Trước áp lực căng thẳng từ chiến tranh thương mại, NHTW Trung Quốc đã quyết định phá giá đồng nhân dân tệ, tỷ giá đồng tiền này so với đồng USD đã giảm 0,6% vào ngày 14/5.
Cơn bão suy giảm tiền tệ các nước mới nổi đã trở lại
- Cập nhật : 04/09/2018
Chỉ sau một thời gian ngắn ngủi chững lại, sự bất ổn trong các đồng tiền thị trường mới nổi đã lại tiếp tục.
Những gì đã bắt đầu ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ đã lan thành một sự sụp đổ rộng lớn hơn, trong khi các nhà hoạch định chính sách ở Indonesia, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil đang đưa ra các cam kết bảo vệ nền kinh tế của họ.
Dù vậy, nhiều quốc gia có thể sớm rơi vào vòng xoáy tiền tệ suy yếu, đe dọa tăng trưởng kinh tế.
Đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ, đã không ngừng thiết lập mức thấp nhất mọi thời đại mới, và được xem là "chim hoàng yến trong mỏ than" (lời cảnh báo) cho những rắc rối trên các thị trường mới nổi, theo các nhà chiến lược tại BNY Mellon. Thương nhân lo lắng về các nước có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và một khoản nợ lớn bằng đồng USD với lãi suất tăng và đồng USD ngày một mạnh hơn.
Tuần này, đồng peso Argentina vượt qua đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành đồng tiền thị trường mới nổi tồi tệ nhất trong năm nay. Nó đã mất hơn một nửa giá trị của nó kể từ cuối năm 2017.
Cuộc khủng hoảng tiền tệ của Argentina
Các vấn đề của Argentina không được cải thiện, mặc dù chính phủ nước này đã áp dụng tất cả các biện pháp thông thường để ngăn chặn khủng hoảng tiền tệ: tăng lãi suất, bán dự trữ ngoại hối và giảm chi tiêu của chính phủ.
Trong một động thái kém cỏi, chính phủ nước này đã yêu cầu IMF đẩy nhanh việc giải ngân 50 tỷ USD tiền từ thỏa thuận mới của mình. Điều này đã khiến các nhà giao dịch hoảng hợ. Peso tiếp tục lao dốc. Tuyệt vọng để giải quyết cuộc khủng hoảng, ngân hàng trung ương tăng lãi suất lên 60%, mức cao nhất trên thế giới. Peso tiếp tục rơi.
Cuộc khủng hoảng tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tăng lãi suất để ngăn chặn khủng hoảng của đất nước, điều làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Thay vào đó, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang cố gắng sử dụng các biện pháp tài khóa nhỏ để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Thị trường phản ứng tiêu cực với điều này. Erdogan đang giữ kiên định với quan điểm của mình rằng lãi suất cao hơn sẽ dẫn đến lạm phát. Ông cũng đổ lỗi cho một âm mưu do Mỹ dẫn đầu về các vấn đề kinh tế.
Các nhà phân tích tại ING nói rằng các biện pháp truyền thống (tăng lãi suất) là cần thiết để thuyết phục các nhà đầu tư mua vào lira. Nhưng các nhà chiến lược của Commerzbank nói rằng có thể bây giờ đã là quá muộn.
Đà giảm của đồng lira đã có chút chững lại sau khi chính phủ tăng thuế tiền gửi ngoại tệ và giảm thuế tiền gửi lira vào ngày 31 tháng 8. Nhiều nhà phân tích không tin rằng niềm tin của nhà đầu sẽ được duy trì. Phó thống đốc ngân hàng trung ương được cho là sẽ rời nhiệm sở, khiến cho Tổng thống Erdogan có thể bổ nhiệm người cùng phe để củng cố thêm ảnh hưởng của mình đối với chính sách tiền tệ.
Cuộc khủng hoảng tiền tệ của Ấn Độ
Commerzbank cảnh báo rằng bài học từ Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina là các nước mới nổi khác không nên để mặc đồng tiền của họ giảm giá quá lâu. Ngân hàng này cho biết các chính phủ cần chứng tỏ họ đang thúc đẩy nền kinh tế để có thể hỗ trợ bền vững cho cán cân đang thâm hụt của nước mình.
Lời cảnh báo đó đang được gửi đến Ấn Độ. Đồng rupee đã có mức suy giảm hàng tháng tồi tệ nhất trong hơn ba năm . Gần đây nhất đã giảm qua mức tâm lý quan trọng và xuống mức thấp nhất mọi thời đại.
Cuộc khủng hoảng tiền tệ của Indonesia
Trong khi đó, đồng rupiah của Indonesia đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Thật khó để tin rằng những rắc rối tiền tệ này là những sự kiện mang tính riêng rẽ tình cờ xảy ra ở một số quốc gia cùng một lúc. Những rắc rối xuất hiện đang lan rộng giữa các nước, với sự suy giảm của một đồng tiền có tác động đến những nơi khác của thế giới.
Nguồn Quartz
Theo Mạnh Đức/ Nhipcaudautu.vn