Sau phiên tăng giá khá mạnh hôm qua, sáng nay (6/10 – giờ Việt Nam), đồng USD vẫn tiếp tục mạnh lên so với Euro và yên Nhật dù có giảm nhẹ so với nhiều đồng tiền khác. Hiện 1 USD đổi được 0,8948 EUR; 120,5300 JPY; 0,6596 GBP; 0,9762 CHF…
ECB mạnh tay can thiệp, song các thị trường “bất tuân”
- Cập nhật : 17/03/2016
(Tin kinh te)
Trước triển vọng khá ảm đạm của kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã liên tiếp nới lỏng chính sách tiền tệ, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này vẫn còn giới hạn. 23/03/2016.
ECB ra tay can thiệp
Tại cuộc họp hôm 10/3, ECB đã gây bất ngờ cho các thị trường tài chính khi thông báo giảm lãi suất tái cấp vốn từ 0,05% xuống 0% và lãi tiền gửi ngân hàng từ âm 0,3% xuống âm 0,4%, đồng thời tăng quy mô mua trái phiếu lên hơn 1.700 tỷ euro (1.900 tỷ USD) từ mức 1.100 tỷ euro.
Một biện pháp khác là quyết định mua trái phiếu của các doanh nghiệp tư nhân (ngoại trừ ngân hàng) có bậc xếp hạng tín dụng đáng đầu tư. Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, biện pháp này có thể giúp nới lỏng các điều kiện tài chính trong nền kinh tế thực, thông qua việc hạ thấp lãi suất trái phiếu doanh nghiệp ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn từ thị trường.
Tuy nhiên, thị trường của các loại trái phiếu này vẫn nhỏ và chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp lớn, vốn luôn “hưởng” chi phí vay mượn thấp trong nhiều năm qua. Do đó, một số doanh nghiệp sẽ rơi vào tình huống “ngồi trên đống tiền”. Giới phân tích đánh giá chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp của ECB không có tác động lớn đến nền kinh tế thực. Nhiều doanh nghiệp vẫn muốn chi tiền mua lại cổ phiếu hoặc thậm chí sẵn sàng “ngồi trông đống tiền”, hơn là đổ tiền vào kinh doanh, khi triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn ảm đạm.
Các nhà kinh tế đánh giá tác động cuối cùng các biện pháp kích thích của ECB đến nền kinh tế vẫn là một ẩn số, khi lạm phát tại Eurozone thấp và tăng trưởng kinh tế ở gần như toàn khu vực là èo uột bất chấp những nỗ lực trước đó của ECB. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 2/2016 tại Eurozone, đã rơi xuống âm 0,2% lần đầu tiên trong 5 tháng qua, cách rất xa mục tiêu đưa lạm phát lên 2% của ECB.
Theo nhà kinh tế trưởng Ludovic Subran của Tập đoàn bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, những nỗ lực của ECB đã không thực sự hiệu quả. Trong khi đó, nhà phân tích Jonathan Loynes thuộc Capital Economics cho rằng, ECB không thể đơn độc nỗ lực mà đạt được mục tiêu.
Ông cho biết hãng nghiên cứu này từ lâu đã cảnh báo chính sách tiền tệ không thể giải quyết mọi vấn đề sâu xa mà liên minh tiền tệ của khu vực đang đối mặt như tình trạng thiếu khả năng cạnh tranh của các nước ngoại vi và tăng trưởng yếu của các nước khu vực.
Jan Randolph, Giám đốc phụ trách hoạt động đánh giá rủi ro nợ công ở IHS cho rằng, nhiều nước ở Eurozone bị hạn chế trong khả năng thúc đẩy hoạt động kinh tế thông qua chi tiêu bởi nhà đầu tư nước ngoài dè chừng trước nguy cơ mất kiểm soát thâm hụt ngân sách ở các nước này. Theo ông, các chính phủ phải nỗ lực cải cách cơ cấu hơn nữa để tăng tiềm năng tăng trưởng.
Các thị trường “bất tuân”
Nhiều chuyên gia nhận định đã qua rồi cái thời Chủ tịch ECB Mario Draghi chỉ cần thốt ra vài từ là đã có thể khiến các thị trường phải "tuân chỉ". Cách đây bốn năm, lời hứa mơ hồ của ông rằng "sẽ làm bất cứ điều gì có thể" để cứu đồng euro đã hiệu nghiệm đến mức ngăn chặn được sự tan rã của Eurozone dưới bàn tay của các nhà đầu tư trái phiếu. Thế nhưng, những biện pháp của ECB thời gian gần đây đã không đạt được kết quả như mong muốn.
Phản ứng trước lãi suất hạ, ban đầu đồng euro giảm 1,3% so với đồng USD, nhưng sau đó đột ngột đổi hướng tăng 3% và chốt phiên cao hơn 2% so với mức trước khi có quyết định lãi suất. Bên cạnh đó, việc cấp các khoản vay lãi suất thấp để hỗ trợ ngân hàng vẫn chưa đem lại kết quả. Cổ phiếu của các ngân hàng Italy, vốn được xem là đáng ngại nhất khu vực, chỉ càng mất giá thêm.
Trên khắp châu lục người ta đang đặt ra câu hỏi: Điều gì đang xảy ra? Kể từ khi nổ ra khủng hoảng tài chính, các thị trường toàn cầu bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các quyết định của ngân hàng trung ương và những lần hạ lãi suất. Và các chương trình nới lỏng định lượng luôn được dự đoán, thảo luận và bàn cãi. Chẳng hạn như một năm trước đây khó có thể hình dung được việc tăng 33% tỷ lệ mua vào trái phiếu lại chỉ đạt được những kết quả khiêm tốn như vậy.
Tuy nhiên, có lẽ không chỉ các ngân hàng trung ương bị đặt dấu hỏi về quyền lực có hạn, mà đây còn là vấn đề của chính các thị trường. Giá trị của các đồng tiền chủ chốt đều có sự liên quan đến nhau, nghĩa là chúng không thể cùng lên hoặc cùng xuống trong cùng một thời điểm. Và tại các thị trường toàn cầu ngày nay, khó có thể tìm được một đồng tiền không chịu áp lực giảm giá.
Trong bối cảnh nhiều đồng tiền suy yếu, không có gì bất ngờ khi những nỗ lực của ECB nhằm làm suy yếu đồng tiền lại không đem lại kết quả. Kết quả cuối cùng của tất cả những diễn biến vừa qua là ECB có thể sẽ có những hành động ngày càng quyết liệt và bất bình thường để theo đuổi mục tiêu lạm phát 2% và việc làm suy yếu đồng euro được cho là có thể giúp đạt được điều này.
Tại cuộc họp báo sau cuộc họp của ECB, ông Draghi đã được hỏi về "đồng tiền trực thăng" - một công cụ rất bất bình thường được dùng khi ngân hàng trung ương muốn rót tiền trực tiếp cho khu vực công thay vì thông qua các ngân hàng thương mại (như cách làm thông thường của chương trình nới lỏng định lượng).
Đây là cách để kích thích chi tiêu và tạo ra lạm phát. Ông Draghi đã trả lời rằng hội đồng thống đốc chưa xem xét phương án này. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế là những chính sách mà ông vừa công bố chỉ tạo được tác động rất nhỏ đối với thị trường, rất có thể hội đồng thống đốc sẽ phải sớm bắt đầu xem xét sử dụng công cụ này.
Trà My tổng hợp
(Thời báo Ngân hàng)