Đồng USD tiếp tục điều chỉnh nhẹ so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trong sáng nay (23/8/2016 – giờ Việt Nam) do áp lực chốt lời sau khi đồng tiền này đã có phiên tăng giá rất mạnh cuối tuần trước. Hiện 1 USD đổi được 0,8825 EUR; 100.1900 JPY; 0.7609 GBP; 0.9618 CHF…
Nhiều nhà đầu tư phương Tây chú trọng vàng
- Cập nhật : 17/08/2016
Những diễn biến kinh tế và chính sách kinh tế chưa có sự chuyển biến rõ rệt của các nước lớn ngày càng đẩy các nhà đầu tư đến với khu vực an toàn – đó là đầu tư vào các kim loại quý.
Từ đầu năm đến nay, vàng là mặt hàng tăng giá mạnh nhất trên thị trường hàng hóa toàn cầu, hiện đã tăng hơn 26%. Xu hướng gia tăng của giá vàng trong năm 2016 là do lực cầu tăng mạnh, bên cạnh nhu cầu về vàng của Trung Quốc và Ấn Độ và nhu cầu của các NHTW còn phải kể đến nhu cầu đầu tư vàng trên thị trường quốc tế.
Tại khu vực châu Âu, nhu cầu đầu tư vàng đã gia tăng qua các quý, đạt ổn định ở mức 44,7 tấn trong quý II – trở thành thị trường đầu tư bán lẻ vàng lớn nhất. Nhu cầu đầu tư vàng trong quý II đã thể hiện sức mua mạnh ngay từ tháng 4, tháng 5 và đặc biệt là trong tháng 6 khi giá vàng đã tăng 9% nếu tính theo đồng Euro và 19% nếu tính theo đồng GBP.
Thêm vào nữa, kết quả trưng cầu ý dân về sự kiện Brexit vào cuối quý II cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến con số đầu tư vàng gia tăng trong quý II tại khu vực châu Âu. Nhu cầu đầu tư vàng để tìm kiếm sự an toàn và lợi nhuận là khó có điểm dừng ngay cả sau khi có quyết định chính thức về việc Anh có rời khỏi EU hay không.
Các chuyên gia phân tích thị trường của Bullion Vault đều đã đưa ra nhiều bằng chứng về kỳ vọng này, khi mà nhu cầu mua vàng đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân tại khi vực châu Âu đã gia tăng ở mức độ nhanh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Mặc dù vậy, sức mua cho mục đích đầu tư vàng không phải là hoàn toàn giống nhau trên các thị trường trong khu vực châu Âu.
Tại thị trường Anh, mặc dù lợi nhuận đầu tư vàng đã được nhìn nhận từ đầu năm, nhu cầu mua cũng đã tăng 65% trong quý II/2016, song nhìn chung tâm lý thận trọng vẫn bao trùm thị trường.
Trong khi đó, tại Đức, nhu cầu đầu tư vàng thỏi và vàng xu đã tăng 5% trong quý II nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của cùng thời điểm năm ngoái. Trên thị trường các hoạt động mua và bán vẫn diễn ra lành mạnh, tuy nhiên lực bán đang chiếm ưu thế sau khi nhu cầu mua của các nàh đầu tư bán lẻ tăng mạnh trong tháng 6.
Trong khi đó, nhu cầu đầu tư vàng tại Trung Quốc và Ấn Độ đã giảm lần lượt khoảng 11% và 12% so với cùng kỳ của năm 2015. Tại Ấn Độ, tăng trưởng doanh số bán hàng trang sức thời điểm lễ hội Akshaya Tritiya - một trong những dịp tốt lành nhất để mua vàng - đã không khả quan như kỳ vọng.
Thực tế đó cùng với phong trào đình công 42 ngày của các thương nhân nhằm chống lại mức thuế mới về tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho ngành chế tác trang sức đã phản ánh nhưng khó khăn của thị trường vàng tiêu dùng tại Ấn Độ trong năm 2016.
Ashok Minawala, Giám đốc All India Gems and Jewellery Trade Federation, cho biết, sự biến động mạnh về giá vàng là một trong những nguyên nhân nhấn chìm tình cảm của người tiêu dùng và hạn hán ở nhiều tiểu bang đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức mua trên thị trường. Đồng thời sự gia tăng mạnh của giá vàng cũng đã làm nản lòng các giao dịch vàng liên quan đến hoạt động đầu tư tại Ấn Độ.
Theo kết quả khảo sát của nhóm phân tích GFMS (Thomson Reuters), nhu cầu vàng trang sức và vàng đầu tư tại Ấn Độ và Trung Quốc kết thúc quý II/2016, ước ở mức 505 tấn, thấp hơn lượng vàng do các quỹ đầu tư ETF hiện nắm giữ ở mức 568 tấn. Nhu cầu nắm giữ vàng từ đầu năm đến nay của các quỹ đầu tư ETF trên toàn cầu đã tăng gấp nhiều lần so với nhu cầu vàng tiêu dùng từ thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo thống kê, tổng số lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF trên toàn cầu đến cuối tháng 6 dự đoán khoảng 2000 tấn - mức nắm giữ cao nhất kể từ tháng 9/2013. Hoạt động của các nhà đầu tư trên các thị trường giao dịch vàng luôn ở trạng thái tích cực và được dẫn dắt chủ yếu bởi lực cầu từ các nước ở khu vực phía Tây.
Sự dịch chuyển lực cầu từ phía Đông sang phía Tây có thể nhận thấy rõ thông qua dòng chảy của vàng nhập khẩu từ những thị trường có nhu cầu tiêu dùng vàng lớn vào khối thị trường Zurich. Thị trường giao dịch tại khu vực châu Á ghi nhận cả xu hướng tăng và giảm của lực cầu về vàng sau sự kiện Brexit, tuy nhiên các giao dịch chiếm vị trí áp đảo vẫn thuộc về phía cung.
Cuối cùng, từ đầu năm đến nay, số lượng vàng mà NHTW các nước mua vào cũng đã ít hơn năm ngoái và lượng vàng cung ứng ra thị trường từ các cơ quan này cũng đã dồi dào hơn.
Trong bản báo cáo khảo sát thị trường vàng công bố ngày 26/7, GFMS nhận định: “Vàng có thể vẫn giữ được vị thế là phương tiện ngăn ngừa rủi ro đến hết năm nay, đặc biệt khi tình trạng bất ổn kéo dài và những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu tiếp tục gia tăng”. GFMS dự báo giá vàng trung bình năm 2016 sẽ đạt 1.279 USD/ounce, cao hơn so với con số dự đoán 1.184 USD/ounce được đưa ra vào tháng 4/2016.
Thái Hồng
(Thời báo Ngân hàng)