tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

'Sức khỏe' ngành ngân hàng đã cải thiện?

  • Cập nhật : 19/11/2017

Ngày 31-10-2017, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.

'suc khoe' nganh ngan hang da cai thien?

'Sức khỏe' ngành ngân hàng đã cải thiện?

Trước đó, vào tháng 12-2014, Moody’s đã nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “tiêu cực” lên “ổn định”. Số liệu thống kê gần nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy sự cải thiện đáng kể về tài sản cũng như nguồn vốn của các ngân hàng trong ba quí đầu năm nay.

Chất lượng tài sản cải thiện

Một thống kê khác gần đây của NHNN đến tháng 8-2017 cho thấy tổng tài sản của toàn ngành tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực so với đầu năm. Cụ thể, tổng tài sản toàn ngành đến 31-8-2017 là 9,25 triệu tỉ đồng, tăng 8,79% so với đầu năm, trong đó nhóm ngân hàng thương mại gốc nhà nước (TMNN) tăng 8,69% và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tăng 8,75%.

Không chỉ tăng trưởng tổng tài sản về số tuyệt đối, chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng đã có sự cải thiện. Từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực đến nay (có hiệu lực trong năm năm từ ngày 15-8-2017), Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã phối hợp với các TCTD thu hồi được 5.000 tỉ đồng nợ xấu. Trong 10 tháng qua VAMC đã thu hồi được 16.000 tỉ đồng; còn nếu tính lũy kế từ năm 2013 đến nay, VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý khoảng 66.000 tỉ đồng nợ xấu, chiếm gần 23% tổng số nợ xấu VAMC đã mua trong bốn năm qua.

Ngoài ra, với việc VAMC đã được phép mua nợ xấu theo giá thị trường thì các TCTD thời gian tới có cơ hội bán nợ nhận tiền tươi thóc thật từ tổ chức này. Cụ thể, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, VAMC đã giao dịch thành công hai khoản nợ có giá trị hơn 200 tỉ đồng của hai ngân hàng thương mại. Theo Quyết định 1058, sang năm 2018, VAMC được cấp đủ 5.000 tỉ đồng và tới năm 2020 là 10.000 tỉ đồng, do đó tổ chức này sẽ càng có thêm nguồn lực để giúp các TCTD xử lý nợ xấu.

Báo cáo vừa công bố của Moody’s cũng cho biết chất lượng tài sản và mức sinh lời của các ngân hàng Việt Nam đã, đang và dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện trong 12-18 tháng tới. Tỷ lệ nợ có vấn đề của nhóm 15 ngân hàng được đánh giá, theo Moody’s, đã giảm từ 9,4% năm 2012 xuống còn 7,1% năm 2016 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn 5,8% trong năm 2018.

Việc tăng trưởng tín dụng đạt tốc độ cao trong thời gian qua và tiến trình xử lý nợ xấu, bán nợ cho VAMC được đẩy nhanh sẽ giúp tỷ lệ nợ toàn ngành giảm nhanh trong giai đoạn tới.

Vốn tự có tăng ổn định

Không chỉ chất lượng tài sản được cải thiện, báo cáo của Moody’s cũng đánh giá nguồn vốn của ngành ngân hàng ở mức ổn định. Còn theo số liệu thống kê của NHNN, vốn tự có toàn ngành trong tám tháng đầu năm nay tăng 6,92%, đạt 683.900 tỉ đồng, trong đó nhóm ngân hàng TMNN tăng 7,28% còn nhóm ngân hàng TMCP tăng thấp hơn, ở mức 5,33%.

Ngược lại, vốn điều lệ của toàn ngành đạt mức tăng trưởng thấp hơn khi chỉ tăng 3,45% so với đầu năm, trong đó nhóm ngân hàng TMNN chỉ tăng 0,79% còn nhóm ngân hàng TMCP tăng 2,87%, cho thấy hoạt động tăng vốn điều lệ của nhóm ngân hàng TMCP đang đạt được tiến độ tốt hơn. Với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước cao thì việc tăng vốn của các ngân hàng TMNN gặp nhiều thách thức trong thời gian qua, trong khi kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược mới chưa đạt được tiến độ như kỳ vọng.

