Mới đây, Goldman Sachs cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục trì hoãn kế hoạch nâng lãi suất đến tận năm 2016, thậm chí có thể lâu hơn.
Việt Nam lại đứng trước cơ hội trở thành 'ngôi sao FDI'
- Cập nhật : 03/10/2015
(Tin kinh te)
CEO Indochina Capital tiết lộ vừa tham gia cuộc gặp, nơi nhà đầu tư ASEAN dành 5,5 trên tổng thời lượng 6 giờ thảo luận để nói về Việt Nam.
Hơn 700 đại biểu tham dự Diễn đàn Đầu tư toàn cầu diễn ra ngày 30/9 tại Hà Nội đã chứng kiến một bức tranh kinh tế - đầu tư hết sức tích cực của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dời cuộc họp thường kỳ Chính phủ sang buổi chiều để tham dự diễn đàn quan trọng này. Trong khi lãnh đạo Chính phủ khẳng định các điều kiện của nền kinh tế là rất thuận lợi với tăng trưởng đạt mục tiêu (ít nhất 6,53% năm nay và 6,7% cho 2016), lạm phát thấp (cả năm chỉ 1,5-2%), giới đầu tư trong nước cũng như nước ngoài cũng hào hứng đáp lại bởi những ấn tượng của họ khi Việt Nam vượt qua cơn bão khủng hoảng, cũng như những kế hoạch kinh doanh trong tương lai.Phiên thảo luận về tình hình kinh tế Việt Nam thu hút được sự chú ý bởi câu chuyện của CEO Indochia Capital - Peter Ryder. Nhà đầu tư có hơn 20 năm làm việc tại Việt Nam cho biết ông vừa tham dự cuộc họp của các đầu tư lớn tại một resort ở Quang Nam. "Chủ đề cuộc gặp nói về đầu tư vào ASEAN với thời lượng 6 tiếng, nhưng họ dành tới 5 tiếng rưỡi để nói riêng về Việt Nam", ông Ryder chia sẻ.
Sự quan tâm mà ông Ryder miêu tả tại diễn đàn do Tạp chí Euromoney và Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức phần nào lý giải cho con số 17 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đăng ký sau 9 tháng đầu năm, cao gấp rưỡi cùng kỳ. Đó đồng thời cũng là cảm nhận được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác chia sẻ.
Chủ tịch Tập đoàn Sunwah và VinaCapital - Jonathan Choi nhớ lại từng cảm nhận khá rõ rủi ro cách đây vài năm, khi lạm phát của nền kinh tế tăng cao. Song đến giai đoạn hiện nay, vị này cho rằng cơ hội đã quay trở lại và nhà đầu tư nước ngoài có thể chờ đợi ở nhiều lĩnh vực, nhất là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, nông - thủy sản.
Cùng với FDI, dòng vốn gián tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài cũng có sự cải thiện trong thời gian qua. Theo Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán - Nguyễn Thành Long, danh mục chứng khoán niêm yết của nhà đầu tư ngoại tăng trung bình 20-25% mỗi năm. Hiện nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 1% số tài khoản giao dịch nhưng tổng giá trị danh mục đạt trên 15 tỷ USD, chiếm 25% giá trị giao dịch của thị trường.
Nhận mình hoạt động trong một ngành còn non trẻ là chứng khoán, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng nhận định tình hình hiện nay của nền kinh tế là điều mà những ai đầu tư vào Việt Nam cách đây 10 năm phải mở ước.
Cùng với những chỉ số vĩ mô ổn định, ông Hưng dẫn lại thống kê của cơ quan chức năng cho thấy thu nhập bình quân đầu người (tính theo ngang giá sức mua) của Việt Nam hiện nay là khoảng hơn 5.000 USD. Theo lãnh đạo SSI, điều này không những giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội bán hàng hơn mà còn là cơ sở để Việt Nam có thể giảm dần việc nhận ODA.
