi phí kinh tế ở mức đáng kể, dẫn tới trì hoãn việc đạt được mục tiêu ổn định giá của ngân hàng trung ương. "
Nhật Bản là nước đầu tiên giảm lãi suất xuống 0% và là người tiên phong đấu tranh với áp lực giảm phát và dân số già hóa. Vào tháng Tám năm 2000, dù giá cả vẫn đang theo chiều hướng sụt giảm, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã tăng lãi suất từ 0%; điều này dẫn tới một cuộc suy thoái bắt đầu vào hai tháng sau đó. Nỗ lực lần thứ hai của Nhật Bản là vào năm 2006, cũng dẫn tới hiệu quả ngược so với kỳ vọng 2 năm sau đó.
Những vấn đề tương tự đã xảy ra và làm ngân hàng trung ương điêu đứng khi cố gắng tăng lãi suất trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008. Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã tăng lãi suất trong năm 2008 và tăng thêm hai lần vào năm 2011, khi cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu đang diễn ra. Ngân hàng Riksbank của Thụy Điển thậm chí đã đi quá xa, khi tăng lãi suất từ 0,25% đến 2% trong năm 2010-2011 để đối phó với lạm phát gia tăng. Hậu quả là cuối năm 2011, Thụy sĩ đã phải đổi hướng và chịu mức lãi suất âm.
Bản chất của sự phục hồi chậm chạp của các nước giàu sau cuộc khủng hoảng và vấn đề nợ đọng đã giải thích lý do cho sự khó khăn của các ngân hàng trung ương khi điều chỉnh mức lãi suất trở lại "bình thường”. Trong quá khứ, nhiều ngân hàng trung ương thường tăng lãi suất cùng lúc. Nhưng tại thời điểm này, bất kỳ nước nào thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tự tách mình ra khỏi xu thế chung.
Các nguồn vốn đầu tư nước ngoài có thể dẫn tới việc tăng giá tiền tệ, khi đó các nhà đầu tư sẽ tận dụng lợi suất hấp dẫn hơn. Tỷ giá cao sẽ dẫn tới giảm giá hàng hóa nhập khẩu và vô hình chung sẽ làm tăng thêm áp lực giảm phát - việc này cũng giống như một chính sách tiền tệ càng thắt chặt hơn nữa. Điều này cho thấy bất cứ khi nào chu kỳ này bắt đầu, lãi suất tăng ở quy mô hẹp hơn và với chu kỳ ngắn hơn so với quá khứ.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)