Vốn tự có tăng cao hơn vốn điều lệ là nhờ vào việc một số ngân hàng đã phát hành thành công trái phiếu để tăng vốn tự có cấp 2 trong thời gian qua, trong đó một số thương vụ đáng chú ý là của LienVietPostBank hay VietinBank. Ngoài ra, việc lợi nhuận những tháng đầu năm tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ cũng giúp phần lợi nhuận chưa phân phối của các ngân hàng tăng mạnh, từ đó giúp vốn tự có theo xu hướng ngày càng tăng lên về cuối năm.

Tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao ngay từ đầu năm đến nay đã giúp nguồn thu nhập từ lãi của toàn ngành cải thiện tích cực, bên cạnh nguồn thu nhập ngoài lãi ngày càng tăng cao. Các hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán của các ngân hàng đều có sự tăng trưởng tích cực, đặc biệt là từ hoạt động dịch vụ (phí thu từ mảng thanh toán và bảo hiểm tăng trưởng đã đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của các ngân hàng).

Trong khi đó, hệ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) cũng tăng mạnh nhờ tăng trưởng mảng bán lẻ, đặc biệt là cho vay khách hàng cá nhân. Theo báo cáo của Moody’s thì khả năng sinh lời của các ngân hàng sẽ được duy trì ở mức ổn định nhờ thu nhập trước trích lập dự phòng tăng nhẹ trong vòng 12-18 tháng tới cùng với việc tín dụng tăng trưởng tốt. Lợi nhuận tăng trưởng mạnh cũng giúp các ngân hàng gia tăng nguồn lực tài chính để xử lý các khoản nợ xấu không thể thu hồi được, từ đó nâng cao chất lượng tài sản.

Tuy nhiên, dù vốn tự có tăng tích cực nhưng hệ số an toàn vốn (CAR) của toàn ngành vẫn giảm so với đầu năm do tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn. Dư nợ tín dụng là tài sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản có rủi ro khi tính hệ số CAR, do đó khi tín dụng tăng nhanh hơn vốn tự có thì hệ số CAR có xu hướng giảm xuống. Cụ thể hệ số CAR của toàn ngành đến 31-8-2017 là 12,37%, giảm 0,47% so với đầu năm, trong đó của nhóm ngân hàng TMNN chỉ ở mức 9,69%, giảm 0,23% so với đầu năm, còn nhóm ngân hàng TMCP là 11,12%, giảm 0,68%.

Rủi ro chênh lệch kỳ hạn giảm xuống

Nguồn vốn không những tăng lên mà kỳ hạn cũng đã có sự chuyển dịch tích cực, khi nguồn vốn trung, dài hạn ngày càng được cải thiện. Như đã nói, bên cạnh một số ngân hàng phát hành thành công trái phiếu để tăng vốn tự có cấp 2, thì nhiều ngân hàng thời gian qua đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với quy mô lớn để gia tăng nguồn vốn dài hơi hơn nhằm phục vụ phát triển kinh doanh.

Ngoài ra, một số ngân hàng như VIB hay VPBank cũng tìm kiếm thêm được nguồn vốn tài trợ dài hạn từ các tổ chức quốc tế như IFC. Nguồn vốn dài hạn tăng đã giúp chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn giảm xuống, do đó rủi ro về kỳ hạn cũng được quản trị tốt hơn.

Theo NHNN, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn ngành đến hết tháng 8 năm nay là 32,01%, giảm 2,5% so với đầu năm. Trong đó, nhóm ngân hàng TMNN là 35,44%, giảm 1,88% so với đầu năm, còn nhóm ngân hàng TMCP là 35,91%, giảm đến 4,02% nhờ nguồn vốn trung, dài hạn của nhóm này đạt được tăng trưởng tốt hơn.

Trong khi đó, dư nợ tín dụng cũng có sự chuyển dịch từ trung, dài hạn sang ngắn hạn. Cụ thể, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ trọng dư nợ trung, dài hạn đến cuối tháng 9 năm nay đã giảm từ mức 55,6% của cùng kỳ năm 2016 xuống còn 54%.


Theo Thụy Lê/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Trở về

Bài cùng chuyên mục