"Vừa rồi có trường hợp địa phương từ chối nhận ODA. Chúng tôi nghe thấy rất mừng. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ có cơ hội nhận những đồng vốn đòi hỏi tính hiệu quả cao hơn, giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh, phát triển bền vững", ông Hưng nói.
Tiếp xúc thường xuyên với những nhà đầu tư quốc tế, ông Hưng cho biết sau một giai đoạn bị cạnh tranh quyết liệt bởi những quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Philippines hay gần đây nhất là Myanmar, Việt Nam dường như đã trở lại như một địa chỉ được ưu tiên để bỏ vốn đầu tư. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội một lần nữa trở thành "ngôi sao FDI" như giai đoạn 2007-2009, nhiều câu hỏi tại diễn đàn được đặt ra nhằm tìm kiếm điểm khác biệt của Việt Nam, đâu là đối thủ lớn nhất của nền kinh tế?...
Cùng với những kiến giải khá phổ biến được chia sẻ tại diễn đàn như chi phí lao động hợp lý, được đào tạo cơ bản, thị trường quy mô lớn..., Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc tham gia 8 hiệp định FTA trong thời gian qua của Việt Nam đã mang lại nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp. Riêng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã có GDP khoảng 2.500 tỷ USD và có thể đạt 10.000 tỷ vào năm 2030. Nếu đạt được hiệp định TPP, doanh nghiệp tại Việt Nam có thể hưởng nhiều ưu đãi khi giao thương với 55 nước.
Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng thừa nhận kết quả đạt được trong hội nhập và thu hút đầu tư của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. "Chúng tôi đang nỗ lực để có những giải pháp vượt qua thách thức, hạn chế của chính mình", ông nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nhà đầu tư nước ngoài có rất nhiều cơ hội M&A trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: P.V
Thủ tướng nhấn mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam vẫn trong quá trình hoàn thiện, cải tiến... nhất là ở khâu thực thi. Tuy nhiên, ông khẳng định Việt Nam có thể đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tương đương các nước ASEAN 4 trong năm 2016, thậm chí ngay trong năm nay. Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công tư (PPP), tham gia mua bán, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay.
Chia sẻ thêm về thông điệp của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh tái khẳng định Việt Nam đang chấp nhận hội nhập mạnh mẽ hơn với các FTA. Qua đó, Chính phủ và doanh nghiệp mong muốn nhất là mở rộng thị trường, chứ không chỉ bó hẹp ở quy mô 90 triệu dân.
Để làm được điều này, ông Vinh cho rằng có 2 việc cần làm là sửa đổi lại thể chế kinh tế, hệ thống pháp luật theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó là chấp nhận cạnh tranh, mở rộng đầu tư.
Vị trưởng ngành dẫn ví dụ về dệt may, khi cho biết nếu thành công trong đàm phán TPP, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có thể hưởng thuế 0% tại nhiều thị trường, thay vì mức 17-20% hiện nay. "Tuy nhiên, TPP có nguyên tắc "từ sợi", tức là nguyên liệu phải xuất phát từ các nước trong khối thì mới được hưởng ưu đãi. Điều đó vừa là thách thức vì Việt Nam hiện chủ yếu nhập sợi từ Trung Quốc (ngoài TPP), song cũng là cơ hội nếu nhà đầu tư có thể bỏ vốn vào lĩnh vực này. Đó chính là những gì chúng tôi muốn kêu gọi", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Trả lời câu hỏi về đối thủ của Việt Nam trong khu vực về thu hút đầu tư hiện nay, vị trường ngành cho rằng người cảm nhận rõ nhất chính là các nhà đầu tư quốc tế - những người đã bỏ vốn ở Thái Lan, Indonesia... Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng đặt trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia AEC, Chính phủ mong muốn tất cả các quốc gia trong khu vực đều có cơ hội phát triển. "Riêng với Việt Nam, điều cần thiết là phải vượt lên chính mình. Bởi nếu không, nhiều nước hôm nay chưa phải đối thủ, ngày mai chắc chắn sẽ là đối thủ của Việt Nam", Bộ trưởng Vinh nhận định.